SV ngành Kế toán phải đi... lắp linh kiện điện tử

(Dân trí) - Vừa qua, sinh viên hệ CĐ năm cuối ngành Kế toán Trường ĐH Việt - Hung (Sơn Tây, Hà Nội) được nhà trường tổ chức cho đi trải nghiệm ở nhà máy tập đoàn Hồng Hải. Việc học Kế toán lại phải đi “lắp linh kiện điện tử” đã khiến nhiều SV bức xúc.

Theo phản ánh của sinh viên (SV), việc đi trải nghiệm gần như là quy định bắt buộc bởi khi có chủ trương, nhà trường đã yêu cầu lớp trưởng đưa mẫu cam kết về lớp để SV ký sau đó nộp lại. Một số SV không muốn tham gia cuộc trải nghiệm này xin rút lui nhưng nhà trường từ chối. Chỉ có những SV nào mắc bệnh truyền nhiễm, viêm gan B mới được tự liên hệ thực tập.
 
SV ngành Kế toán phải đi... lắp linh kiện điện tử - 1

Khuôn viên trường ĐH Việt - Hung.

Trước khi SV bước vào quá trình thực tập, phía tập đoàn Hồng Hải cũng có cử cán bộ xuống giới thiệu về quy mô của công ty, giới thiệu về dây chuyền sản xuất và các chế độ khác như một người công nhân bình thường. Mục tiêu trải nghiệm của SV là sẽ làm việc như công nhân, trong dây chuyền lắp linh kiện modem và switch.

SV cũng cho biết, khi vào nhà máy đều phải làm các công việc như một người công nhân thực thụ và được hưởng mức lương là 1.664.000 đồng/tháng (tương ứng 64.000 đồng/ngày), trong khi đó lương công nhân khi mới vào là 2.400.000 đồng/tháng. 
 
Để làm rõ vấn đề SV phản ánh, Dân trí đã có những cuộc làm việc trực tiếp với Trường ĐH Việt - Hung.

Trường không ép sinh viên

Trong buổi làm việc với phóng viên vào chiều ngày 13/2, ông Phí Quang Thọ - Trưởng phòng quan hệ doanh nghiệp và hỗ trợ HS-SV cho biết, việc nhà trường đứng ra để tổ chức cho SV đi trải nghiệm là xuất phát từ thực tế trước kia các em tự túc liên hệ thực tập, nhà trường không quản lý được nên hiệu quả không cao.

Về việc cho SV học ngành Kế toán đi trải nghiệm “lắp linh kiện điện tử”, ông Thọ giải thích: "Đối với ngành Kế toán thì không phải chỉ có Kế toán tài vụ mà còn có kế toán vật tư, thống kê… Quan điểm của chúng tôi là muốn các em nắm được thực tế, xem công nhân làm như thế nào để tránh việc sau này doanh nghiệp kêu ca là SV thiếu thực tế. Tất nhiên việc SV tham gia đều xuất phát trên tinh thần tự nguyện cả".

“Trước khi đi, có hai SV xin phép không tham gia vì đã có nơi thực tập và chúng tôi đã đồng ý. Thậm chí có một số SV lúc đầu chưa muốn đi nhưng đến phút cuối lại thay đổi quyết định nên trường lại bổ sung thêm danh sách” - ông Thọ minh chứng.

Ông Thọ cũng cho hay, việc đưa SV đi thực tế năm nay mới bắt đầu diễn ra, áp dụng với SV hệ CĐ học ngành Điện tử - Tin học và Kế toán. Đối với SV Điện tử - Tin học thì đã đi trải nghiệm được hơn 1 tháng và đến giờ không thấy kêu ca gì, còn với SV Kế toán thì đi trải nghiệm chưa đến 2 tuần và đây là những đối tượng thuộc diện liên thông từ TCCN lên.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại Trường ĐH Việt - Hung đã đưa 128 SV khoa Điện tử- Tin học và 257 SV khoa Kế toán đi trải nghiệm ở nhà máy tập đoàn Hồng Hải. Trong tổng số này, một số SV đã được trả lại cho trường vì điều kiện sức khỏe không đảm bảo.
 
SV ngành Kế toán phải đi... lắp linh kiện điện tử - 2

Nhà máy của tập đoàn Hồng Hải tại KCN Quế Võ Bắc Ninh - nơi mà sinh viên hệ CĐ của ĐH Việt- Hung đang "trải nghiệm" theo hợp đồng.

