Sở Giáo dục TPHCM: Kiểm tra "kêu bất chợt, hỏi đột xuất" không khách quan

Hoài Nam

(Dân trí) - Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, việc kiểm tra đột xuất bất ngờ không đảm bảo tính khách quan, gây áp lực cho học sinh và không phù hợp với mục tiêu giáo dục.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM vừa lên tiếng sau khi vấn đề "kiểm tra bất chợt đầu giờ" gây xôn xao dư luận trong những ngày qua. 

Trong đó, lãnh đạo ngành nhấn mạnh đến một số lý do về việc kiểm tra đột xuất, bất chợt không nên được sử dụng trong giáo dục. 

Theo đại diện Sở này, việc kiểm tra đột xuất, bất chợt không đảm bảo tính khách quan vì học sinh không có thời gian chuẩn bị. 

Sở Giáo dục TPHCM: Kiểm tra kêu bất chợt, hỏi đột xuất không khách quan - 1

Sở GDD&ĐT TPHCM cho rằng kiểm tra bất chợt, đột xuất không đảm bảo tính khách quan (Ảnh: Hoài Nam).

Điều này có thể dẫn đến việc học sinh không thể thể hiện được hết khả năng của mình. Chẳng hạn như học sinh có thể trả lời sai câu hỏi vì không nhớ hoặc không biết cách giải.

Ngoài ra, theo Sở, việc kiểm tra "đột ngột, bất ngờ" tạo áp lực cho học sinh

Sở GD&ĐT TPHCM lý giải, kiểm tra đột xuất, bất chợt thường được coi là một hình thức kiểm tra khó khăn. Việc kiểm tra này có thể tạo áp lực cho học sinh, khiến các em lo lắng và căng thẳng. Chính áp lực đó có thể ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra của học sinh.

Yêu cầu đánh giá

- Đánh giá căn cứ vào yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông.

- Đánh giá bảo đảm tính chính xác, toàn diện, công bằng, trung thực và khách quan.

- Đánh giá bằng nhiều phương pháp, hình thức, kĩ thuật và công cụ khác nhau; kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì.

- Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập của học sinh; không so sánh học sinh với nhau.

(Sở GD&ĐT TPHCM)

Một lý do cũng được lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM lưu ý là cách thức kiểm tra đột ngột không phù hợp với mục tiêu giáo dục. 

Mục tiêu giáo dục không chỉ là đánh giá kết quả học tập của học sinh mà còn là giúp học sinh phát triển các năng lực. Kiểm tra đột xuất, bất chợt không phù hợp với mục tiêu này vì không đánh giá được quá trình học tập của học sinh.

Từ đó, theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM, giáo viên cần tránh sử dụng kiểm tra đột xuất, bất chợt trong quá trình dạy học. Thay vào đó, giáo viên nên áp dụng các phương pháp kiểm tra khác để đảm bảo tính khách quan, phù hợp với mục tiêu giáo dục và giúp học sinh phát triển các năng lực.

Lãnh đạo Sở cho hay, đánh giá nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để học sinh điều chỉnh hoạt động rèn luyện và học tập, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên điều chỉnh hoạt động dạy học.

Việc đánh giá bao gồm đánh giá thường xuyên thông qua các hình thức hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập và đánh giá định kỳ sau một giai đoạn trong năm học. 

Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng các cấp quản lý cần nhận thức rõ đổi mới kiểm tra, đánh giá là yêu cầu tất yếu của giáo dục hiện đại, là nhằm phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của học sinh.

Giáo viên cần nhận thức được rằng kiểm tra, đánh giá là một quá trình, không chỉ là một hoạt động chấm điểm, xếp loại; Học sinh cần nhận thức được rằng kiểm tra, đánh giá là để đánh giá sự tiến bộ của bản thân, không phải để so sánh với bạn bè.

Theo Sở, để đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực, cần có những thay đổi về mục đích đánh giá, nội dung, hình thức và cách thức đánh giá. 

Sở Giáo dục TPHCM: Kiểm tra kêu bất chợt, hỏi đột xuất không khách quan - 2

Học sinh tại một trường THPT ở TPHCM học yoga để giảm căng thẳng (Ảnh: Thu Nga).

Đặc biệt, trước đây kiểm tra đánh giá thường chỉ được coi là công cụ để đánh giá kết quả học tập của học sinh. Nhưng theo chương trình mới, kiểm tra đánh giá là một quá trình nhằm thu thập thông tin về sự tiến bộ của học sinh trong quá trình học tập. 

Việc kiểm tra đánh giá để xác định mức độ đạt được của học sinh về kiến thức, kĩ năng và thái độ trong quá trình học tập; đánh giá quá trình học tập của học sinh, từ đó giúp học sinh phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu.

Đồng thời, còn để cung cấp thông tin cho giáo viên để điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học; giúp  học sinh tự đánh giá và phát triển bản thân.