“Tại sao phải cúi đầu?”

(Dân trí) - Hình ảnh ông thầy huấn luyện viên người Hàn Quốc Park Hang Seo nói với học trò Việt “Chúng ta đã cố gắng hết sức, tại sao phải cúi đầu?” sau trận thua đội Uzbekistan, để tuột Huy chương Vàng trong giải bóng đá U23 châu Á 2018, phải nói đó cũng là một lời cảnh tỉnh trong giáo dục.

Ngay sau trận thi đấu lịch sự với đội tuyển Uzbekistan và để mất cơ hội giành Huy chương Vàng, ông Park Hang Seo, huấn luận viên người Hàn Quốc đã vực tinh thần các học trò người Việt: “Chúng ta đã nỗ lực hết sức, tại sao phải cúi đầu? Chúng ta không phải cúi đầu”. Trong bối cảnh đó, có thể xem đây là hiệu lệnh: Hãy ngẩng cao đầu!

Dạy con trẻ học cách chiến thắng là điều quan trọng nhưng dạy con đối diện với thất bại cũng cần thiết không kém. Thậm chí cần thiết hơn nhiều vì đó là đó là dạy cho trẻ sự bản lĩnh, phẩm chất, sự tự tin ở bản thân trong mọi hoàn cảnh. Thế nhưng, trong giáo dục, rất nhiều người - là các chủ thể của giáo dục - làm ngược lại. Có những người chọn cách dằn vặt, thậm chí "hành hạ" con trẻ khi các em không đạt được kỳ tích mà mình mong muốn.

Các cầu thủ U23 Việt Nam được học cả bài học về phẩm chất, nghị lực khi thua trận
Các cầu thủ U23 Việt Nam được học cả bài học về phẩm chất, nghị lực khi thua trận

Trong đợt TPHCM tuyên dương học sinh giỏi của TPHCM mới đây, tôi nhớ mãi hình ảnh người phụ nữ lớn tuổi ngại ngần, lúng túng tìm địa điểm để ký nhận giấy khen, phần thưởng. Chị kể, chị là giúp việc được ông bà chủ giao phó việc đi nhận giấy khen của cậu con trai chỉ giành giải Ba học sinh giỏi Quốc gia. Bố mẹ ê chề, xấu hổ.. vì con chỉ đạt giải Ba nên cũng không háo hức và cũng không cho con trai tham gia lễ tuyên dương, nhận giải. Họ giao trọng trách này cho người giúp việc và dặn chị thích làm gì với phần thưởng của thằng bé thì làm, không cần phải đưa về nhà vì họ không muốn nhìn thấy.

Đứa trẻ ấy phải đối diện với sự tủi hờn, cay đắng khủng khiếp từ bố mẹ hơn cả thứ hạng.

Đó là chuyện về một cô học trò học lớp 9, đang chuẩn bị đối diện với kỳ thi học sinh giỏi, thi cuối cấp tuyên bố:“Nếu không đỗ cao em chỉ có con đường chết”. Trước đây trong kỳ thi học sinh giỏi, em chỉ về nhì, điểm tổng kết năm đứng sau một học sinh khác, người mẹ đã bày tỏ nỗi thất vọng tận cùng. Thậm chí, bà xem đó là nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời mình. Bà phân tích, mổ xẻ, đổ lỗi... tất cả trời thành nỗi dằn vặt, ám ảnh với cô con gái. Để rồi em phấn đấu và cố gắng trong nỗi sợ hãi, sự tự ti cùng cực.

Rồi nữa, ở trường học, về phía giáo viên, nhà trường cũng có những chiêu phản giáo dục để bảo vệ thành tích. Ở một số trường học, ở những thời điểm như thi cuối cấp, họ tìm đủ cách “loại trừ” những học sinh yếu ra khỏi trường để đảm bảo tỷ lệ của trường đẹp như mơ. Thông qua tư vấn, định hướng từ nhà trường, nhiều học sinh được “chỉ định”theo học nghề, không thể thử sức mình ở các kỳ thi như mong muốn để tránh ảnh hưởng đến kết quả của nhà trường.


Trẻ cần được giáo dục về sự tự tin vào bản thân để đối diện với mọi hoàn cảnh (ảnh minh họa)

Trẻ cần được giáo dục về sự tự tin vào bản thân để đối diện với mọi hoàn cảnh (ảnh minh họa)

Giáo viên cũng có không ít lệnh trừng phạt đối với học sinh bị cho là “thua cuộc”. Có đó những giáo viên đánh học trò vì các em không làm được bài, điểm số thấp làm ảnh hưởng đến thi đua, thành tích của lớp, của thầy. Học sinh có thể bị trừng phạt bằng nhiều hình thức khác nhau nếu không đạt được thứ hạng cao, không đạt được như kỳ vọng.

Khi thua cuộc, chúng ta có tâm lý muốn con trẻ phải cúi đầu!

Khi thua cuộc, nhiều đứa trẻ của chúng ta muốn hủy hoại bản thân, muốn tìm đến cái chết. Các em không sợ kết quả kia bằng ánh mắt, cách nhìn của người lớn.

Chúng ta mắng mỏ, trách móc, chửi bới khi con trẻ làm sai, trừng phạt khi các em chưa đạt kết quả cao. Giáo dục còn nặng về kết quả, thành thích nhiều hơn là ghi nhận hành trình, là nỗ lực. Giáo dục vẫn quan trọng kiến thức, điểm số hơn là phẩm chất, bản lĩnh. Trên đường đời, tất cả bước đi của mọi người, cần bản lĩnh để đổi mặt với những khó khăn, trắc trở của cuộc sống hơn là các thành tích, giải thưởng.

“Tại sao phải cúi đầu?”, lời động viên tới các cầu thủ của ông Park Hang Seo khi Việt Nam thua trận đã làm một nhà giáo thốt lên: “Khi nhìn thấy một người thầy Hàn Quốc đối xử với học trò Việt Nam như thế, tôi tự hỏi các chúng ta cảm thấy thế nào khi phê vào vở của học trò mình một câu: "Em sai vì không đặt đúng thứ tự các nhân tố như tôi dạy?”.

Dạy con từ U23 Việt Nam

1. Nếu tuyết không rơi, sao ta biết mình có thể chơi được tốt đến đâu trong tuyết. Nên nghịch cảnh không phải là kẻ thù, mà là trợ lực để con khám phá giới hạn của mình.

2. Cách con chơi quan trọng hơn kết quả. Cách con sống quan trọng hơn những tài sản mà con thu vén được. Cứ chơi đẹp, sống tốt thì thắng thua được mất thế nào cũng có người nể trọng và yêu quý.

3. Muốn gặt hái những thành quả bình thường không thể thiếu sự trui rèn. Muốn gặt hái những thành công phi thường không thể thiếu niềm tin và ý chí.

4. Kỹ thuật làm nên cầu thủ giỏi, văn hóa làm nên cầu thủ fairplay. Kiến thức làm nên con người giỏi, vốn sống làm nên con người đẹp.

5. Cầu thủ muốn giỏi cần gặp đúng huấn luyện viên. Học trò muốn giỏi cần gặp đúng thầy. Hãy tìm những người thầy dạy con cách hiểu mình và tin vào chính mình, chứ không phải tin vào những chiêu trò, xảo thuật.

6. Khi cầu thủ đá bóng vì một dân tộc đằng sau lưng, họ trở thành những con người khác. Con cũng có thể trở thành một con người khác hạnh phúc và lớn lao hơn, khi con biết sống không chỉ vì bản thân mình.

Nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương

Lê Đăng Đạt