Từ đề văn gây tranh cãi, nghĩ về đổi mới giáo dục

Từ dư luận về <a href="http://dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2006/6/122539.vip">đề Văn lạ</a>, dễ dàng nhận ra nền giáo dục Việt Nam còn bảo thủ lắm. Các bậc phụ huynh đáng kính thì e ngại con em mình không làm được bởi đề ra không giống mọi khi. Các em học sinh thì lo lắng bởi đề bài quá chung chung, mơ hồ.

Còn một số nhà giáo cho rằng đề thi vượt quá khả năng của học sinh đại trà. Dường như cả xã hội chưa chuẩn bị cho việc đổi mới giáo dục.

 

Trong những ngày gần đây, dư luận đang nóng lên bởi một đề thi ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10 của tỉnh Ninh Thuận. Đề thi vẻn vẹn có sáu từ “Trái tim có điều kỳ diệu” nhưng lại gợi lên nhiều vấn đề cần sự đóng góp trí tuệ của người dạy, người học, những người làm công tác quản lý giáo dục và cả người dân. Đó là vấn đề đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

 

Như nhiều nhà quản lý giáo dục và giáo viên đã phát biểu, đề văn được ra trong chương trình của Bộ. Loại đề bài này được gọi là đề “không mệnh lệnh” (còn gọi là đề “mở”). Tuy nhiên, khi giảng dạy, giáo viên thường ít chú trọng và chỉ dạy lướt qua đối với loại đề văn này.

 

Thực chất, đây là một dạng đề văn tự luận. Đề văn chỉ nêu một mệnh đề và tùy vào tri thức xã hội, khả năng sử dụng ngôn ngữ của mình, thí sinh tự triển khai nội dung mà không có một dàn bài chuẩn mực. (Trong chừng mực nhất định, người ra đề cũng vạch được những nội dung tối thiểu mà thí sinh phải nêu được trong bài văn).

 

Với những người đã từng học ngoại ngữ hoặc theo chương trình giáo dục của nước ngoài, dạng bài thi này rất phổ biến. Nó được áp dụng rộng rãi không chỉ trong lĩnh vực xã hội mà còn trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị... Đối với thí sinh, dạng bài thi này phát huy tối đa được tri thức xã hội, khả năng sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic và trí tưởng tượng. Đối với công tác quản lý giáo dục, bài thi này giúp phân hóa tối đa người học theo các tiêu chí vừa nêu. Đặc biệt, đề bài tự luận khuyến khích trí tưởng tượng phong phú của học sinh tiểu học và trung học cơ sở.

 

Đổi mới giáo dục, trước hết cần đổi mới về nội dung. Ngày trước khi xem SV96, chúng ta từng cười chua chát khi các bạn sinh viên nói rằng “cải cách giáo dục” là “cách mấy năm cải một lần”. Đã 10 năm trôi đi, việc đổi mới nội dung giáo dục vẫn chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn. Nhìn lại, có lẽ món nợ này của ngành giáo dục đối với nhân dân không dễ trả một sớm một chiều.

 

Thứ hai, đổi mới giáo dục là đổi mới phương pháp dạy và học. Chủ nghĩa kinh viện, giáo điều đã thấm sâu vào cách dạy và học của chúng ta. Phương pháp học nhồi nhét đã bóp nghẹt trí tưởng tượng và tư duy sáng tạo của những người đi học. Nhưng muốn đổi mới phương pháp dạy và học thì cần nhiều yếu tố: Đó là trình độ của giáo viên, cơ sở vật chất... và trước tiên là ở tư duy người dạy học.

 

Thứ ba, đổi mới giáo dục là đổi mới phương thức đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên. Hiện nay, chúng ta đang bước đầu có những cải cách về chế độ thi cử. Những cải cách này cần làm mạnh hơn nữa. Cải cách chế độ thi cử không những góp phần đổi mới giáo dục mà còn giúp tiết kiệm được nhiều tiền của cho dân, cho nước.

 

Ba nội dung trên có quan hệ mật thiết với nhau. Nếu chúng ta tiến hành riêng lẻ từng nội dung, hiệu quả sẽ không đạt như mong muốn. Trở lại đề văn lạ, nếu chúng ta giảng dạy đúng chương trình, có phương pháp giảng dạy tốt thì chắc chắn sẽ không trở thành một vấn đề gây bức xúc trong dư luận.

 

Chúng ta đã xây dựng được một xã hội học tập nhưng động lực đúng đắn cho việc học tập thì chưa có. Có thể nói, xã hội chúng ta học tập không phải vì tri thức.

 

Đối với đa số người học, điều thôi thúc họ đến trường có lẽ là bằng cấp. Đáp ứng nhu cầu ấy, chúng ta mới đẻ ra nhiều loại hình đào tạo: từ chính quy tập trung tới chính quy không tập trung, từ hệ đào tạo chuyên tu tới đào tạo từ xa... Chất lượng các loại hình đào tạo này thì không ai kiểm soát. Và thế là hàng loạt ông cử, bà cử bước vào đời như người đến từ hành tinh khác. Nạn cử nhân giấy, thạc sĩ giấy, tiến sĩ giấy... cũng từ đó mà ra.

 

Đối với người dạy học, không ít người đến với giáo dục như một nghề kiếm cơm cao quý. Vì coi nó là một nghề kiếm cơm, nên thật khó đòi hỏi việc họ chăm chút nhiều cho việc nâng cao trình độ. Đương nhiên, trình độ giáo viên yếu không thể đòi hỏi chất lượng giáo dục cao.

 

Đối với những người làm công tác quản lý giáo dục, thành tích luôn được đặt lên hàng đầu. Nếu tỷ lệ thi tốt nghiệp năm nay thấp hơn tỉnh bạn, thí sinh đi thi quốc gia không đạt giải, họ thật “khó ăn khó nói” với lãnh đạo. Thế mới có chuyện mọi cấp, mọi ngành tham gia đáp bài cho thí sinh tốt nghiệp. Thế mới có chuyện lập ra trường chuyên, lớp chọn để “đem chuông đi đấm xứ người”.

 

Chuyện giáo dục, có lẽ cần bàn nhiều hơn, lâu hơn, sâu hơn và tốn nhiều giấy mực hơn nữa. Hãy nghĩ về trách nhiệm của chúng ta đối với thế hệ tương lai. Nếu không bắt đầu đổi mới giáo dục từ bây giờ bằng việc xây dựng một xã hội học tập vì tri thức, chúng ta sẽ có tội với chính con cháu chúng ta.

 

Bùi Văn Kiên (Hà Nội)
Theo Vietnamnet