Sinh viên từ chối làm khóa luận tốt nghiệp, vì sao?

Làm khoá luận tốt nghiệp được coi như một công trình khoa học, đánh dấu quá trình học tập trong suốt mấy năm ĐH của mỗi sinh viên. Nhưng có những sinh viên đã từ chối làm khóa luận.

Nghe thì có vẻ không bình thường. Nhưng sau các cuộc khảo sát chúng tôi buộc phải giật mình và rút ra kết luận: nhiều nhiều (SV) làm khoá luận không chỉ vì lòng say mê nghiên cứu. Và thật chạnh lòng khi thấy SV bây giờ muốn làm khoá luận tốt nghiệp đúng nghĩa thật không dễ dàng.

 

Cái thời SV biết mình đủ tiêu chuẩn làm khoá luận là lao đầu ngay vào tìm đề tài, tìm tài liệu, mải mê làm đi sửa lại công trình nghiên cứu của mình, hình như đã xa. Bây giờ, cho dù có đủ tiêu chuẩn, SV cũng phải tính toán chán chê xem thế nào thì có lợi, làm hay không nên làm. Vì thế, nên một số bạn đã từ chối làm luận văn vì thấy việc đó có lợi hơn.

 

Bạn bè trố mắt ngạc nhiên khi thấy Hoàng viết đơn xin không làm luận văn. Ai cũng cố hỏi Hoàng cho kỳ được nguyên nhân của việc làm “dại dột” ấy.

 

Cái lý của Hoàng là thế này, điểm trung bình các kỳ của cậu chỉ được khoảng 7,5. Kể cả được 10 điểm luận văn, cũng không đủ để Hoàng đổi màu bằng. Trong khi đó, làm luận văn lại cần rất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc. Vậy thì chẳng tội gì Hoàng phải mua vất vả vào người.

 

“Với tấm bằng khá thì điểm trung bình chung là 7.0 với 7.9 thì cũng như nhau cả. Làm luận văn thì mất đứt hẳn mấy tháng, thi tốt nghiệp thì chỉ mất công ôn lúc gần thi. Để thời gian lo thực tập. Theo tôi, những ai điểm đang xấp xỉ ngưỡng đổi màu bằng thì hãy nghĩ đến việc làm luận văn”.

 

Thanh học ở một trường khối kinh tế. Gần đến thời điểm xét tiêu chuẩn làm luận văn, cô rất thấp thỏm. Nhưng không phải là lo mình không được làm. Mà là lo tên mình lọt vào danh sách. Vì điểm cô cũng xấp xỉ ngưỡng điểm xét tiêu chuẩn của mọi năm.

 

Thanh giải thích: “Nghe các khoá trước nói lại, làm luận văn ở trường mình tốn lắm nên mình ngại. Thi tốt nghiệp cho xong, điểm thấp hơn một chút nhưng chẳng tốn đồng nào. Nếu lọt vào danh sách làm luận văn thì lại mất công làm đơn xin không làm. Nên mong là năm nay lấy điểm chuẩn cao hơn mọi năm.” Đúng là lần này, điểm chuẩn làm luận văn của khoa Thanh có cao hơn thật. Cô được “lọt lưới” theo đúng mong muốn của mình.

 

Xin thầy đừng cho điểm khoá luận quá cao!

 

Tuy vậy, không phải ai cũng từ chối làm khoá luận tốt nghiệp chỉ vì tính toán nọ kia. Mà bởi vì : “Tôi không tin rằng luận văn của mình sẽ được đánh giá đúng. Cứ nhìn mà xem, ai làm luận văn điểm cũng cao ngất ngưởng. Nhưng tôi có thể chắc chắn một điều rằng điều đó không đồng nghĩa với việc chất lượng các bài luận văn tốt như nhau. Tôi sẵn sàng nhận điểm 7 cho một bài luận văn, nếu điểm của tôi chỉ đáng thế. Nhưng với mong muốn là các thầy phải đánh giá công bằng. Mong các thầy đừng nghĩ rằng chẳng lẽ trò đã bỏ bao nhiêu công sức mà lại cho nó điểm thấp, cho dù đáng ra nó chỉ đáng điểm đó.”

