Sinh viên thực tập và đi làm "chớ bỏ qua" kỹ năng giao tiếp

Vi Thảo

(Dân trí) - Gần 50 lãnh đạo đại diện các cơ quan, doanh nghiệp cùng bàn cách nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, giúp sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.

Chiều 13/4, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Huế) tổ chức Hội nghị tăng cường hợp tác giữa nhà trường và các cơ quan, doanh nghiệp năm 2024.

Hội nghị nhằm thiết lập, xây dựng mô hình hợp tác hiệu quả giữa nhà trường với các cơ quan, doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Sinh viên thực tập và đi làm chớ bỏ qua kỹ năng giao tiếp - 1

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Vi Thảo).

Tham dự hội nghị có gần 50 lãnh đạo đại diện các cơ quan, doanh nghiệp, trong đó nhiều doanh nghiệp có quy mô vốn đầu tư lớn trên 100 tỷ đồng, đa dạng trên nhiều nhóm ngành nghề tại các tỉnh, thành, như: TPHCM, Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình, Quảng Trị… tham dự.

Bạn Hồ Thị Lan Anh (sinh viên năm 2, Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế Huế) chia sẻ, trải qua 2 năm học bản thân em cũng như nhiều sinh viên khác mong muốn nhà trường kết nối doanh nghiệp để các em đến thực tập thực tế, đồng thời được doanh nghiệp tạo điều kiện, giúp đỡ nâng cao kiến thức chuyên môn, trau dồi kỹ năng mềm, đáp ứng nhu cầu công việc sau này.

Sinh viên thực tập và đi làm chớ bỏ qua kỹ năng giao tiếp - 2

Sinh viên Đại học Kinh tế Huế phát biểu ý kiến tại hội nghị (Ảnh: Vi Thảo).

Bà Nguyễn Thị Nhàn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Kiểm toán và Đại lý thuế Việt Nam, cho rằng hiện nay nhiều sinh viên khi đi thực tập rất yếu về kỹ năng giao tiếp, khi trao đổi thường nói nhỏ, lý nhí trong khi đây là một kỹ năng cực kỳ quan trọng.

Ông Nguyễn Thanh Khiết, Chủ tịch Công ty TNHH Hãng kiểm và định giá ASCO, nhận định không thể để cho sinh viên "tự bơi" mà cả nhà trường, doanh nghiệp phải bắt tay, đổi mới chương trình đào tạo để các em có nhiều thời gian tiếp cận thực tế hơn, giảm bớt đào tạo theo hướng hàn lâm, khoa học.

Các bạn sinh viên ở Huế cũng phải chủ động đổi mới tư duy, cần có tầm nhìn bao quát, rộng hơn chứ không nên chỉ bó hẹp ở khu vực Huế - Đà Nẵng, nên mạnh dạn đăng ký đi thực tập thực tế tại các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, TPHCM,… để tích lũy thêm kinh nghiệm.

PGS.TS Trương Tấn Quân, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Huế, cho biết nhà trường xác định phát triển hệ sinh thái hợp tác giữa trường đại học và các cơ quan, doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng nhằm hướng đến mục tiêu phát triển Trường Đại học Kinh tế Huế thành trường đại học ứng dụng, đổi mới sáng tạo hàng đầu Việt Nam.

Theo thầy Quân, các mô hình giáo dục đại học tiên tiến ở trên thế giới đều xem hợp tác giữa trường đại học và các cơ quan, doanh nghiệp là mối quan hệ hợp tác tương sinh, cùng có lợi giữa nhà trường, doanh nghiệp và xã hội.

Mối quan hệ này càng bền chặt, hiệu quả thì chất lượng quá trình đào tạo càng cao, sinh viên càng dễ dàng tiếp cận thị trường lao động, doanh nghiệp giảm được thời gian và chi phí để đào tạo lại hay hướng dẫn lại sinh viên sau khi tuyển dụng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm