Sốc với hình ảnh giáo viên trèo đèo lội suối dạy học "gây bão" trên mạng
(Dân trí) - Để vào được điểm trường, giáo viên cắm bản phải đi mất 2 tiếng rưỡi bằng việc thuê đò, sau đó thêm khoảng 1 tiếng đồng hồ đi bộ. Có nhiều đoạn đường giáo viên phải lội sông, lội giữa bùn lầy trơn trượt và đặc biệt còn phải leo qua những vách núi hiểm trở.
Mới đây, thầy Tô Hồng Điệp, hiệu trưởng Trường mầm non Tà Mít (xã Tà Mít, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) đã đăng những hình ảnh ấn tượng trong việc cắm bản đứng lớp dạy học của giáo viên trường qua mạng xã hội, được mọi người chia sẻ và bình luận rất nhiều.
Đó là hình ảnh các giáo viên từ trung tâm huyện đi vào xã Tà Mít phải băng qua một vách núi dựng đứng, với lối đi chỉ vừa một người đi, phía dưới là dòng sông đang cuộn chảy. Chỉ cần một chút sơ sẩy, giáo viên có thể bị rớt xuống sông nguy hiểm tính mạng. Để qua được đoạn đường, người trước phải nắm tay người sau, hoặc cố bám hai tay vào dây leo trên vách núi hoặc bám tay vào các mỏm đá.
Một giáo viên phải nắm đoạn dây leo để tránh trượt chân xuống vách núi
Người đi trước nắm tay người đi sau, mà chỉ một chút sơ sểnh là tính mạng sẽ nguy hiểm
Nguy hiểm là vậy, nhưng tuần nào các giáo viên cũng phải phân công nhau từ điểm trường ra trung tâm huyện mua lương thực, thực phẩm để đem vào sinh hoạt cho giáo viên và học sinh cả tuần
Ở một đoạn khác, giáo viên phải lội sông nước cao đến đầu gối. Dòng sông đục ngầu, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm bên dưới nên người trước vừa đi vừa “dò đường” cho người đi sau.
Từ trung tâm huyện vào xã Tà Mít, phương tiện di chuyển chủ yếu bằng thuyền thuê người dân chở, trung bình từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/người. Đoạn di chuyển bằng thuyền mất khoảng 2 tiếng rưỡi, sau đó giáo viên phải chuyển sang đi bộ, lội sông do mùa này nước sông cạn, thuyền không đi được. Có đoạn khác giáo viên phải băng đèo, vượt núi quanh co hiểm trở, mất thêm ít nhất 1 tiếng đồng hồ nữa mới vào được đến trường. Mỗi ngày cũng chỉ có 1, 2 chuyến đò nên nhiều khi giáo viên phải đợi cả ngày mới có lượt chở. Nhưng đặc biệt vất vả nhất là giáo viên không chỉ đi tay không mà ai cũng phải xách thêm lương thực, thực phẩm để sinh hoạt suốt cả tuần ở điểm trường.
Không chỉ vượt núi mà giáo viên còn phải lội sông, đi bộ mất cả tiếng đồng hồ và đi thuyền hơn 2 tiếng đồng hồ trên đoạn đường gần 75km từ trung tâm huyện vào xã Tà Mít để dạy học
Thầy Tô Hồng Điệp cho biết, Trường mầm non Tà Mít gồm 1 điểm trường chính ở bản Ít Chom và 1 điểm lẻ ở bản Nậm Khăn, xã Tà Mít, với tổng số học sinh là 145 em. Riêng ở điểm lẻ Tà Mít có 73 em học sinh chia thành 3 lớp. Cũng ở điểm trường Tà Mít còn có khối tiểu học với 145 học sinh. Điểm trường lẻ Tà Mít ở khối mầm non có 6 giáo viên, đều là nữ cắm bản dạy học. Khối tiểu học có 9 giáo viên cắm bản.
“Các giáo viên đến từ nhiều tỉnh, có người ở Sơn La, có người ở Phú Thọ, có người ở Lai Châu. Họ đều có gia đình nhưng gia đình ở quê chứ không theo cùng. Mỗi năm, những ngày nghỉ lễ, tết thì các giáo viên mới tranh thủ ghé về thăm gia đình, còn lại là cắm bản dạy học. Họ phải cắm bản dạy học ít nhất 3 năm, hoàn thành tốt nhiệm vụ thì mới được luân chuyển về điểm trường chính”, thầy Điệp cho biết.
Cũng theo thầy Điệp, giáo viên và học sinh ở điểm trường Tà Mít không những vất vả, gian khó trong công tác dạy và học mà còn trong việc sinh hoạt cuộc sống, đặc biệt là nguồn lương thực, thực phẩm dành cho sinh hoạt hàng ngày.
“Cứ vào chiều thứ 6, các thầy cô giáo lại phân công nhau ra thị trấn, cách điểm trường 75km để mua thức ăn cho toàn bộ giáo viên và học sinh của trường dùng cho cả tuần. Các thầy cô đi từ thứ 6 và đến chiều chủ nhật mới vào lại được điểm trường. Ở đây mỗi học sinh mầm non được hưởng chế độ trợ cấp của nhà nước là 6.000 đồng/ngày. Giáo viên thì chỉ sống bằng lương, với mức lương trung bình khoảng 5,7 triệu đồng/người. Họ vừa chi tiêu vừa tiết kiệm để gửi về gia đình chăm lo cho con cái”, thầy Điệp cho biết thêm.
Khó khăn, gian khổ là thế, nhưng các thầy cô ở các điểm trường dường như đã quá quen nên chẳng ai kêu khổ nữa, mà vẫn ngày đêm bám trường, bám lớp để mang cái chữ đến với học sinh vùng cao và vùng sâu như xã Tà Mít.
“Tôi chia sẻ những hình ảnh nói trên chỉ đơn giản là để mọi người có góc nhìn thông cảm và chia sẻ hơn với nỗi vất vả của giáo viên cắm bản, đặc biệt là ở những điểm trường vùng sâu vùng xa như Tà Mít”, thầy Điệp trải lòng.
Thế Nam