Sau “vết chàm” 2018, năm nay Sơn La chống tiêu cực thi cử ra sao?

(Dân trí) - Theo đại diện Sở GD&ĐT Sơn La, dự kiến năm nay thanh tra tỉnh sẽ giám sát, công an sẽ kiểm tra lý lịch của từng cán bộ được lựa chọn coi, chấm, thanh tra và giám sát kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.

Sau “vết chàm” 2018, năm nay Sơn La chống tiêu cực thi cử ra sao? - 1

Ông Trần Văn Trọng - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Sơn La (Ảnh: Trần Thanh).

Sau gần 2 năm kể từ bê bối gian lận thi cử THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Sơn La, đến nay nhiều người từng là giáo viên, cán bộ, lãnh đạo ngành Giáo dục của tỉnh này bị đưa ra xét xử vì cáo buộc về tội “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” vì rút bài, sửa điểm cho 44 thí sinh. Dự kiến, vào lúc 8h ngày mai 29/5, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Sơn La sẽ tuyên án các bị cáo trên.

Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cho biết, vụ gian lận điểm thi xảy ra năm 2018 khiến nhiều cán bộ ngành Giáo dục bị áp lực, lo lắng khi tham dự công tác tuyển sinh.

Để tìm hiểu rõ hơn về công tác chuẩn bị, cũng như những "điểm mới" trong việc đảm bảo an ninh cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, phóng viên Dân trí đã có buổi làm việc với ông Trần Văn Trọng - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Sơn La.

Theo ông Trọng, để phòng chống tiêu cực, dự kiến trong kỳ thi năm 2020, thanh tra tỉnh sẽ giám sát, công an sẽ kiểm tra lý lịch của từng cán bộ được lựa chọn coi, chấm, thanh tra và giám sát kỳ thi.

Sau “vết chàm” 2018, năm nay Sơn La chống tiêu cực thi cử ra sao? - 2
Sau “vết chàm” 2018, năm nay Sơn La chống tiêu cực thi cử ra sao? - 3

Khu vực cổng chính Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La được thay đổi kể từ sau bê bối thi cử năm 2018 (Ảnh: Trần Thanh).

"Đơn vị đã tổ chức tuyển chọn cán bộ coi, chấm thi theo các tiêu chí nghiêm ngặt. Cụ thể, Sở thành lập tổ công tác nghiên cứu, tham mưu chuẩn bị các điều kiện cho kỳ thi 2020 do lãnh đạo Sở làm tổ trưởng.

Ngoài phân tích, tổng hợp, đánh giá số liệu về chất lượng học sinh để lên phương án bổ trợ, tổ này còn rà soát phẩm chất chính trị, năng lực từng cán bộ, giáo viên để bố trí tham gia công tác coi, chấm, thanh tra và giám sát thi.

Sở tuyệt đối không lựa chọn cán bộ có con, cháu ruột trong gia đình dự thi năm 2020 tham gia công tác tuyển sinh. Những cán bộ có liên quan tới vụ gian lận điểm thi năm 2018 cũng không được tham gia công tác này”, ông Trọng nói.

Cũng theo ông Trọng, năm 2020 tại Sơn La có 31 điểm trường THPT, 10 trường nội trú và 1 trường dân lập có học sinh dự thi.

Toàn tỉnh năm 2020 có 33 điểm thi, 470 phòng thi, 1100 cán bộ coi thi và có 250 lãnh đạo thư ký điểm thi, ngoài ra còn có các thanh tra tỉnh giám sát việc thi (tuy nhiên đây mới là dự kiến nên chưa có số liệu thống kê cụ thể).

12 bị cáo từng là giáo viên, cán bộ, lãnh đạo ngành Giáo dục của tỉnh Sơn La bị đưa ra xét xử trong vụ án gian lận thi cử năm 2018 gồm: Trần Xuân Yến (cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT), Đỗ Khắc Hưng (cựu Trung tá, cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La), Lò Văn Huynh (cựu phó trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT), Cầm Thị Bun Sọn (cựu phó trưởng Phòng Chính trị tư tưởng), Nguyễn Thanh Nhàn (cựu phó trưởng Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục), Đinh Hải Sơn (cựu Thiếu tá, cựu đội phó đội Giáo dục Phòng an ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La), Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục), Đặng Hữu Thủy (nguyên Hiệu phó Trường THPT Tô Hiệu). 8 người này bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.

Các bị can Huynh, Nga, Sọn bị truy tố thêm tội nhận hối lộ.

4 người bị truy tố về tội đưa hối lộ là Nguyễn Minh Khoa (nguyên cán bộ Công an tỉnh Sơn La), Hoàng Thị Thành (nguyên cán bộ Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai), Trần Văn Điện (giáo viên), Lò Thị Trường (làm tự do).

Trần Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm