Sinh viên Trung Quốc lọt tầm ngắm của nạn "bắt cóc ảo” tại Australia

Minh Hương

(Dân trí) - Cảnh sát New South Wales, Australia cảnh báo sinh viên Trung Quốc về nạn “bắt cóc ảo” qua điện thoại. Qua đó, tội phạm đã lừa gia đình các nạn nhân số tiền chuộc tới 3,2 triệu USD.

Cảnh sát New South Wales ngày 28/7 cho biết ít nhất 8 du học sinh Trung Quốc tại Australia đã trở thành nạn nhân của các vụ “bắt cóc ảo” trong năm nay.

Một vụ “bắt cóc ảo” thường diễn ra theo hình thức các tội phạm tự xưng là cảnh sát hoặc quan chức nhà nước liên hệ với sinh viên Trung Quốc tại Australia và ép buộc họ tham gia vào hiện trường một vụ bắt cóc, trong đó các nạn nhân thường bị trói và bị bịt mắt, rồi gửi ảnh chụp hay video các sinh viên này bị trói cho gia đình của họ qua WeChat hoặc WhatsApp.

Tội phạm sau đó yêu cầu các gia đình trả khoản tiền chuộc lớn để con em mình được thả. Những kẻ bắt cóc thường đe dọa rằng các sinh viên có liên quan tới hành vi tội phạm tại Trung Quốc và phải nộp tiền để tránh bị trục xuất, hoặc bị bắt.

Sinh viên Trung Quốc lọt tầm ngắm của nạn bắt cóc ảo” tại Australia - 1
Sinh viên Trung Quốc trở thành nạn nhân của nạn “bắt cóc ảo” tại Australia.

Ông Grant Taylor, thuộc lực lượng cảnh sát phòng chống trộm cướp và tội phạm nghiêm trọng New South Wales cho biết tội phạm thường nhằm vào nỗi sợ bị trục xuất về nước hoặc gián đoạn học tập của sinh viên.

Các nạn nhân được thuyết phục tự đặt phòng khách sạn rồi gửi tin nhắn kèm ảnh chụp họ bị trói và bịt mắt cho gia đình thông báo bị bắt cóc. Ông Taylor cho biết các nạn nhân không gặp nguy hiểm về thể chất vì những vụ “bắt cóc ảo” được thực hiện qua điện thoại và dùng các phần mềm như WeChat hoặc WhatsApp để liên lạc.

Các bậc phụ huynh thường rất lo lắng và làm theo chỉ dẫn của tội phạm, chuyển tiền tới tài khoản ngân hàng nước ngoài. Phí tiền chuộc trong mỗi vụ “bắt cóc ảo” giao động từ 20.000-500.000 USD.

Một phụ huynh của một nữ sinh viên Trung Quốc đã trả 2 triệu USD tiền chuộc sau khi nhận được video quay cảnh con gái 22 tuổi của mình tại Sydney bị trói.

Cảnh sát New South Wales cho biết tội phạm thường xưng là đại diện các cơ quan nhà nước Trung Quốc như là nhân viên Đại sứ quán, cảnh sát Trung Quốc.

Ban đầu, chúng thường liên lạc với sinh viên qua điện thoại. Tội phạm thường nhằm vào những đối tượng sinh viên khá giả, sống một mình, những đối tượng dễ bị tổn thương trong cộng đồng người Australia gốc Hoa.

Cảnh sát New South Wales cho hay Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Sydney xác nhận không có chuyện một nhân viên thuộc cơ quan công quyền của Trung Quốc liên hệ với sinh viên qua điện thoại hoặc yêu cầu đòi tiền.

Một sinh viên Trung Quốc tại Đại học Melbourne nhận được email nặc danh và đã trả 600.000 Nhân dân tệ (85.600 USD) cho một kẻ lừa đảo khoảng hai tháng trước.

Nạn nhân cho biết kẻ lừa đảo liên hệ với anh qua WeChat và điện thoại, tự xưng là nhân viên tại Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc. Kẻ này cáo buộc nam sinh viên và gia đình có liên quan tới một vụ rửa tiền và yêu cầu chuyển tiền tới một tài khoản ngân hàng, nếu không tài khoản của gia đình nam sinh sẽ bị đóng băng.

Kẻ lừa đảo cũng yêu cầu nam sinh không liên lạc với ai trước khi chuyển tiền, đe dọa rằng các cuộc điện thoại trao đổi giữa hai bên đều được theo dõi.

Một sinh viên Trung Quốc tại Đại học Sydney cho biết từng bị những kẻ lừa đảo liên hệ. “Kẻ lừa đảo tự xưng là nhân viên tại cơ quan nhập cư của Trung Quốc. Anh ta đe dọa không cho tôi nhập cảnh Trung Quốc nếu tôi không đưa tiền”, sinh viên giấu tên cho hay.

Một số sinh viên Trung Quốc khác cho biết cũng từng bị những kẻ lừa đảo với thủ đoạn tương tự liên hệ, nhưng may mắn không trở thành nạn nhân.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia hồi tháng 4 cảnh báo các công dân Trung Quốc cảnh giác trước vấn nạn lừa đảo qua điện thoại dưới danh nghĩa các nhân viên đại sứ quán và lãnh sự quán.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm