Số hóa thách thức giáo dục nghề ở Đức và cách tiếp cận
(Dân trí) - Số hóa đang tạo ra những thách thức mới nhưng chúng cũng đang mang lại những cơ hội mới cho thế giới việc làm và tất nhiên, cho Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tại nước Đức.
Số hóa đang thay đổi cuộc sống và công việc hàng ngày của chúng ta bằng việc đưa ra các quy trình mới và thay đổi các yêu cầu đối với thế giới công việc như Dữ liệu lớn, Internet vạn vật, Trí tuệ nhân tạo, Người máy, máy bay không người lái và các công cụ hỗ trợ máy tính.
Viện Giáo dục và Đào tạo nghề Liên bang Đức (BIBB) cùng với các đối tác của mình đã tiến hành các nghiên cứu về số hóa và những tác động của nó đối với giáo dục nghề nghiệp ở Đức.
Hiện có 326 nghề đào tạo nghề được chính phủ công nhận ở Đức. Các dự báo về thị trường lao động của Đức đến năm 2035 cho thấy ba xu hướng chính đối với các nghề này và GDNN nói chung:
Số hóa sẽ làm thay đổi cấu trúc của thị trường lao động
Số hóa đang thay đổi cấu trúc thị trường lao động và củng cố các xu hướng hiện có. Mặc dù dự kiến sẽ không có tình trạng mất việc làm đáng kể ở Đức. Vì khoảng 4 triệu việc làm sẽ bị mất do số hóa trong khi 3,3 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra trong cùng một thời điểm mà sẽ làm thay đổi đáng kể loại hình công việc:
Trong khi nhiều công việc trong các ngành nghề như nghề bán hàng sẽ giảm về số lượng, thì việc làm trong các ngành nghề khác như lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sẽ tăng lên đáng kể, dẫn đến nhu cầu cho sự thay đổi năng lực đào tạo trong các lĩnh vực tương ứng.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nhân viên bán hàng sẽ không còn cơ hội, thay vào đó sẽ có một sự thay đổi năng động: Trợ lý cửa hàng có thể trở thành thương gia thương mại điện tử, người quản lý tài khoản hoặc trở thành người bán hàng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Trong tương lai, thị trường lao động Đức cũng như châu Âu sẽ có nhu cầu đặc biệt đối với các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao hơn.
Nhu cầu thực tế của ngành nghề khác với nhu cầu, sở thích giới trẻ
Các dự báo cũng chỉ ra rằng sẽ xuất hiện ngày càng nhiều vấn đề gọi là "không phù hợp công việc" - nghĩa là nhu cầu thực tế của ngành nghề khác với sở thích/nhu cầu của giới trẻ. Ví dụ, với lĩnh vực Công nghệ thông tin, nhu cầu về lao động có kỹ năng trong các công việc liên quan đến công nghệ thông tin đang tăng lên không ngừng nhưng hiện chưa được đáp ứng. Trong một số ngành nghề khác, số lượng người được đào tạo hơn mức thực tế cần thiết của ngành.
Hơn nữa, Đức là một xã hội già hóa, nên tổng số thanh niên tham gia GDNN đang liên tục giảm. Điều này cho thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với lao động có kỹ năng, đặc biệt là ở trình độ kỹ năng trung bình, trái ngược với số lượng học viên ngày càng giảm. Một thách thức khác là sự thiếu hụt lực lượng lao động trẻ trong khi nhu cầu lao động cao. Đặc biệt là ở các vùng kinh tế mạnh của Đức với nhiều công ty, vấn đề phù hợp với việc làm càng gia tăng, vì có quá ít người trẻ theo học nghề. Đồng thời, một số khu vực có lượng người trẻ "cung vượt cầu" và số lượng công ty cung cấp dịch vụ đào tạo ngày càng ít hơn.
Tiếp tục xu hướng phát triển học thuật
Khi ngày càng có nhiều người trẻ lựa chọn con đường giáo dục đại học, xu hướng học thuật vẫn tiếp tục phát triển. Kể từ năm 2000, số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học tăng đều đặn, từ 200.000 người năm 2000 lên 490.000 người năm 2016. Tuy nhiên, đến năm 2035, sẽ có khoảng một nửa số người trong lực lượng lao động qua đào tạo nghề, điều quan trọng đối với ngành công nghiệp Đức, cần một số lượng lớn công nhân lành nghề.
Chuẩn bị cho ngày mai: Khả năng học hỏi
Những xu hướng này nhấn mạnh đáng kể sự cần thiết phải chuẩn bị lực lượng lao động cho những thách thức mới thông qua đào tạo ban đầu và đào tạo liên tục/nâng cao. Nhưng những kỹ năng/ năng lực cần thiết trong thế giới công việc hôm nay và ngày mai là gì?
Trong tất cả các ngành nghề ở Đức, khả năng học tập suốt đời là một yêu cầu năng lực cốt lõi trong mọi ngành nghề. Điều này bao gồm khả năng nâng cao chuyên môn của bản thân một cách độc lập trong một lĩnh vực nghề nghiệp nhất định cũng như khả năng áp dụng kiến thức của mình trong các bối cảnh làm việc mới.
Ngoài ra, các kỹ năng và kiến thức nghề nghiệp, sự hiểu biết về các quy trình và hệ thống, năng lực kỹ thuật số, tính sáng tạo, tính linh hoạt và tính tự phát được cho là rất cần thiết.
Vì vậy, hệ thống GDNN hiện đại sẽ giúp chuẩn bị cho sinh viên bước vào thế giới việc làm tốt hơn. Đặc biệt là các năng lực như năng lực phương pháp luận, năng lực xã hội và năng lực bản thân ngày càng trở nên quan trọng trong mọi lĩnh vực, nơi mà bí quyết kỹ thuật cũng như mô hình và cấu trúc công việc và nghề nghiệp luôn thay đổi.
Năng lực bản thân là một thành phần quan trọng của sự phát triển lành mạnh của các bạn trẻ: nó liên quan đến mối quan hệ qua lại giữa sự tự nhận thức về giá trị cá nhân và hiệu quả công việc.
Ngoài ra, sự sáng tạo, tư duy phản biện, khả năng làm việc theo nhóm, tinh thần tự nguyện và khả năng giao tiếp là những năng lực quan trọng trong tương lai. Học tập tại nơi làm việc được hướng dẫn bởi giảng viên có năng lực là cách tốt nhất để có được những kỹ năng này.