Sinh viên ra trường xin việc ở đâu khi kinh tế khó khăn?
Năm 2012 được đánh dấu là năm rất khó khăn với nền kinh tế VN, hàng trăm nghìn doanh nghiệp phải giải thể. Nguồn thu nhập của các gia đình vì thế cũng khó khăn hơn. Do vậy, không chỉ những SV mới ra trường gặp khó khăn mà các nhân viên lâu năm cũng không dễ hơn.
Bên cạnh đó, việc làm mới ít hơn khiến sức cạnh tranh về nguồn nhân lực càng mạnh. Nếu như trước đây các doanh nghiệp trong giai đoạn phát triển sẵn sàng tuyển sinh viên có tiềm năng tốt rồi đào tạo thì hiện nay hầu hết đều cần kinh nghiệm làm việc. Nguyễn Hà Thanh Thủy, một sinh viên ngành Kinh tế mới ra trường năm 2012 cho biết: "Em đã nộp đơn xin việc nhiều nơi nhưng nơi nào cũng đòi hỏi kinh nghiệm làm việc nhưng em mới ra trường nên không được chấp nhận. Hiện tại em vẫn phải làm những công việc không ổn định để chờ cơ hội mới".
Không chỉ những sinh viên mới ra trường gặp khó khăn mà các nhân viên lâu năm cũng không dễ hơn. Đỗ Thị Hiền Thục đang làm tại doanh nghiệp nhà nước trước đây có tiếng là lương cao cũng đang gặp vấn đề. Lương tháng của cô vừa được thông báo sẽ giảm từ mức 5 triệu xuống 3,5 triệu. Nếu không đồng ý cô có thể xin nghỉ việc. Cô cho biết đơn vị đang cơ cấu lại và nhiều người đã thôi việc hoặc phải chấp nhận mức lương thấp hơn. Hàng năm, ngoài lương cán bộ, đơn vị cô còn được thưởng thêm mỗi quý. Tuy nhiên, năm nay mọi người đều không hy vọng nhiều vào điều này vì tình hình khó khăn chung.
Chị Thục cũng có em gái năm nay cũng tốt nghiệp và gia đình đã dự kiến cho vào doanh nghiệp nhà nước cùng với chị gái vì ổn định nhưng khi bị giảm lương đã hoàn toàn thất vọng. “Bây giờ là thời buổi cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hay tư nhân đều cần phải hoạt động tốt. Nhà nước đã không thể cứu hết các doanh nghiệp, Vinashin và Tập đoàn Điện lực là những ví dụ rõ ràng” - chị Thục cho biết. Thay vì dựa vào quen biết để xin việc giờ chị khuyên em gái nên tập trung học tập tốt để có cơ hội phát triển sau này.
Trao đổi về vấn đề này, TS. Đàm Quang Minh - Giám đốc FPT Polytechnic thuộc Trường Đại học FPT chia sẻ: “Việc đào tạo nguồn nhân lực là việc của các cơ sở đào tạo, nếu các cơ sở đào tạo tập trung vào việc nâng cao các kỹ năng cần thiết cho sinh viên đi kịp với nhu cầu việc làm của xã hội thì sẽ thành công. Nhiều sinh viên dù chưa ra trường của FPT Polytechnic đã được các doanh nghiệp chào đón. Dù chưa ra trường nhưng do chương trình học bám sát thực tiễn nên sinh viên hoàn toàn không bỡ ngỡ khi bước vào môi trường doanh nghiệp”. Còn ông Nguyễn Bá Dương, phụ huynh của một sinh viên đang theo học tại đây cũng cho biết: “Bây giờ tôi thấy các phụ huynh đã phải thực tế hơn về năng lực của con mình chứ không thể trông cậy vào quen biết, quan hệ nữa. Nhiều khi đã không xin được việc cho con mà còn mất cả tình cảm vì nhờ vả. Tôi cho cháu học tại đây vì vừa có bằng cấp, vừa có nghề”.
“Năm nay thực tế là phụ huynh và sinh viên đã cân nhắc và hỏi rất kỹ về chương trình học, cơ hội việc làm và cơ hội học ở các bậc cao hơn. Đã có sự khác biệt rõ rệt so với các năm trước khi sinh viên không còn nhất quyết phải vào các ngành được ưa chuộng.” - TS. Minh chia sẻ. “Tôi cho rằng đây là tín hiệu thể hiện sự lành mạnh của việc đào tạo nguồn nhân lực, việc đầu tiên quan tâm của xã hội đối với một cơ sở đào tạo phải là có cung cấp được một kỹ năng nghề cho sinh viên hay không?”.