Trước câu hỏi "Tại sao SV chỉ đi trải nghiệm lại phải làm việc như một công nhân thực thụ?", ông Thọ cho hay: “Hiện nay các công ty cũng cần lao động. SV đến thực tập thì vừa làm việc cho công ty bản thân họ sẽ dành thời gian để hướng dẫn nghiệp vụ Kế toán cho các em. Mà làm được bao nhiêu thì người ta trả lương bấy nhiêu chứ không phải là không công”.

Ông Thọ cũng cho biết, việc công ty trả lương cho SV thấp hơn so với công nhân cũng là chuyện bình thường bởi các em đến để trải nghiệm chứ không phải là hợp đồng làm việc chính thức.

“Mục đích của chúng tôi là cho SV rèn luyện tác phong, biết tình hình thực tế doanh nghiệp làm ăn ra sao để bổ trợ công việc của các em sau này. Trong thời gian này các em vẫn được công ty hướng dẫn về nghiệp vụ Kế toán chứ không phải chỉ mỗi việc lắp ráp” - ông Thọ nhấn mạnh.
 

Theo bản “Hợp đồng đưa HS-SV đi trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp” được ký kết giữa Trường ĐH Việt - Hung và tập đoàn Hồng Hải, tập đoàn phải chi tiền quản lý cho trường 400.000 đồng/1HS-SV/1 tháng, SV vi phạm nội quy thì nhà trường phải xử lý kỷ luật, nếu phá hợp đồng thì nhà trường phải bồi thường 10% tổng số lương của tổng số HS-SV trải nghiệm cho công ty… Lý giải về khoản tiền này, TS Nguyễn Đức Trí - hiệu trưởng Trường ĐH Việt - Hung cho hay, nhà trường không sử dụng khoản tiền đó vào các mục đích riêng mà một phần để trả cho GV đi theo SV, phần còn lại được đưa vào quỹ hỗ trợ HS-SV. Quỹ này được sử dụng để trao học bổng cho các SV giỏi, SV có hoàn cảnh khó khăn. Hiện tại, quỹ đang có khoảng 200 triệu đồng và để phục vụ các hoạt động của SV.

Chỉ là sự hiểu nhầm?
 
Chiều ngày 15/2, chúng tôi tiếp tục làm việc với TS. Nguyễn Đức Trí - hiệu trưởng Trường ĐH Việt- Hung. Ông Trí cho biết, mục đích của việc thực tập nhằm giúp SV trải nghiệm cuộc sống thực tế, rèn luyện tác phong công nghiệp, hiểu được quá trình sản xuất. Quy trình thực tập sẽ gồm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đầu trong khoảng 10 ngày, SV sẽ được đưa vào vị trí công việc như một công nhân để trải nghiệm thực tế. Đây được xem là một sự đóng vai để giúp các em hiểu được quy trình sản xuất và quản lý như thế nào. Sau 10 ngày trải nghiệm thực tế, các SV có thể lựa chọn tiếp tục làm việc tại dây chuyền hoặc không làm. Giai đoạn thứ hai, SV sẽ được thực tập đúng với chuyên môn của mình.

“Khi nhà trường phổ biến thông tin về thực tập, một số SV đã vắng mặt nên không nắm được quy trình thực tập và thời gian như thế nào. Do vậy khi SV xuống thực tập đã cảm thấy không phù hợp nên đã có những bức xúc. Chúng tôi cũng có lỗi là đã không phổ biến đến nơi đến chốn, không nói rõ để SV hiểu dẫn tới việc các em hiểu lầm” - TS Trí bộc bạch.

Về hướng giải quyết vụ việc TS Trí nhấn mạnh: nhà trường sẽ cử cán bộ xuống để nắm tình hình cụ thể. Quan điểm của chúng tôi là nếu công việc trải nghiệm quá vất vả cho SV thì sẽ rút các em về, kể cả việc nhà trường có phải bồi thường hợp đồng đi chăng nữa.
 
Theo thông tin từ các SV, sau khi nhận được phản ánh lãnh đạo nhà trường đã xuống làm việc trực tiếp với công ty. Chiều ngày hôm nay 16/2, nhà trường sẽ có buổi trao đổi thẳng thắn với SV để làm sáng tỏ vấn đề.
 
Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm