Sinh viên mới ra trường: Làm gì để không tuột mất cơ hội việc làm?

(Dân trí) - Trong bối cảnh hội nhập, thị trường lao động giữa các quốc gia đang trở nên đồng nhất. Đây vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức với nguồn nhân lực Việt Nam khi không chỉ chịu sức ép cạnh tranh trong nước, mà còn với nhân lực từ nước ngoài tràn vào. Vì thế, theo các chuyên gia, các bạn trẻ, ngoài kỹ năng nghề nghiệp, nếu không được “tăng lực” bằng các yếu tố khác thì sẽ khó nắm bắt được cơ hội việc làm tốt.

Yếu thế ngay trên sân nhà

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, đến năm 2020, nhiều công việc hiện tại trong thị trường lao động sẽ biến mất, thay vào đó, lại xuất hiện những công việc mới với đòi hỏi kỹ năng mới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trình độ, kỹ năng của sinh viên ở một số trường ĐH hiện còn chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế 3.0 nên có thể hoàn toàn không hữu dụng với nền kinh tế 4.0 ở một số ngành nghề.

Bên cạnh đó, theo ông Simon Matthews - Tổng giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông, Việt Nam hiện đã tham gia cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), đồng nghĩa với việc sẽ có sự mở rộng thị trường lao động giữa các quốc gia trong khối này. “Đây là cơ hội lớn đối với thị trường lao động trong nước”, ông nói. Dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025.


Khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh và làm việc trong môi trường đa văn hóa là lợi thế lớn trong bối cảnh thị trường lao động hiện tại.

Khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh và làm việc trong môi trường đa văn hóa là lợi thế lớn trong bối cảnh thị trường lao động hiện tại.

Nhìn chung, lao động Việt Nam có nhiều phẩm chất tốt như chăm chỉ, học hỏi nhanh, nhưng so với nhân sự đến từ Thái Lan, Singapore, Malaysia, chúng ta lại thua về khả năng ngoại ngữ, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp... Vì thế, ngay cả khi còn được bảo vệ bởi các hàng rào bảo hộ, lao động trong nước vẫn đang yếu thế trong cuộc cạnh tranh ngay trên sân nhà. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có một bộ phận nhân lực phải thất nghiệp và khó tìm được việc làm ổn định.

Điểm danh những kỹ năng cần có

Để có thể đáp ứng được với thách thức và những thay đổi trong tương lai, người học cần có những tố chất có tính bền vững để có thể tồn tại sau này. Ngoài việc trang bị các kiến thức và kỹ năng nền tảng để không bị cũ theo thời gian, mọi nhân sự đều cần cập nhật kiến thức và kỹ năng hiện đại để bắt kịp trào lưu.

Bà Trương Hoài Anh, VP - Category Management - Fashion, Lazada Vietnam, cho rằng, trong bối cảnh mới, ngoài kiến thức chuyên ngành, người học sẽ phải thay đổi theo theo hướng sáng tạo hơn, thích nghi hơn để tránh bị đào thải. “Thậm chí, trong quá trình làm việc, tôi luôn bắt mình phải tích lũy những kỹ năng mới và học lại những kỹ năng đã có (re-skill) để luôn sẵn sàng thích ứng với mọi thay đổi. Khi có tư duy tiếp cận mới và cách giải quyết vấn đề sáng tạo, tôi sẽ luôn đạt được những gì mình muốn làm” - bà Hoài Anh chia sẻ.

Bà Manuela Spiga, Giám đốc khu vực mảng hướng nghiệp và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH RMIT Việt Nam, cũng khuyến cáo 10 kỹ năng bạn trẻ cần có trong thời đại 4.0 để có thể ghi điểm trước các nhà tuyển dụng là: Giải quyết vấn đề; tư duy phản biện tốt; khả năng sáng tạo; quản trị nhân sự; phối hợp làm việc nhóm; có trí tuệ cảm xúc; đánh giá và quyết định; tư duy dịch vụ; kỹ năng đàm phán và tư duy linh hoạt.


Sinh viên tại ĐH RMIT luôn được khuyến khích tranh luận để rèn luyện tư duy sáng tạo và kỹ năng phản biện.

Sinh viên tại ĐH RMIT luôn được khuyến khích tranh luận để rèn luyện tư duy sáng tạo và kỹ năng phản biện.

Đây cũng chính là 10 kỹ năng mà sinh viên RMIT được tích lũy ngay từ năm thứ nhất. “Sinh viên RMIT được yêu cầu làm đề án thực tế ngay từ năm nhất. Bằng cách đó, sinh viên sẽ được tôi luyện kỹ năng xử lý vấn đề phức tạp, khả năng đánh giá, đưa ra quyết định và khả năng tư duy linh hoạt từ rất sớm. Những kỹ năng khác như quản trị nhân sự, phối hợp với mọi người và đàm phán cũng được cải thiện khi sinh viên làm việc theo nhóm. Để rèn tư duy sáng tạo và phản biện sinh viên luôn được khuyến khích tranh luận với giảng viên, đưa ra những giải pháp mới mẻ, không có trong sách vở.”

Ngoài những kỹ năng kể trên và kiến thức về nghề nghiệp, bà Manuela cũng cho rằng những hiểu biết về văn hóa và kỹ năng làm việc trong một môi trường đa văn hóa (CQ - Cultural Quotient) cũng là yếu tố mà nhân sự muốn thành công cần bồi đắp. Hiểu được điều này, trong những năm qua, ĐH RMIT luôn đẩy mạnh các chương trình trao đổi & chuyển tiếp sinh viên tới 200 trường đối tác tại 40 quốc gia để giúp sinh viên tăng cường những trải nghiệm quốc tế.

3 bước sẵn sàng đón công việc

Chuyên gia đào tạo, diễn giả quốc tế Adrian Toh của Tổ chức Đào tạo và Tư vấn Success Frontier, Singapore cho rằng, ĐH được coi là bậc học quan trọng trong việc chuẩn bị hành trang cần thiết cho người học trước khi gia nhập thị trường lao động chất xám. Vì vậy, các trường ĐH cần mở rộng đào tạo theo hướng gắn trực tiếp với thực tế, làm sao để sinh viên ngay khi ra trường có thể bắt nhịp được ngay, thay vì bỡ ngỡ và phải đào tạo lại.


Tham gia các triển lãm nghề nghiệp là một hoạt động thực tế giúp sinh viên làm quen với thế giới việc làm.

Tham gia các triển lãm nghề nghiệp là một hoạt động thực tế giúp sinh viên làm quen với thế giới việc làm.

Đồng quan điểm này, Giáo sư Gael McDonald, Hiệu trưởng Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng, ngoài học chuyên ngành, sinh viên trong trường đại học còn cần được làm quen với môi trường công việc để “giảm sốc" nhiều nhất có thể khi bắt đầu đi làm. Chính vì thế, chương trình đào tạo tại ĐH RMIT được thiết kế như một chương trình làm quen công việc gồm 3 giai đoạn: Khám phá - giúp trang bị cho sinh viên kiến thức nền tảng cho các môn học chuyên sâu sau này; Trải nghiệm - giúp sinh viên trải nghiệm sâu hơn về chuyên ngành mình đã lựa chọn bằng việc học lý thuyết kết hợp với nghiên cứu các tình huống thực tế, tìm hiểu kỹ hơn về kỹ năng công việc; và Dấn thân - sinh viên được làm dự án nhóm cho khách hàng là các công ty/tổ chức có nhu cầu thực tế, thuyết trình giải pháp để nhận phản hồi của khách hàng và tham gia các cuộc thi mô phỏng thực tế dưới sự hướng dẫn của thầy cô trong nước và quốc tế…

Ông Simon Matthews cho rằng, kết quả thành công trong thị trường lao động hiện tại và tương lai không còn là bằng cấp trên giấy tờ, mà chính các kỹ năng mềm có giá trị nhất và cũng khó tìm nhất bao gồm giao tiếp, phối hợp (làm việc nhóm), giải quyết vấn đề… là những thế mạnh để lao động cạnh tranh trong thời đại mới, cũng như là điểm mấu chốt để con người không bị máy móc thay thế. Báo cáo thị trường quý 2-2018 của ManpowerGroup cho thấy chỉ có 11% lao động Việt Nam có kỹ năng cao. Hơn nữa, chỉ có 5% lao động có khả năng sử dụng tiếng Anh. “Đây là thách thức lớn đối với lao động trong nước trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Simon Matthews nói.

Vì thế, muốn thích ứng với thị trường ngày càng đòi hỏi cao, cùng với sự trợ giúp từ trường ĐH, sinh viên cũng cần chủ động tự học hỏi, tự nâng cao sức cạnh tranh cho mình. “Sinh viên nên xác định rõ ràng mục đích nghề nghiệp và việc làm. Điều cốt lõi là cần chú ý phát triển các kỹ năng việc làm, am hiểu ngành nghề muốn gắn bó. Mỗi người lao động cần phải có kiến thức nghề nghiệp, đặc biệt là năng lực tổ chức công việc thật hiệu quả. Tuy bằng cấp cao không phải là yếu tố quyết định sự thành công, nhưng ngành nghề nào muốn có thu nhập cũng đều phải có sự đầu tư về mặt kiến thức để tạo ra giá trị hành nghề và thành tựu cao trong sự nghiệp cuộc sống” - ông Mathews bổ sung.