1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Sinh viên làm “hiệp sĩ đường phố”: Nên hay không?

(Dân trí) - Vụ việc nhóm “hiệp sĩ” bị kẻ trộm xe SH dùng dao chống trả tại TPHCM vào tối 13/5 gây rúng động những ngày qua. Đặc biệt trong số “hiệp sĩ” bị thương có hai sinh viên đang học năm cuối đại học. Đại diện hai trường ĐH này cũng đã thăm hỏi và lên tiếng về việc sinh viên làm “hiệp sĩ đường phố”.

Theo đó, hai “hiệp sĩ” bị thương đang phải điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất là Nguyễn Phú Quý - sinh viên năm thứ 4, Khoa Công nghệ thông tin trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM và Nguyễn Đức Huy - sinh viên năm 4 khoa Quản trị kinh doanh trường ĐH Công Nghiệp TPHCM.

Lãnh đạo trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM đến thăm sinh viên Phú Quý
Lãnh đạo trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM đến thăm sinh viên Phú Quý

Ngay khi sự việc xảy ra, lãnh đạo hai trường ĐH đều đến bệnh viện trực tiếp thăm hỏi sức khoẻ và động viên tinh thần những sinh viên này. Trong đó, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM đến tặng giấy khen cho sinh viên Phú Quý về tinh thần tham gia tố giác tội phạm và hỗ trợ 15 triệu đồng để em an tâm chữa trị, nhanh chóng quay lại học tập. Trước đó, đại diện Ban giám hiệu trường ĐH Công nghiệp TPHCM cũng đã trực tiếp đến thăm hỏi sức khỏe và động viên “hiệp sĩ” Đức Huy.

Điều đáng nói là hai sinh viên tham gia nhóm “hiệp sĩ” nhưng cả gia đình và nhà trường đều không hay biết, đến khi sự cố xảy ra thì mới vỡ lẽ. Cô Nguyễn Thị Luyến Mộng Ngọc, mẹ của sinh viên Nguyễn Phú Quý cho biết: “Bấy lâu nay con trai ở trọ riêng tại quận Tân Phú để đi học gần trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm. Mỗi lần con về nhà, tôi cũng không nghe nó kể gì đến việc tham gia đội "hiệp sĩ đường phố" bắt cướp. Nếu biết con tham gia thì tôi đã có lời can ngăn rồi”.

Trong khi đó, dù ủng hộ tinh thần đấu tranh chống tội phạm nhưng đại diện các trường ĐH cho rằng cần có phương pháp, phối hợp để có cách làm hiệu quả hơn. Ths Phạm Thái Sơn, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho rằng: “Tinh thần chống tội phạm là điều nên làm bởi nếu ai cũng thờ ơ và cho đó là của công an thì không ổn. Nhà trường ủng hộ tinh thần của các “hiệp sĩ”, sự nghĩa hiệp nhưng không khuyến khích các em sinh viên tham gia làm theo cách tự phát mà cần có phương pháp làm cho hiệu quả và cần có sự kết nối”.

Ông Sơn cho biết, sắp tới, nhà trường dự kiến sẽ mời công an để làm chương trình hướng dẫn sinh viên xử lý trong tình huống này.


Ban giám hiệu trường ĐH Công nghiệp TPHCM thăm em Đức Huy. (Ảnh: Trường ĐH Công nghiệp TPHCM)

Ban giám hiệu trường ĐH Công nghiệp TPHCM thăm em Đức Huy. (Ảnh: Trường ĐH Công nghiệp TPHCM)

Tương tự, TS Phan Hồng Hải, Phó hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp TPHCM cũng bày tỏ băn khoăn về việc sinh viên tham gia làm “hiệp sĩ” bắt cướp: “Chúng tôi rất trân quý những hành động chống tội phạm của các “hiệp sĩ”. Tuy nhiên trường không khuyến khích các em sinh viên tham gia các hoạt động có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bản thân. Khi còn trên ghế nhà trường, sinh viên cần tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập và rèn luyện bản thân qua các hoạt động khác”.

Ông Hải chia sẻ thêm: “Vừa nghe tin em Đức Huy bị thương phải cấp cứu ở bệnh viện là nhà trường đã đến thăm ngay và thấy xót lòng trước tình cảnh của em. Ba mẹ em đều bệnh và chỉ có người chú chăm sóc nên trường cử thêm một sinh viên hỗ trợ giúp em thời gian ở bệnh viên”.

Cũng theo ông Hải, ở trường Huy học khá tốt và xông xáo với các hoạt động trong trường. Thời gian này Huy đang làm luận án tốt nghiệp, sau khi sự việc xảy ra, nhà trường sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho em có thể hoàn thành việc học sau khi xuất viện. Sắp tới, nhà trường sẽ tổ chức khen thưởng em và trường cũng đã đề xuất Bộ Công thương có hình thức khen thưởng dành cho “hiệp sĩ” này.

Trong chiều qua, đại diện Ban Thường vụ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã đến Bệnh viện Thống Nhất thăm hỏi và trao tặng Huy hiệu "Tuổi trẻ dũng cảm" cho hai “hiệp sĩ” Đinh Phú Quý và Nguyễn Đức Huy.

Lê Phương