Tận dụng "thời gian vàng" để công dân học tập
(Dân trí) - Sáng nay 8/10, tại TƯ Hội Khuyến học Việt Nam đã diễn ra Hội thảo "Công dân học tập trong điều kiện bình thường mới" nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam.
Hội thảo nhằm bổ sung ý kiến, tìm các phương pháp mới trong việc thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước qua 2 Đề án "Công dân học tập" và "Mô hình gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập" vào năm 2022.
3 điều kiện đảm bảo cho công dân đạt tiêu chí "Công dân học tập" trong bối cảnh bình thường mới.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Doan (Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam), công dân học tập cần có 3 năng lực cơ bản, đó là: năng lực tự học, học suốt đời; năng lực sử dụng các công cụ tương tác và năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội.
Việc học trực tuyến của công dân chỉ thực sự có hiệu quả khi mỗi người trau dồi và rèn luyện kỹ năng tự học - kỹ năng quan trọng nhất, là năng lực đầu tiên bắt buộc phải có đối với mỗi "Công dân học tập" thời kỳ 4.0 và nó càng quan trọng hơn khi dịch bệnh kéo dài, không biết bao giờ mới chấm dứt.
Công dân học tập là những công dân có trách nhiệm và nghĩa vụ học tập suốt đời trong xã hội học tập để phát huy những năng lực tiềm ẩn.
(Theo định hướng của UNESCO và các chuyên gia giáo dục Việt Nam)
Tuy nhiên, muốn học trực tuyến hiệu quả thì mọi công dân (người học) cần sử dụng thành thạo một số chức năng của điện thoại thông minh, hoặc máy vi tính và máy tính bảng để vào được lớp học trực tuyến. Ngoài sử dụng thành thạo các thiết bị điện tử, kỹ năng đọc nhanh cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng.
Khi đã tiếp thu được những kiến thức đã tiếp thu và học được, chúng ta sẽ cải thiện được cuộc sống của chính mình và tốt hơn nữa nếu chia sẻ các kinh nghiệm cho người thân và bạn bè.
Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, mỗi công dân đều phải thể hiện được cả 3 năng lực cốt lõi. Khi sử dụng tốt cả 3 năng lực này, chúng ta sẽ được lắng nghe và thấu hiểu một cách sâu sắc, hiệu quả những diễn biến của cuộc sống hàng ngày, luôn tạo được sự tương tác và cảm nhận của cộng đồng.
Ngoài phong trào "Máy tính cho em" thì cũng cần phát động phong trào "Máy tính cho người nghèo hiếu học" nhằm huy động lực lượng xã hội ủng hộ máy tính, thiết bị học tập cho người nghèo hiếu học chưa có thiết bị trong học tập.
GS.TS Nguyễn Thị Doan cho rằng: "Không có lý do gì trẻ em cần máy để học mà người lớn còn nghèo lại không có thiết bị học tập trong khi chúng ta đang tập trung xây dựng xã hội học tập mà người lớn là đối tượng đang được tập trung động viên học tập. Điều này thể hiện sự công bằng trong giáo dục người lớn".
10 kỹ năng đối với "Công dân học tập"
Hội Khuyến học Việt Nam đã dựa trên 3 năng lực cốt lõi để xây dựng 10 kỹ năng cơ bản và phẩm chất mong muốn đối với mô hình "Công dân học tập".
10 kỹ năng cơ bản và phẩm chất mong muốn bao gồm: Kỹ năng đọc, cập nhật những thông tin và tri thức trên sách báo, tivi, máy tính, điện thoại di động hoặc thông minh. Kỹ năng xây dựng kế hoạch học tập theo các chương trình phục vụ yêu cầu công việc, hoặc do Nhà nước, cơ quan hay đoàn thể quy định. Kỹ năng sắp xếp hợp lý các công việc để có thời gian tham gia các hoạt động cộng đồng tại nhà văn hóa, câu lạc bộ, thư viện, các hội thảo, hội nghị.
Kỹ năng vận động và tạo điều kiện cho người thân trong gia đình và đồng nghiệp học tập thường xuyên. Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công việc và vị trí. Kỹ năng sử dụng ngoại ngữ theo yêu cầu công việc và vị trí đảm nhận. Kỹ năng tính toán để công việc đang làm luôn được cải tiến, sáng tạo và chất lượng đạt hiệu quả cao.
Kỹ năng tư duy biện chứng và tư duy phản biện trong công việc, trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ… và các hoạt động xã hội. Kỹ năng tạo dựng mối quan hệ thân thiết với gia đình, tránh xung đột. Cuối cùng là kỹ năng hợp tác, chia sẻ trong lao động và hoạt động xã hội. Tôn trọng bình đẳng giới và sự đa dạng về văn hóa, có ý thức bảo vệ môi trường.
Tổng kết hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Doan phát biểu: "Đại dịch Covid-19 đã khiến chúng ta thay đổi tư duy, phương pháp làm việc và học tập. Việc học tập là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu trong điều kiện bình thường mới. Mỗi công dân học tập phải có ý thức trong việc tự học, thay đổi phương pháp tiếp cận công việc và phương pháp biểu đạt.
Điều cần thiết là lãnh đạo và quản lý tạo ra được môi trường cho công dân học tập. Môi trường số hóa phải phù hợp với Chính phủ điện tử, phù hợp với từng công dân trong xã hội, với điều kiện bình thường mới.
Các cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo phương tiện và bồi dưỡng kiến thức sử dụng các phương tiện cho công dân học tập đó. "Xã hội hóa" là điều cấp thiết, và phong trào "Máy tính cho người nghèo" sẽ được Hội Khuyến học Việt Nam thực hiện khi đề án "Công dân học tập" được triển khai vào năm 2022".