Sắp hết "thừa thầy, thiếu thợ"?

Theo khảo sát sơ bộ của một số địa phương, năm nay điều bất ngờ là thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp (không thi đại học) chiếm tỉ lệ khá cao. Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nhận định, thực tế này sẽ làm giảm tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.

Một số chuyên gia cho rằng, nhiều thí sinh chỉ có nguyện vọng thi lấy bằng tốt nghiệp để đi học nghề khiến tỉ lệ học sinh chỉ thi xét tốt nghiệp tăng lên.
Một số chuyên gia cho rằng, nhiều thí sinh chỉ có nguyện vọng thi lấy bằng tốt nghiệp để đi học nghề khiến tỉ lệ học sinh chỉ thi xét tốt nghiệp tăng lên.

Những con số gây chú ý

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình, năm nay khá bất ngờ vì có 8.049 thí sinh dự thi thì trong đó có tới 5.558 thí sinh (chiếm 69,1%) đăng ký dự thi chỉ nhằm mục đích xét tốt nghiệp. Trong khi, kỳ thi THPT quốc gia 2015, địa phương này có tỉ lệ thí sinh dự thi chỉ nhằm xét tốt nghiệp chiếm 55%. Trong đó có trường có tới 100% học sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp.

Tại tỉnh Hà Giang, năm nay địa phương có khoảng 6.700 thí sinh đăng ký dự thi thì chỉ có 1.800 thí sinh (26,8%) thi nhằm mục đích tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ. Như vậy, số thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp lên tới 73,2%.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Kạn Đoàn Văn Hương cho biết, năm nay sẽ có khoảng 50% thí sinh đăng ký dự thi cụm thi ĐH, 50% thí sinh thi cụm thi địa phương. Tỷ lệ học sinh chỉ có nguyện vọng thi tốt nghiệp như vậy khá cao tuy nhiên đây là con số phản ánh mong muốn, nguyện vọng của học sinh.

Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang cho hay với khoảng 17.000 thí sinh đăng ký dự thi (chưa kể học sinh Trung tâm giáo dục thường xuyên và thí sinh tự do) năm nay có khoảng 55% thí sinh dự thi chỉ nhằm xét tốt nghiệp, 45% thí sinh thi với hai mục đích. Tại Hà Nội năm nay có 66.006 thí sinh dự thi thì trong đó có 14.716 thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp, tăng nhiều so với năm 2015.

Chuyển biến trong hướng nghiệp?

Lý giải nguyên nhân năm nay tỉ lệ thí sinh dự thi tốt nghiệp khá cao, đại diện Sở GD&ĐT Hòa Bình cho rằng, nguyên nhân khiến năm nay học sinh ít mặn mà với cụm thi hai mục đích là do các trường đã làm tốt công tác phân luồng. Trong năm học Sở GD&ĐT yêu cầu các trường tuyên truyền cho học sinh nắm tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, tỉ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp để có định hướng, lựa chọn đúng đắn. Tại Hòa Bình, năm qua có nhiều doanh nghiệp lớn…về tận các trường học, tổ chức hội thảo, việc làm, mức lương.

“Có học sinh thấy tốt nghiệp THPT đi học thợ may, sau 6 tháng có ngay việc làm với mức lương 6-7 triệu phù hợp hơn với việc cố chen chân vào ĐH mà khả năng trúng tuyển mong manh”, vị lãnh đạo này nói.

Một lý do nữa là rút kinh nghiệm từ kỳ thi THPT quốc gia 2015, năm nay thí sinh chọn con đường chỉ thi xét tốt nghiệp tâm lý sẽ nhẹ nhàng hơn, tránh được phiền hà trong giai đoạn rút, nộp hồ sơ và cũng có nhiều cơ hội vào ĐH, CĐ. Một số chuyên gia cho rằng, nhiều thí sinh chỉ có nguyện vọng thi lấy bằng tốt nghiệp để đi học nghề khiến tỉ lệ học sinh chỉ thi xét tốt nghiệp tăng lên.

Bên cạnh đó, năm nay có thêm nhiều trường ĐH tuyển sinh theo phương thức riêng, không dựa vào kết quả kỳ thi chung. Cụ thể như ĐH Quốc gia Hà Nội thi tuyển theo hình thức đánh giá năng lực, nhiều trường đã dựa vào kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh. Một số trường tuyển sinh bằng phương thức xét tuyển học bạ…cũng thu hút một tỉ lệ không nhỏ thí sinh không tham dự kỳ thi hai mục đích.

Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, đánh giá, học sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp có tỉ lệ cao tập trung vào các địa phương khó khăn. Điều này cũng phản ánh được việc phân luồng ngày càng tốt hơn trong các trường THPT. Nếu làm tốt, tương lai sẽ giảm được tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.

Theo Nguyễn Hà

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm