“Tác giả” đề Văn “Trái tim có điều kỳ diệu” nói gì?

“Nếu chỉ đơn thuần là một kỳ thi tốt nghiệp lớp 9, Sở sẽ không ra đề như thế. Nhưng kỳ thi này mang tính chất là kỳ thi tuyển vào lớp 10, nên chúng tôi cần có sự phân loại học sinh” - Thạc sĩ Nguyễn Hồng Liêu, người ra <a href="http://dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2006/6/122539.vip">đề Văn</a> cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của tỉnh Ninh Thuận cho biết.

Trước hết, tôi khẳng định, đề nằm trong chương trình. Trong sách dành cho học sinh ở trang 51 và sách dành cho giáo viên ở trang 53 có hướng dẫn về loại đề này. Có chăng là trong quá trình giảng dạy, giáo viên lướt qua hoặc không giúp học sinh nhận dạng được những kiểu đề văn mới thế này.

 

Các nước cũng đã ra những dạng đề thế này: “Bạn”, “Tổ quốc trong tôi”, “Ngọn đèn”...và họ để học sinh tự làm bài theo khả năng hiểu biết của mình, theo sự cảm thụ văn chương, cuộc sống của mình.

 

Lâu nay, chúng ta cứ cho học sinh quen với cách học cũ và cho đề thi cũng theo kiểu mệnh lệnh. Giờ, có một chút cải cách nằm trong sự cho phép thì lại bỡ ngỡ.

 

Tại sao chúng ta không phát huy sự sáng tạo của học sinh? Kiểu ra đề không có mệnh lệnh sẽ giúp học sinh sáng tạo. Khi đi thi, học sinh sẽ không cần phải học thuộc lòng những bài văn mẫu, những ý chính trong bài phân tích của giáo viên... để rồi vào phòng thi nhớ được ý nào thì chép lại ý đó. Như thế, đâu còn gọi là văn.

 

Nếu chỉ đơn thuần là một kỳ thi tốt nghiệp lớp 9, Sở GD-ĐT sẽ không ra đề như thế. Nhưng kỳ thi này mang tính chất là lỳ thi tuyển vào lớp 10, nên chúng tôi cần có sự phân loại học sinh.

 

Chấm thử trước, chấm thật sau

 

“Đây là một đề hay nhưng hơi lạ. Có điều nó nằm trong chương trình giảng dạy của Bộ. Và đương nhiên, với đề này thì đáp án cũng trên tinh thần mở.

 

Chúng tôi sẽ tổ chức chấm thử theo đúng quy trình của Bộ. Và sau khi đã thống nhất ý kiến thì mới tổ chức chấm bài thi của học sinh”, ông Phạm Hồng Cường, Giám đốc Sở GD - ĐT Ninh Thuận.

Hơn nữa, năm nay Ninh Thuận sẽ thành lập trường chuyên Lê Quý Đôn, nên chúng tôi cần tìm ra những học sinh khá, có năng khiếu. Và chúng tôi đã cân bằng, bằng cách là ra 2 đề để học sinh chọn. Nếu học sinh nào vững kiến thức với lối đề văn truyền thống thì chọn đề I - đề có nêu mệnh lệnh. Còn nếu học sinh nào có kiến thức tổng quát, có tư duy tốt thì chọn làm đề II - đề không có mệnh lệnh.

 

Và bằng chứng là, chúng tôi có hỏi thăm nhiều học sinh khá, giỏi thì các em chọn làm đề không nên mệnh lệnh và tỏ ra rất hào hứng với loại đề này.   

 

Vì là đề mở, nên khi đưa ra khung đáp án, chúng tôi cũng chỉ yêu cầu học sinh hiểu được trái tim chính là tâm hồn, tình cảm, lòng nhân ái, niềm trắc ẩn, sự sẻ chia thông cảm giữa con người với con người. Điều kỳ diệu của trái tim một người mẹ, nước mắt người mẹ đã cảm hoá được đứa con hư. Điều kỳ diệu của trái tim tình thân ái, nối vòng tay lớn... Điều kỳ diệu của trái tim là có thể xoa dịu được nỗi đau, xoá tan lòng hận thù...

 

Với dạng đề này, tuyệt đối không chấm bài theo dạng máy móc, cứng nhắc, rập khuôn như lâu nay mà là trân trọng ý kiến của học sinh. Sẽ có những học sinh cho rằng trái tim vô cảm, trái tim không có điều kỳ diệu chẳng hạn.

 

Theo Đoan Trúc (ghi)
Vietnamnet