Số lượng thí sinh vi phạm ít, liệu có đáng tin cậy?

(Dân trí) - Năm nay, số lượng thí sinh vi phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia giảm mạnh, toàn quốc chỉ có 72 thí sinh vi phạm quy chế thi (năm 2016 con số này là 320). Tại buổi họp báo chiều 24/6, nhiều phóng viên đặt câu hỏi về độ tin cậy của con số này.


Đông đảo phóng viên dự buổi họp báo kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2017

Đông đảo phóng viên dự buổi họp báo kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2017

Số thí sinh vi phạm quy chế giảm mạnh có phải do thí sinh thực sự nghiêm túc hơn trong quá trình thi cử hay do kỳ thi được giao về các địa phương nên có sự nới lỏng trong quá trình coi thi như dư luận từng lo ngại trước đó?

“Kết quả kỳ thi sẽ là câu trả lời khách quan nhất”

Ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT) cho rằng, việc giao kỳ thi cho Sở Giáo dục các tỉnh chủ trì là đúng “vai” vì đây là kỳ thi THPT Quốc gia chứ không phải kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ, hơn nữa các Sở đã có nhiều năm kinh nghiệm chủ trì thi cử.

Theo ông Trinh, có hai nhóm giải pháp căn bản để đảm bảo tính khách quan, nghiêm túc của kỳ thi. Thứ nhất, trong mỗi một phòng thi, cán bộ coi thi được bố trí là 50-50, một giáo viên từ trường phổ thông, một là cán bộ/ giảng viên từ trường Đại học; thậm chí giáo viên THPT cũng được đảo trên nguyên tắc giáo viên không coi thi học sinh của trường mình.

Giải pháp thứ hai rất quan trọng là về mặt kỹ thuật, việc thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan phù hợp với kỳ thi đối tượng dự thi lớn, mục đích thi không phải chọn tinh hoa mà là để đánh giá đại chúng nên phù hợp hoàn toàn với kỳ thi THPT quốc gia.

“Số lượng năm nay ít vi phạm có tin cậy không? Tôi khẳng định có, rõ ràng qua các cụm thi, trật tự và nhẹ nhàng, an toàn, không có vi phạm có tổ chức. Chúng ta có cơ sở kì thi đủ sự tin cậy này”, ông Trinh khẳng định.

Việc thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan đã triệt tiêu tư tưởng mang tài liệu vào phòng thi, trước đây thi tự luận thì thí sinh vẫn có tư tưởng này nên số vi phạm cao hơn. Trên những cơ sở như vậy nên có thể khẳng định số lượng thí sinh vi phạm giảm mạnh là phù hợp với thực tiễn.

“Điều quan trọng nữa là khi sau khi có kết quả thi, phổ điểm từng môn thi sẽ được phân tích, công bố và đó sẽ là câu trả lời khách quan nhất”, ông Trinh nói.

Từ những đợt kiểm tra đi trực tiếp cùng đoàn của Bộ và trao đổi với nhiều đồng nghiệp, ông Hoàng Minh Sơn (Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, tham gia các đoàn kiểm tra và là đơn vị có cử cán bộ, giảng viên trực tiếp coi thi, giám sát kỳ thi thì thấy rằng kỳ thi diễn ra rất trật tự.

Về độ tin cậy của kỳ thi chúng ta có giải pháp kỹ thuật - thi theo hình thức trắc nghiệm với việc mỗi thí sinh một mã đề khác nhau, cộng với việc có sự tham gia coi thi của các trường ĐH là yếu tố rất quan trọng để tin vào sự nghiêm túc của kỳ thi.

“Tôi trao đổi với đồng nghiệp coi thi ở 18-19 điểm thi ở Hà Nội thì họ đều có nhận xét là có thể yên tâm dùng kết quả của kỳ thi để xét tuyển ĐH”, ông Sơn khẳng định. Ông Sơn cho biết sẽ chờ kết quả thi, phân tích phổ điểm thi để có thể khẳng định độ tin cậy của kết quả thi.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, nhờ đổi mới phương thức thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng nên số thí sinh vi phạm quy chế giảm đi nhiều so với những năm trước.

"Kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi được duy trì. Một vài hiện tượng tiêu cực gian lận trong thi cử được phát hiện và xử lý kịp thời đảm bảo tính nghiêm minh của Kỳ thi. Cho đến thời điểm này, chưa ghi nhận thấy hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức", thứ trưởng Ga nói.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD&ĐT (thực hiện Mai Châm)

Có nhất thiết phải thi tốt nghiệp THPT?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: "Theo quy định của Luật Giáo dục thì tốt nghiệp THPT là của các Sở GD&ĐT. Còn tuyển sinh theo quy định của Luật Giáo dục Đại học là của trường đại học.

Hiện nay, nếu không thi hoặc thi tốt nghiệp THPT riêng thì các trường đại học sẽ có phương án tuyển sinh của họ. Việc thi tốt nghiệp hay không là việc của Sở, Bộ GD-ĐT chỉ ban hành các quy định. Việc điều chỉnh, thay đổi sau này nếu có sẽ tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Theo Thứ trưởng, qua năm nay chúng ta rút kinh nghiệm để hoàn thiện các kỳ thi năm tới. “Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 đã đạt được những mục tiêu đổi mới trong đánh giá thí sinh, những năm tiếp theo chúng ta tiếp tục duy trì kỳ thi THPT Quốc gia như năm nay. Chúng ta có thể thay đổi một số yếu tố kỹ thuật, sắp xếp độ dài – độ khó đề thi… nhưng tinh thần, nền tảng tổ chức thì như kỳ thi năm nay”, ông Bùi Văn Ga khẳng định.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT Quốc gia 2017 có 865.866 thí sinh đăng ký dự thi, được tổ chức tại 2.364 điểm thi với 36.809 phòng thi; huy động gần 90.000 cán bộ tham gia Kỳ thi; trong đó số cán bộ, giảng viên đến từ các trường ĐH, CĐ là gần 40.000 người, ít hơn so với năm 2016 (Năm 2016 đã điều động hơn 60.000 cán bộ, giảng viên đến từ các trường ĐH, trường CĐ).

Năm nay tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ chiếm khoảng 74%, cao hơn năm ngoái khoảng gần 5%. Số thí sinh đăng ký dự thi bài thi Khoa học Xã hội tăng cao, chiếm trên 50% tổng số thí sinh đăng ký dự thi; đặc biệt có 514.084 (59.32%) thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử (từ năm 2016 về trước chỉ có chưa đến 15% thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử).

Trong đợt thi có 72 thí sinh bị đình chỉ thi (năm 2016 có 328 thí sinh bị đình chỉ thi). Cả đợt thi chỉ có 02 cán bộ coi thi vi phạm kỷ luật.

Lệ Thu