Sinh viên làm “ô sin”, nhiều cạm bẫy
Để có tiền trang trải cho việc học tập, cuộc sống, bên cạnh những công việc làm thêm như gia sư, bán quần áo..., nhiều sinh viên nữ đã đến với nghề “ô sin”. Không ít bạn đã phải dở khóc, dở cười và đối mặt nhiều cạm bẫy.
Bùi Thị Hạnh (SN 1994) quê Hòa Bình, hiện là sinh viên năm 3 (ĐH Công đoàn Hà Nội) làm nghề giúp việc gia đình được hơn 2 năm nay. Gia đình Hạnh có 4 anh chị em, bố mẹ làm nông nghiệp nên rất khó khăn. Hạnh cho biết, công việc hằng ngày là lau dọn nhà cửa, giặt quần áo, nấu ăn cho gia đình chủ. Làm việc khoảng 4 tiếng/ngày (từ 17h-21h) với mức lương 20.000 đồng/giờ.
Gia đình khó khăn, Nguyễn Thị Hằng (SN 1993) quê Thái Bình, sinh viên năm 4, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) chọn đi làm giúp việc gia đình được hơn 3 năm nay. Trước đó, Hằng từng làm nhiều công việc khác nhau nhưng công việc khá vất vả, tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến học tập, qua bạn bè giới thiệu, Hằng đi làm nghề giúp việc theo giờ.
Dù có tiền để trang trải cuộc sống, nhưng các sinh viên nữ khi làm nghề “ô sin” đối mặt với nhiều cạm bẫy. Hằng cho biết, mỗi lần đi làm, cô luôn lo sợ bà chủ đi vắng, có mỗi ông chủ ở nhà. “Ông chủ bình thường đối xử với mình khá tốt. Ông ấy cũng bằng tuổi ông mình nên mình rất kính trọng. Nhưng không ngờ, có lần bà chủ vắng nhà, mình đang lau cầu thang, bất ngờ ông chủ ôm chầm lấy eo và sờ mó. May đúng lúc đó bà chủ về. Nhiều lần tính bỏ việc, nhưng lo không tìm được việc khác, không có tiền trang trải cuộc sống nên đành cố”, Hằng kể.
Phạm Thị Lan (SN 1994) quê Nghệ An, sinh viên năm 2, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) phải bỏ dở công việc vì gặp phải ông chủ có máu... “dê”. Lan kể, qua trung tâm giới thiệu việc làm, cô đi giúp việc cho một gia đình ở quận Thanh Xuân (Hà Nội). Anh, chị chủ nhà còn trẻ và là cán bộ công chức, vợ đang mang bầu sang tháng thứ 8.
“Thời gian đầu, mình được anh, chị chủ nhà đối xử tốt, tạo điều kiện về thời gian để không ảnh hưởng học tập. Một hôm, chị chủ đi vắng, mình đang nấu ăn, bỗng anh chủ ôm chầm từ phía sau và ngỏ ý muốn chăm sóc, nuôi ăn học nếu đồng ý làm “bồ nhí””, Lan kể.
Không gặp phải ông chủ “dê” như Hằng và Lan, nhưng Nguyễn Thị Linh, sinh viên năm 2, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) lại rơi vào hoàn cảnh khó xử khi làm thêm bằng việc trông em bé.
“Thời gian đầu, mọi việc đều suôn sẻ, chủ nhà không có vấn đề gì và em bé cũng rất ngoan. Nhưng một hôm, đang pha sữa cho em bé, sàn nhà bị ướt em bé chạy bị ngã sưng đầu. Hôm đó, mình bị gia chủ chửi mắng thậm tệ, rồi bị đuổi việc mà không hề nhận được một đồng tiền lương”, Linh kể.
Trao đổi với PV, PGS.TS Trần Thu Hương, Phó Chủ nhiệm khoa Tâm lý, ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, công việc giúp việc gia đình không hề đơn giản. Do đó, sinh viên khi chọn nghề này phải trang bị cho mình những kiến thức nhất định.
Cụ thể, khi chăm sóc trẻ nhỏ, các bạn phải có tâm thế, phương pháp, dạy trẻ phù hợp, không được quát mắng trẻ nhỏ. Còn với tình trạng một số sinh viên khi gặp phải những ông chủ “dê”, muốn lợi dụng thì các em nên cảnh giác và có những biện pháp bảo vệ mình như tránh tiếp xúc riêng tư với ông chủ, ăn mặc kín đáo, không hở hang...
“Tùy vào hoàn cảnh cụ thể, các em phải đưa ra lựa chọn để bảo vệ chính bản thân mình, thậm chí có thể nghỉ việc nếu sự việc đi quá giới hạn”, bà Hương nói.
Theo Quang Lộc
Tiền Phong