Sốc vì trượt lớp 10

(Dân trí) - Do chỉ tiêu vào lớp 10 ở TPHCM có hạn nên có khoảng 20.000 thí sinh tham dự kỳ thi rớt khỏi Trường THPT công lập. Chưa kể, điểm chuẩn biến động khá bất ngờ nên không ít thí sinh điểm cao, nhiều em có học lực khá giỏi vẫn bị sốc vì mất cơ hội vào lớp 10 công lập.

Điểm cao cũng có thể rớt

Điểm chuẩn vào các trường THPT tại TPHCM năm nay hầu hết tăng từ 0,5 - 2 điểm tùy theo nhóm trường. So sánh với năm ngoái thì có đến trên 60 trường tăng điểm chuẩn. Nếu ở các nhóm trường top trên điểm chuẩn thay đổi không quá lớn thì nhiều trường ở top giữa, top dưới có sức tăng mạnh. Nổi bật nhất là hai trường là THPT Nguyễn Trãi tăng đến 7,75 điểm và Trung học Thực hành Sài Gòn tăng đến 8 điểm.

Học trò thi rớt cần nhất là sự động viên từ gia đình (Trong ảnh: Phụ huynh ở TPHCM chờ con trong kỳ thi vào lớp 10 năm 2018)
Học trò thi rớt cần nhất là sự động viên từ gia đình (Trong ảnh: Phụ huynh ở TPHCM chờ con trong kỳ thi vào lớp 10 năm 2018)

Ghi nhận qua nhiều giáo viên, chiều 4/7, sau khi Sở GD-ĐT TPHCM công bố điểm chuẩn vào lớp 10, không ít học sinh vừa trải qua kỳ thi đã bị "sốc" vì kết quả không như ý, không đạt được nguyện vọng vào trường. Chưa kể, tỷ lệ vào lớp 10 công lập hàng năm giảm theo kế hoạch phân luồng nên số lượng học sinh thi rớt ngày càng đông. Như như năm, tính theo số lượng học sinh dự thi thì đã có đến khoảng 20.000 rớt khỏi lớp 10 công.

Cô Dư Thị Lan Hương, giáo viên dạy Toán tại Trường THCS Chu Văn An, Q.1 cho hay nhìn điểm chuẩn năm nay thì có thể thấy, điểm thi 40 vẫn có thể rớt, ở top trường thấp hơn nhiều em đạt 29 - 32 điểm vẫn rớt. Nhiều học sinh, gia đình sẽ sốc khi kết quả thi không như ý nhưng cô Hương cũng phải nói rằng, khi đăng ký nguyện vọng nhiều trường hợp cô đã "cảnh báo" gia đình nhưng phụ huynh sĩ diện, vẫn cố chọn trường quá sức của các em.

Thầy Hoàng Trọng, nguyên giáo viên Trường THCS Văn Lang bày tỏ, năm nay số lượng học sinh trượt lớp 10 cao hơn các năm trước. Trước và ngay khi thành phố công bố điểm chuẩn, thầy đã nhìn thấy tâm trạng buồn chán, thất vọng về bản thân ở rất nhiều học sinh khi các em trượt lớp 10. Mặc dù điều này đã được giáo viên, nhà trường chuẩn bị tâm lý từ trước nhưng điều đó không đủ giúp các em vững tinh thần vào lúc này.

Theo thầy Trọng, với những em trượt lớp 10 rất cần sự chia sẻ từ thầy cô, bạn bè và đặc biệt là gia đình. Nhiều phụ huynh kỳ vọng vào con, muốn con vào trường tốt nhưng giờ nhiều em không đạt được, điều các em sợ nhất chính là đối diện với bố mẹ.

"Trong hoàn cảnh này, bố mẹ cần làm sao để giúp các em thấy yên tâm, an toàn ngay chính bên cạnh mình, không ai thay được phụ huynh hết. Chính họ phải giúp con vượt qua bước ngoặt này", thầy Trọng nói.

Còn nhiều con đường để vào đời

Theo chủ trương phân luồng học sinh sau THCS tại TPHCM, lộ trình từ nay đến năm 2020 tỉ lệ vào lớp 10 công lập mỗi năm sẽ giảm 3%. Đến năm 2020 chỉ còn 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 công lập, số còn lại sẽ được phân luồng.

Thật ra, việc trượt lớp 10 công lập cũng chỉ là có sốc trước mắt với nhiều học sinh, nhiều gia đình. Về đường dài, học sinh không thiếu các lựa chọn, thậm chí với nhiều em, có những lối đi phù hợp, sáng sủa hơn cả việc "lao đầu" vào lớp 10.

Học sinh có rất nhiều lựa chọn để đi tiếp việc học, không nhất thiết phải thi đỗ tại một kỳ thi (Ảnh minh họa)
Học sinh có rất nhiều lựa chọn để đi tiếp việc học, không nhất thiết phải thi đỗ tại một kỳ thi (Ảnh minh họa)

Cô Dư Thị Lan Hương cho rằng, nếu các em thích và vẫn có khả năng học, gia đình có điều kiện thì học dân lập, không có vấn đề gì hết. Cô còn hay nói với học sinh: "Học dân lập được mặc đồng phục sang chảnh hơn công lập nhiều, thích quá chừng! Có gì phải buồn"

Còn nếu khó khăn thì học giáo dục thường xuyên, bây giờ cải thiện rất nhiều. Các em có thể vừa đi học, vừa đi làm kiếm tiền, cơ hội trải nghiệm, trưởng thành rất lớn.

Hiện nay, các trường nghề tiếp cận với học sinh từ rất sớm, trước cả khi các em thi lớp 10. Học nghề là một lựa chọn rất hợp với nhiều bạn, nhất là những học sinh khả năng học chữ không tốt.

"Nhiều em không đủ khả năng để học cấp 3 nhưng bố mẹ vẫn ráng đẩy con đi học bằng mọi cách rồi có khi phải bỏ học giữa chừng. Tốn tiền, mất sức, lỡ dở", cô Hương cảnh báo.

Theo thầy Hoàng Trọng, dù ở môi trường nào, các em thật sự nỗ lực, nghiêm túc, tìm được đúng khả năng của mình thì các em sẽ thành công. Việc thi không đỗ chỉ là một bước ngoặt trong cuộc sống có vô vàn bước ngoặt, sóng gió.

Cũng phải nhìn vào thực tế, bây giờ học cấp 3, tốt nghiệp ĐH ra trường vẫn thất nghiệp nhan nhản. Theo học một ngành nghề phù hợp từ sớm, có tay nghề có khi lại... chắc ăn. Theo dự báo nguồn nhân lực ở TPHCM cho cả chục năm tới thì mỗi năm thành phố cần khoảng 270.000 chỗ làm việc. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ ĐH trở lên chỉ chiếm chưa đến 13%, CĐ chiếm 15%, còn lại là "sân" của dân trung cấp, sơ cấp nghề và lao động chưa qua đào tạo.

Việc học chưa bao giờ dừng lại bởi một kỳ thi. Trượt lớp 10 chưa hẳn đã là điều không may. Cần nhất là các em vượt qua được cú sốc vào lúc này.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm