Sinh viên sáng tạo nền tảng CV số, giúp tìm việc làm nhanh hơn

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Một nền tảng CV online (hồ sơ xin việc trực tuyến) của sinh viên ngành công nghệ thông tin tại TPHCM được ra đời giúp quá trình kết nối giữa sinh viên và doanh nghiệp thuận tiện hơn.

Sinh viên sáng tạo nền tảng CV số, giúp tìm việc làm nhanh hơn - 1

Sinh viên tham gia Ngày hội việc làm với chủ đề "FIT Career Day 2024", được trải nghiệm ứng dụng CV online giúp kết nối nhanh hơn với doanh nghiệp (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Ứng dụng trên được Lê Anh, sinh viên năm 4 ngành công nghệ thông tin, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF), "trình làng" tại Ngày hội việc làm do khoa tổ chức ngày 26/2.

Sự kiện mở ra "sàn việc làm" trực tiếp ngay tại trường dành cho sinh viên năm cuối các ngành công nghệ thông tin, khoa học dữ liệu, thương mại điện tử.

Ứng dụng CV online có tên gọi "JIP UEF - Job & Internship Platform For UEF Students" là nền tảng tuyển dụng được Lê Anh thiết kế dành riêng cho sinh viên Khoa Công nghệ thông tin.

Sinh viên có thể tạo tài khoản, xây dựng lý lịch cá nhân, được xem các danh mục công việc mà doanh nghiệp có nhu cầu để ứng tuyển. Phía doanh nghiệp được cấp tài khoản, đăng tin tuyển dụng thực tập sinh, quản lý thông tin ứng viên trên hệ thống.

Đến ngày ứng tuyển, thí sinh không cần phải mang hồ sơ CV bản giấy, doanh nghiệp sẽ xem hồ sơ trực tiếp trên nền tảng và phỏng vấn trực tiếp.

Sau đó, các thông tin phỏng vấn được lưu giữ lại trong hệ thống phần mềm tài khoản của doanh nghiệp. Đơn vị sử dụng lao động có thể cập nhật các thông tin về kết quả phỏng vấn và sinh viên sẽ nhận được kết quả thông qua hệ thống này. 

Lê Anh cho hay dự án này được nam sinh xây dựng mất khoảng 5 tháng. Phần mềm đặc biệt chú trọng về các vị trí thực tập cũng như các công việc dành cho sinh viên mới ra trường.

Trên cơ sở này, doanh nghiệp sẽ thấy được những điểm mạnh của từng sinh viên. Ứng dụng giúp cải thiện mối liên kết giữa doanh nghiệp và sinh viên trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh hiện nay.

"Phiên bản tiếp theo của nền tảng này sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tự động tìm kiếm, đề xuất vị trí tuyển dụng phù hợp cho sinh viên", sinh viên Lê Anh nói thêm về định hướng phát triển phần mềm mà mình tâm huyết.

Sinh viên sáng tạo nền tảng CV số, giúp tìm việc làm nhanh hơn - 2

Doanh nghiệp phỏng vấn sinh viên để lựa chọn nhân lực phù hợp (Ảnh: Huyên Nguyễn).

TS Nguyễn Hà Giang, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM, nhận định phần mềm CV online do sinh viên Lê Anh thực hiện dưới sự hướng dẫn của ThS Hoàng Văn Hiếu có nhiều ưu điểm.

Phần mềm cung cấp chức năng cho người xin việc có thể tạo tài khoản trực tuyến, lưu giữ CV online (chỉ cần thao tác, tải CV có sẵn lên hệ thống) hoặc có thể xây dựng CV trên hệ thống.

Từ tài khoản cá nhân này, người xin việc có thể cập nhật các thông tin hồ sơ để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Đồng thời, phía xin việc cũng có thể xem các thông tin việc làm của các doanh nghiệp khác nhau, nộp hồ sơ vào nhiều vị trí thực tập, tuyển dụng, xem kết quả phỏng vấn và các thông tin khác từ doanh nghiệp mà mình ứng tuyển…

Về phía người sử dụng lao động, doanh nghiệp có thể tạo tài khoản, đăng tin tuyển dụng bất cứ lúc nào. Quan trọng là doanh nghiệp có thể xem và quản lý các thông tin của ứng viên khi ứng tuyển vào vị trí việc làm của mình.

TS Hà Giang tiết lộ chức năng "Job recommender" (đang trong giai đoạn thử nghiệm) giúp đề xuất vị trí thực tập, việc làm phù hợp. Chức năng này dựa trên các thuật toán "machine learning" của AI để tìm các vị trí tuyển dụng phù hợp với CV của ứng viên, khi đó sẽ đưa ra các đề xuất các vị trí phù hợp với năng lực của người ứng tuyển nhất.

Ngoài ra, tại ngày hội, các doanh nghiệp cũng kết hợp triển lãm nhiều công nghệ mới trong các lĩnh vực đời sống, xã hội cho sinh viên tham khảo, tìm hiểu đồng thời để sinh viên các khối ngành có những trải nghiệm công nghệ mới nhất trên thị trường.

Được biết, sự kiện thu hút sự tham gia của 17 doanh nghiệp với hơn 1.000 vị trí làm về công nghệ thông tin. Theo đại diện nhà trường, đây là hoạt động nằm trong mục tiêu đào tạo gắn kết thực tiễn của nhà trường, đảm bảo việc làm cho người học.

Lợi thế của sinh viên khi tham gia ngày hội là nắm bắt được các vị trí thực tập đúng chuyên môn, việc làm phù hợp với chuyên ngành được đào tạo mà không phải cạnh tranh với thị trường bên ngoài. Ngược lại, doanh nghiệp cũng "săn" được người tài, người phù hợp với các vị trí mà doanh nghiệp đang có nhu cầu.