Tân giám đốc điều hành VEF: “SV Việt nên đầu tư vào lĩnh vực STEM”
(Dân trí) - Là một người gốc Việt, Bà Sandy Hòa Đặng – Tân giám đốc điều hành mới của Quỹ Giáo dục Việt Nam có những chia sẻ tâm huyết về nền giáo dục quê hương, cũng như những kế hoạch đóng góp, hỗ trợ tích cực để tiếng nói Việt Nam trở nên mạnh mẽ hơn nữa tại VEF với cương vị của mình.
Nên đẩy mạnh giáo dục ở lĩnh vực STEM và phân bổ chất xám đồng đều
Tham gia Hội đồng Quản trị của Quỹ Giáo dục Việt Nam từ năm 2011 đến nay, nữ Giám đốc Điều hành mới của VEF - bà Sandy Hòa Đặng có cái nhìn sâu sát và những khuyến nghị thiết thực dành cho nền giáo dục Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra cho nền giáo dục Việt Nam cũng là câu hỏi dành cho bất kì nền giáo dục nào trên toàn thế giới. Đó là “Làm sao các quốc gia có thể chuẩn bị cho sinh viên nước mình hội nhập và cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu”? Muốn vậy, phải không ngừng quan tâm, đổi mới hệ thống giáo dục cho phù hợp với thời đại, tránh lạc hậu, tụt hậu.
Đặc biệt, tôi thiết nghĩ, Việt Nam ta có thể chuẩn bị, đầu tư cho sinh viên của mình trong các lĩnh vực STEM. Đây là những lĩnh vực tri thức mấu chốt, mũi nhọn, cần tập trung nhất. Đó sẽ là bước đi chiến lược nâng tầm nền giáo dục”, bà khuyến nghị.
Nữ Giám đốc Điều hành của VEF khẳng định thêm: “Tôi nghĩ rằng Việt Nam có nhiều lợi thế. Ví dụ, hiện nay dân số Việt Nam có một tỷ lệ lớn những người trẻ. Chính vì thế, thông qua giáo dục, Việt Nam có thể tạo ra cơ hội cho những người trẻ tuổi để góp phần phát triển bền vững, lâu dài và tăng trưởng mạnh mẽ.
Lực lượng trẻ ham học hỏi, khi được chuẩn bị đầy đủ về tri thức, đặc biệt ở các mảng khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học… sẽ nắm trong tay chìa khóa mở ra thế giới và cải thiện cuộc sống của họ”.
Bà Sandy Đặng cũng cho hay, năm 2014, VEF đã phát hành một báo cáo mang tên “Các quan sát về giáo dục đại học trong các ngành Khoa học Nông nghiệp, Kỹ thuật Xây dựng, Khoa học Máy tính, Điện-Điện Tử-Viễn Thông, Khoa học Môi trường, Vật lý và Giao thông vận tải tại số trường đại học ở Việt Nam”.
“Trong báo cáo này, tôi biết được rằng Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện giáo dục đại học trong 10 năm qua, nhưng vẫn còn không ít khó khăn để có thể đáp ứng được thời cơ.
Một giáo sư Mỹ trực tiếp nghiên cứu dự án, Tiến sĩ John Hopcroft - chuyên gia hàng đầu về máy tính ở Đại học Cornell từng nhận xét rằng: “Bởi vì các nguồn lực hạn chế, Việt Nam bây giờ cần phải tập trung vào một vài môn học quan trọng đối với nền kinh tế và phúc lợi xã hội, cũng như nền tảng xây dựng các chương trình giáo dục đẳng cấp thế giới ở mọi vùng miền của đất nước.
Nguồn nhân lực chất lượng cao phải được phân bố đồng đều trên cả nước và Việt Nam cần đảm bảo rằng, chất lượng sống ở mọi vùng miền của các bạn cao, đồng đều”. Đó là một ý kiến tuyệt vời và tôi hoàn toàn đồng ý với Tiến sĩ Hopcroft”, bà Sandy Đặng chia sẻ.
Sẽ cống hiến, đóng góp hơn nữa cho nền giáo dục Việt…
Quỹ Giáo dục Việt Nam VEF là một tổ chức quan trọng bậc nhất đối với du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ. Bằng tấm lòng hướng về quê hương, bà Sandy Đặng khẳng định, sẽ nỗ lực hết sức trong việc góp sức hơn nữa vào nền giáo dục Việt Nam khi thực hiện sứ mệnh của VEF ở vị trí Giám đốc Điều hành.
“Trước khi trở thành Giám đốc điều hành VEF, tôi đã tham gia vào một số tổ chức sinh viên ở nước ngoài của Việt Nam. Tôi tìm cách hỗ trợ các tổ chức sinh viên Việt ở nước ngoài trong các khu vực đô thị Washington. Tôi làm một huấn luyện thông qua hội nghị truyền hình gây quỹ cho một số sinh viên Việt Nam ở nước ngoài.
Ở vị trí Giám đốc Điều hành VEF, tôi sẽ làm việc với Hiệp hội Quỹ Giáo dục Việt Nam Fellow (VEFFA) và các tổ chức sinh viên khác tại Hoa Kỳ. Tôi muốn lắng nghe nhu cầu của họ và xem làm thế nào tôi có thể giúp đỡ họ”, bà Sandy chia sẻ.
Chia sẻ về kế hoạch, dự định để tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa 2 quốc gia Việt – Mỹ, cũng như đóng góp cho nền giáo dục Việt Nam trong thời gian sắp tới, bà Sandy Đặng nói:
“Như các bạn biết đấy, năm 2015 đánh dấu kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Đây là một cột mốc quan trọng đối với cả hai nước. VEF đang có kế hoạch để làm nổi bật một số thành tựu đáng kể của chương trình nghiên cứu sinh – học bổng Fellowship VEF, học bổng Học giả - Visiting Scholars, và Chương trình Giáo sư Hoa Kỳ giảng dạy tại Việt Nam - US Faculty Scholars. Tôi tin rằng cả Hoa Kỳ và Việt Nam đã nhận được lợi ích lẫn nhau thông qua trao đổi giáo dục.
Nghiên cứu sinh và học giả theo chương trình VEF đã bắc nhịp cầu đưa công dân Việt Nam tài năng sang tham gia chương trình sau đại học hoặc sau tiến sỹ tại các trường đại học Hoa Kỳ.
Các bạn mang kiến thức, kỹ năng và nền văn hóa phong phú để chia sẻ với các giáo sư Mỹ, các quản trị viên, và học sinh. Đổi lại, các bạn đã đạt được những kiến thức mới trong lĩnh vực STEM và các khía cạnh khác của hệ thống giáo dục Hoa Kỳ. Và các bạn sẽ mang nó trở lại để giúp đỡ Việt Nam.
Kế hoạch của tôi là thu thập các ý tưởng và bài học tốt nhất có được từ các chương trình trao đổi nghiên cứu sinh và học giả này, để mang nó, chia sẻ những giá trị thực tiễn đến tất cả những ai quan tâm đến giáo dục ở cả Việt Nam và Hoa Kỳ.
Ngoài ra, học bổng VEFFA đã được thành lập để giúp học sinh thông minh có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam được tiếp tục học tập thông qua liên kết với Hội Phụ nữ Từ thiện TP Hồ Chí Minh. Có 45 suất học bổng được trao cho học sinh ở Việt Nam mỗi năm, được huy động từ sự đóng góp của cộng đồng nghiên cứu sinh VEF và các nhà hảo tâm.
“Ở vị trí mới đảm nhiệm, tôi sẽ làm việc với các đồng bào, cựu sinh viên, các trường đại học và các đối tác của chúng tôi để xác định ý tưởng và phương pháp mới để hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường sức mạnh và chất lượng của hệ thống giáo dục.
Những nỗ lực trao đổi giáo dục đã, đang và sẽ thực hiện một tác động đáng kể vào việc xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam”, bà Sandy Hòa Đặng tin tưởng.
Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) là sáng kiến đặc biệt của Quốc hội Hoa Kỳ nhằm cải thiện mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thông qua các hoạt động trao đổi giáo dục tập trung vào các ngành khoa học, kỹ thuật, toán học, y tế, và công nghệ.
Đây là năm thứ mười hai VEF chính thức đi vào hoạt động. Chương trình Học bổng VEF là hoạt động trọng tâm của Quỹ. Thông qua chương trình này, VEF đã đưa 503 ứng viên xuất sắc sang học tập bậc thạc sĩ và tiến sĩ tại 96 trường đại học hàng đầu tại Hoa Kỳ. Ngoài ra, Chương trình Học giả VEF, bắt đầu năm 2007, đến nay đã đưa 46 công dân Việt Nam có bằng tiến sĩ tham gia chương trình sau tiến sĩ từ 5 tháng đến một năm tại 35 trường đại học Hoa Kỳ. Chương trình mới nhất của Quỹ là Chương trình Giáo sư Hoa Kỳ Giảng dạy tại Việt Nam, bắt đầu từ năm 2008.
Chương trình này đã trao 39 suất tài trợ cho 31 giáo sư Hoa Kỳ giảng dạy bằng tiếng Anh từ một tới hai học kỳ tại 26 trường đại học Việt Nam thông qua cầu truyền hình từ Hoa Kỳ hoặc giảng dạy trực tiếp tại Việt Nam. VEF yêu cầu các Nghiên cứu sinh và Học giả trở về Việt Nam sau khi hoàn tất các chương trình học thuật của mình tại Hoa Kỳ. |
Lệ Thu