 

Thầy cô ái ngại cho công sức nghiên cứu của SV? Làm mất nhiều thời gian thế còn gì. Chẳng lẽ điểm lại không ra sao. Vậy là phấn đấu làm sao để được làm khoá luận là đã có thể yên tâm. Còn chuyện điểm chác thì dường như đã mặc định sẵn rồi. Chỉ khác nhau là cao và cao hơn một chút thôi. 9,5 coi là bình thường. 10 thì chẳng hề ít. Thế mới có SV được 9 điểm khoá luận đã khóc lên khóc xuống vì điểm đó bị coi là thấp. Vậy là đề tài hay cũng như đề tài dở, tất cả đều giỏi cả.

 

Nhưng các thầy đâu có biết cái suy nghĩ ấy đã và đang làm hỏng SV. Thầy càng tiếc cho công sức SV, thì SV lại càng biết là chẳng cần bỏ công sức ra làm gì. Phong  từng tự hào là bài luận văn của cậu chỉ có các thao tác “cóp” và “pết” mà vẫn được 9.5.

 

Em không muốn mất niềm tin ở thầy

 

Không mất công nghiên cứu đề tài, thì nhiều bạn lại phải đầu tư vào cái khác, nhất là vấn đề tài chính, đến nỗi mà không ai không biết rằng: “Làm luận văn tốn lắm”. Không chỉ là tiền in ấn, tài liệu, mà như luật bất thành văn, tốn nhất vẫn là khoản quà cáp bồi dưỡng cho giảng viên hướng dẫn.

 

Trang, cô bạn trường Nhân văn đã rất hồ hởi khoe rằng bạn được một giảng viên xưa nay nổi tiếng không bao giờ nhận tiền của SV hướng dẫn luận văn. “May quá, vừa được thầy tốt, vừa đỡ tốn kém”. Còn ở một trường khác, thì SV cứ dấm dúi truyền tai nhau là đừng xin thầy X. hướng dẫn, vì “cát- sê” của thầy cao lắm.

 

Nhưng có lẽ không có điều gì làm SV mất niềm tin hơn là việc chính thầy hướng dẫn lại thờ ơ với đề tài của họ. Có những thầy cẩn trọng và nghiêm túc ngay cả với thái độ làm việc của SV. Nhưng cũng có không ít thầy cô, mang tiếng là hướng dẫn, nhưng có khi cũng chẳng biết mộ cách rõ ràng về đề tài SV của mình làm. “Cô chỉ gặp mình một lần khi mình đến báo đề tài và lần nữa là trước ngày bảo vệ. Cô kêu, em cứ tự triển khai, có vướng mắc gì thì cô trò bàn bạc. Nhưng khi mình vướng mắc thì chẳng biết phải nói với cô vào lúc nào, cô luôn bận, gọi điện thì cô bảo nói trên điện thoại không thể cặn kẽ, hẹn đến nhà cô thì cô bảo bận, rốt cục, mình tự làm từ A đến Z”-

 

Thầy của Sơn thì luôn có một kiểu hướng dẫn có thể ứng dụng cho tất cả các đề tài. Ấy là thầy cứ đọc đúng khuôn mẫu của một bài luận văn với 3 phần chỉn chu Thầy hướng dẫn cho 3 SV thì cả ba đều được chỉ cho cùng kiểu. Vì đó là mẫu tổng quát mà. Vậy là xong trách nhiệm hướng dẫn. Cũng chính sự thờ ơ đó của những người hướng dẫn mới tạo điều kiện cho những đề tài chỉ gồm hai thao tác “cóp” và “pết” mà vẫn có thể được điểm cao.

 

Theo Sinh Viên Việt Nam