Sợ hãi bị kiểm tra "đánh úp" đầu giờ, trò hối lộ thầy cho yên thân

Hoài Nam

(Dân trí) - "Vài lần thầy đã gọi tên tôi rồi lại bỏ qua, rà sang tên bạn khác... Tôi vừa kịp thở phào thì nghe tên mình được gọi rõ to. Thật kinh khủng!", chị Ngọc nhớ lại.

Tặng quà thầy để khỏi bị... gọi tên

Đọc thông tin ở TPHCM đề nghị giáo viên không kiểm tra miệng đầu giờ theo cách "đánh úp" học trò, chị Nguyễn Lan Ngọc, trước đây học ở một tỉnh ở miền Trung, thở phào. 

Chị không muốn con cháu mình, các em học sinh phải đến trường trong tâm lý lo lắng, căng thẳng không đáng có đến từ việc kiểm tra "gọi bất chợt" mà thời đi học chị và nhiều người phải trải qua. 

Sợ hãi bị kiểm tra đánh úp đầu giờ, trò hối lộ thầy cho yên thân - 1

TPHCM yêu cầu giáo viên không kiểm tra kiểu "đánh úp" học trò (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Vào cấp 2, cấp 3, đầu giờ học, đặc biệt là các môn tự nhiên trở thành nỗi ám ảnh tột cùng với chị Ngọc.

Theo chị Ngọc, trong dạy học, giáo viên có nhiều phương pháp để kiểm tra, đánh giá mà không cần "hù" làm cho học sinh hồi hộp, lo lắng hay ê chề trước lớp.

Chưa kể, có thể có giáo viên lạm dụng việc kiểm tra đột xuất này để gây khó dễ chứ không hẳn để nắm tình hình học tập của học sinh. 

Chị nói về trường hợp của mình, hồi cấp 2, chị thường xuyên bị cô giáo dạy hóa gọi tên kiểm tra miệng đầu giờ trong khi cô biết rõ chị không trả lời được. 

Quá khổ sở, chị nhờ người anh họ kèm cặp nên tiến bộ lên được một chút, có thể trả lời được những yêu cầu cơ bản. Nào có yên, cô sẽ nâng độ khó của câu hỏi kiểm tra lên và cô học trò luôn không thể trả lời được. 

Hết cấp 2, chị thoát khỏi địa ngục của cô dạy hóa thì trúng thầy giáo dạy toán ở cấp 3, luôn làm học sinh ám ảnh vào mỗi đầu giờ. Trước giờ toán, cả lớp luôn thom thóp kháo nhau xem hôm nay "cẩu đầu trảm" rơi trúng ai. 

"Vài lần thầy gọi tên tôi rồi lại bỏ qua, rà sang tên người khác... Tôi vừa kịp thở phào thì lại nghe tên mình được gọi rõ to. Thật kinh khủng!", chị Ngọc nhớ lại. 

Bạn bè rỉ tai nhau "Đến nhà thầy học thêm là hết bị làm khó". Chị Ngọc không muốn đi học thêm vì nhà xa, lại không thích môn toán và cũng không có nhu cầu. 

Tìm cách thoát thân khỏi nỗi sự hãi này, năm lớp 11, cô học trò dùng đến cách "mua chuộc" khi mang quà cáp đến nhà tặng thầy vào các dịp 20/11 và Tết. Thế mà có hiệu quả, giờ toán trở nên bớt căng thẳng hơn với chị khi áp lực đó trút sang... những học sinh khác. 

Sợ hãi bị kiểm tra đánh úp đầu giờ, trò hối lộ thầy cho yên thân - 2

Học sinh trong giờ làm bài kiểm tra trên điện thoại (Ảnh: Hoài Nam).

Chị nhìn lại cả quá trình, thầy cô kiểm tra đầu giờ ngoài việc trừ điểm, làm học sinh sợ hãi, ê chề trước lớp, rồi sao? Chị không thấy có một động thái hay sự hỗ trợ nào giúp học sinh cải thiện hay tiến bộ hơn thông qua việc kiểm tra đó. 

"Bao nhiêu giáo viên thông qua kiểm tra miệng đột ngột, thật sự là để nắm bắt khả năng học trò, để hỗ trợ các em?", chị đặt câu hỏi. 

Đừng để giáo viên thành nhân vật gây cười trong tiểu phẩm hài

Cô Nguyễn Phương Thanh, giáo viên bậc THPT ở TPHCM chia sẻ, đến bây giờ, ai còn ủng hộ việc kiểm tra miệng kiểu "đánh úp" là họ đã khước từ nhiều phương pháp giáo dục tích cực, phù hợp hơn. 

Từ khi đi dạy hơn 10 năm trước, cô Thanh và nhiều đồng nghiệp đã không sử dụng phương pháp kiểm tra đột xuất đầu giờ. Không vì thế mà học sinh không học bài, không ôn bài như nhiều người lo ngại. 

Một khi giáo viên dùng đến việc kiểm tra bất ngờ để nắm tình hình, xem học sinh học nắm bài thế nào cho thấy quá trình dạy học, hợp tác giữa hai bên không ổn. 

Nhiều người lý lẽ đi học hay đi làm cũng cần kiểm tra đánh giá nhưng cô Thanh cho hay, kiểm tra, đánh giá không đồng nghĩa với việc gọi học sinh lên kiểm tra đột xuất làm các em căng thẳng, hoảng sợ, xấu hổ. Bản thân cô cũng không muốn bị người khác kiểm tra theo cách "úp sọt" như vậy. 

"Tôi tự hỏi, khi đẩy học sinh vào thế bất ngờ, lúng túng, khó xử, sợ hãi đó trước mặt thầy cô bạn bè, giáo viên có cảm nhận gì?", cô Thanh trăn trở.

Sợ hãi bị kiểm tra đánh úp đầu giờ, trò hối lộ thầy cho yên thân - 3

Kiểm tra đánh giá cần giúp học trò phát huy năng lực, phẩm chất cá nhân (Ảnh: Hoài Nam).

Quản lý một trường THPT ở TPHCM chia sẻ, bà không có suy nghĩ đột xuất kiểm tra học sinh đầu giờ để xem các em học hành nghiêm túc hay không từ khi áp dụng đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá.

Trong vai trò quản lý, chính bà cũng không thích kiểu "úp sọt" đồng nghiệp khi dự giờ thăm lớp.

Bà cho hay, học trò của mình không phải sống trong cảnh hồi hộp lo bị kêu trả bài đầu giờ hay phải đột xuất làm bài kiểm tra đầu giờ. Các em tìm hiểu, làm bài tập nhóm, trình bày cho cả lớp cùng nghe bằng việc thể hiện rất nhiều kỹ năng cá nhân. Việc này hiệu quả hơn làm bài kiểm tra thường xuyên kiểu đột xuất. 

Theo nhà quản lý này, giáo viên vẫn tổ chức kiểm tra 15 phút khi đã có thông báo cho học sinh kiểm tra bài cũ. Đừng để giáo viên thành nhân vật gây cười trong tiểu phẩm hài, khi vào lớp thầy cô không vui, khó ở trong người thì đột ngột "lớp lấy giấy ra làm kiểm tra 15 phút" trong tiếng kêu thê thảm của học sinh.