Sĩ tử lớp 12 ăn gì trước đi thi để gặp may mắn?
(Dân trí) - Ngoài việc trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng làm bài, nhiều em học sinh cũng rất "để ý" đến các món ăn đem lại may mắn trước khi đi thi.
Ăn hết những món ăn có chữ "đậu"
Mùa thi đến, nhiều sĩ tử khá quan tâm đến việc ăn gì trước khi thi để may mắn bởi quan niệm: "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành". Không ngoại lệ, em Lại Nhật Vi Thảo (học sinh trường THPT Ba Vì, Hà Nội) chia sẻ: "Em nhận thấy, cứ đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, không khí sôi nổi, rôm rả trên các diễn đàn mạng xã hội lại tăng đột biến với những câu hỏi về việc ăn gì trước kỳ thi để đạt may mắn và kết quả tốt nhất.
Em là người khá "tâm linh" nên đọc bài nào có những thực đơn cần tránh, em cũng sẽ né luôn. Không chỉ em quan tâm đến những thực đơn này mà cả bố mẹ cũng vậy. Những món ăn em dự định ăn để lấy may là tất cả những đồ ăn có chữ đậu, đỗ, đỏ.
Nếu ăn đỗ sẽ đỗ, ăn xôi gấc sẽ đỏ, ăn trứng dễ trượt... thì em cũng chỉ nửa tin nửa không. Bởi em nhận thấy điều quan trọng hơn là mình phải có một hành trang kiến thức đầy đủ và tâm lý vững vàng để có thể vượt qua kì thi một cách tốt nhất. Đã có lần đi thi, buổi sáng em ăn 2 quả trứng mẹ luộc và kết quả vượt cả ngoài mong đợi.
Tuy nhiên, đối với một kỳ thi lớn như tốt nghiệp THPT thì "tâm linh" chút cũng không sao phải không ạ? Miễn sao mình cảm thấy thật thoải mái khi bước vào phòng thi là được".
Không ăn trứng để tránh bỏ trống đề thi
Có phần cẩn thận hơn, em Bùi Như Ngọc (học sinh trường THPT Dân tộc nội trú Ba Vì, Hà Nội) chia sẻ: "Em rất quan tâm đến việc ăn gì để tăng vận may cho mình trước khi thi. Em định sẽ ăn kẹo đậu đỏ, kẹo sô-cô-la trước khi thi. Theo em, đây là hai thứ nên ăn bởi có từ đậu đỏ với ý nghĩa là nhất định thành công.
Bình thường, trước mỗi kỳ thi, em cũng rất có niềm tin ăn những món ăn như xôi gấc và xôi đỗ vì nó chứa những từ may mắn.
Và đặc biệt, em không bao giờ ăn trứng trước khi đi thi. Vì trứng giống số 0 và khi rán hay khi luộc trứng đều sẽ có màu trắng. Do đó, em không ăn trứng để tránh để trắng những câu hỏi trong đề thi".
"Ngại gì mà không thử"
Là một trong những thí sinh cũng đặt nhiều quan tâm đến thực đơn ăn uống trước khi thi, em Nguyễn Kim Anh (thí sinh xét tuyển vào ĐH Thương Mại) chia sẻ: "Điều em quan tâm đến thực đơn các món ăn bởi một phần em tin vào sự may mắn ấy và một phần nó cũng giúp cho chúng ta có một bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Vậy nên tại sao em không thử?
Những món ăn mà em dự định ăn trong lần thi quan trọng trong cuộc đời của mình là: xôi gấc, đậu đỏ, đu đủ… Tuy không hoàn toàn tin vào tâm linh nhưng em nghĩ ngại gì mà không thử, biết đâu may mắn sẽ đến thì sao".
Liên hệ với thí sinh Huyền Thương (học sinh trường THPT Ba Vì, Hà Nội), em cho biết: "Trên đây là những món ăn vừa đảm bảo dinh dưỡng, lại vừa có yếu tố may mắn nên em đã ghi lại cẩn thận vào mục ghi chú trong điện thoại. Để dù có bận rộn hay lo lắng khi đi thi nhưng em không quên bổ sung năng lượng và có một chút tâm linh khiến tinh thần tự tin và thoải mái hơn".
Mỗi sĩ tử có một lựa chọn riêng trong ẩm thực và niềm tin để có thể tự tin khi bước vào phòng thi. Quan trọng nhất là sĩ tử giữ cho mình tinh thần thoải mái, bình tĩnh khi làm bài để có được kết quả tốt nhất, xứng đáng với nỗ lực của các em trong suốt 12 năm học.
"Những món ăn ngày thi không hẳn mang tính tâm linh mà đó là đúc rút kinh nghiệm từ các sĩ tử thế hệ trước"
Chia sẻ về chủ đề này, Tiến sĩ Chu Đức Hà (giảng viên khoa Công nghệ nông nghiệp, ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội) lý giải: "Theo quan điểm của tôi, thực đơn ăn gì ngày thi một phần là vấn đề tâm linh do từ ngữ các món ăn đa nghĩa.
"Đỗ" là một thực phẩm rất dễ tiêu và dễ hấp thụ, phù hợp cho những bữa ăn cận ngày thi của thí sinh. Hay các thực phẩm "màu đỏ" như dưa hấu, thịt bò… đều rất giàu dinh dưỡng, nhiều sắt (tốt cho máu) giúp thí sinh đủ năng lượng và lưu thông máu tốt trong những ngày "thử lửa". Vì vậy, những món ăn ngày thi cũng không hẳn tâm linh mà đó là đúc rút kinh nghiệm từ các sĩ tử thế hệ trước.
Có thể nhận thấy, thế hệ xưa, khi bữa ăn còn đạm bạc thì hiển nhiên ngày sĩ tử đi thi phải nạp đủ dinh dưỡng hơn bình thường một chút để bồi bổ hơn.
Ngày nay, khi chất lượng cuộc sống đã được cải thiện rất tốt, chế độ ăn dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày đã được đảm bảo, dường như "phong tục" đó đã dần bị phai nhạt. Theo một cách nào đó, tôi nghĩ rằng không nên gọi là phong tục mà là cách phụ huynh chăm sóc các sĩ tử lần cuối trước khi "bơi ra bể lớn"".