Sinh viên ngành năng khiếu nghệ thuật được Yên Bái hỗ trợ tiền mỗi tháng
(Dân trí) - Tất cả học sinh tham gia học nghề tại trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Yên Bái vào các ngành có yếu tố tuyển sinh năng khiếu đầu vào sẽ được tỉnh hỗ trợ cho mỗi em 400 nghìn đồng/ tháng.
Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Yên Bái hiện có 21 mã ngành nghề đào tạo. Năm học 2020 - 2021, trường tiếp tục duy trì hoạt động dạy và học, thực hiện tuyển sinh, đào tạo 15 mã ngành nghề. Hiện, nhà trường có quy mô 460 học sinh sinh viên. Trong đó 219 em/21 lớp chính quy; 61 em/ 2 lớp đại học vừa làm vừa học; 180 học viên các lớp bồi dưỡng.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Sinh Phúc - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Yên Bái cho hay, học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề được hưởng toàn bộ chính sách ưu đãi theo chủ trương của Đảng, Nhà nước… Riêng đối với tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016-2020 đã đầu tư và có chính sách ưu đãi đặc biệt.
Cụ thể, tất cả học sinh tham gia học nghề tại trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Yên Bái vào các ngành có yếu tố tuyển sinh năng khiếu đầu vào sẽ được tỉnh hỗ trợ cho mỗi em 400 nghìn đồng/ tháng.
"Số tiền này trường phát trực tiếp cho các em mỗi tháng. Các em tốt nghiệp THCS đi học nghề thì sẽ không phải mất học phí", ông Phúc cho hay.
Theo Phó Hiệu trưởng Nguyễn Sinh Phúc, trường đào tạo 3 mảng lớn: Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch.
Mảng văn hóa, trường thực hiện phổ cập cán bộ văn hóa cơ sở cho tất cả các huyện, thị, xã, phường của 3 tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang và Hà Giang. 100% số lượng nhân lực đào tạo văn hóa ra trường đều có việc làm, trở thành nhân sự chủ chốt của các thiết chế văn hóa trên toàn tỉnh.
Mảng Nghệ thuật, trường có truyền thống đào tạo nhiều năm. Học sinh, sinh viên ra trường có 2 nhánh.
Một nhánh, các em sau học xong tại trường tiếp tục được đào tạo học nâng cao lên ở ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội, Học viện Âm nhạc quốc gia, ĐH Nghệ thuật Quân đội, ĐH Sân khấu điện ảnh, ĐH Nghệ thuật Trung ương...
Một nhánh, các em không học nâng cao thì ra trường sẽ ra làm việc ở các thiết chế văn hóa, các tổ chức sự kiện trong và ngoài tỉnh. Theo con số thống kê, 70% sinh viên ra trường có việc làm ngay. Số còn lại, các em học nâng cao hoặc có hãn hữu một số em không phù hợp với nghề nên xin sang các ngành khác.
Mảng Du lịch là một mảng mới, từ năm 2008 trường nâng cấp thành trường cao đẳng thì có cái đuôi đào tạo "du lịch". Kể từ đó, các mã ngành nghề được xây dựng. Đây là một mảng mới, nhà trường có 6 mã ngành nghề. Trường đào tạo, đáp ứng thường xuyên, đáp ứng 100% cho các nhu cầu của tỉnh về các tuyến, điểm du lịch.
Chiến lược của tỉnh Yên Bái năm nay là đưa vào nghị quyết phát triển du lịch thành trọng điểm của tỉnh. Chính vì thế, nhu cầu nhân sự lớn. Nhà trường đào tạo bồi dưỡng thường xuyên hơn 1000 nhân sự mỗi năm phục vụ nhu cầu đó. Các em ra trường phần đa có việc làm ngay.
Trong chuyến công tác mới đây, chúng tôi có dịp chứng kiến các học sinh, sinh viên các khối ngành nghệ thuật của trường hăng say học tập, rèn nghề.
Khối ngành nghệ thuật của trường đào tạo các chuyên ngành: Thanh nhạc, Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Biểu diễn nhạc cụ phương Tây, Múa dân gian dân tộc; Hội họa, Thiết kế đồ họa. Thời gian đào tạo là 3 năm. Đặc điểm của nhóm chương trình đào tạo này là đào tạo thời gian dài, học sinh sinh viên có kỹ năng tốt, bài bản, đáp ứng yêu cầu nguồn lao động có chất lượng.
Cô Vũ Thị Việt Hiếu - Trưởng phòng Đào tạo và Khoa học, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và du lịch Yên Bái chia sẻ: "Khối nghệ thuật là ngành các em được tuyển đầu vào phải có năng khiếu và say mê nghề, sớm được đào tạo từ nhỏ. Đây là thế mạnh của nhà trường trong rất nhiều năm. Các em ra trường được mời thực tập rồi ra trường luôn được đối tác đánh giá cao về kỹ năng biểu diễn nghề nghiệp và đạo đức nghề cũng như thái độ với công việc.
"Nghề nghệ thuật, biểu diễn phải gắn với môi trường thực tế và khán giả. Các đối tác của chúng tôi luôn luôn đặt niềm tin vào nhà trường. Sau khi ra trường, số lượng các em được mời ở lại các khu du lịch của Sa Pa (Lào Cai) làm việc rất nhiều.
Đặc biệt năm ngoái (khóa 2020), học sinh sinh viên ngành múa ra trường được mời đến các công ty lớn. Có công ty ở Phú Quốc đã trả lương cho các em 14 triệu đồng/ tháng (có nuôi ăn). Đây là điều làm cho trường chúng tôi rất tự hào vì sản phẩm nhà trường đào tạo ra được doanh nghiệp đón nhận nhiệt tình", nữ giáo viên tự hào chia sẻ.