"Sáng nào con tôi cũng không chịu dậy đi học"

Vĩnh Ngọc

(Dân trí) - "Con trai tôi đã 12 tuổi nhưng sáng nào tôi cũng phải "đánh vật" với con vì con tôi không chịu thức giấc để đi học", một phụ huynh chia sẻ.

Một phụ huynh tâm sự: "Tôi có một cậu con trai năm nay đã 12 tuổi nhưng sáng nào cậu bé cũng không chịu dậy đi học. 

Con tôi không gặp vấn đề gì với trường học, nó học khá và có rất nhiều bạn bè ở lớp nhưng cứ buổi sáng là tôi và con lại rơi vào "trận chiến". Rất vất vả, tôi mới có thể đánh thức con dậy.

Chúng tôi cố gắng để con đi ngủ lúc 10 giờ tối nhưng có những đêm, con tôi muốn thức đến 11 giờ khuya và vợ chồng tôi cũng không thể ép buộc con đi ngủ sớm hơn.

Sáng nào nhà tôi cũng như đang có chiến tranh khiến tôi rất mệt mỏi. Tôi đã tịch thu tất cả đồ chơi của con như một hình phạt nhưng nó không hiệu quả. Xin hãy giúp tôi".

Sáng nào con tôi cũng không chịu dậy đi học - 1

Nhiều trẻ nhỏ gặp khó khăn khi phải thức giấc vào buổi sáng sớm (Ảnh minh họa: iStock).

Giáo sư John Sharry, người chuyên về vấn đề gia đình và nuôi dạy con cái, cộng tác viên cho đài phát thanh và các phương tiện truyền thông ở Ireland, chia sẻ: "Câu hỏi của bạn minh họa vòng luẩn quẩn xung quanh giờ đi ngủ và giờ thức giấc. Nếu trẻ đi ngủ muộn, chúng sẽ ngủ không ngon giấc và vì thế, sáng hôm sau, chúng rất mệt mỏi, kiệt sức và hay cáu kỉnh.

Hơn nữa, bạn càng có nhiều cuộc chiến với con về vấn đề đi ngủ, trẻ càng thích chống cự và càng trở nên kích động, khó có thể thư giãn và đi ngủ được. Điều này làm tăng các vấn đề về hành vi vào ban đêm và buổi sáng.

Ngoài ra, những trận chiến trước khi đi ngủ và buổi sáng còn ảnh hưởng đến cha mẹ, những người vốn đã mệt mỏi vì nhiều áp lực trong cuộc sống và ít có khả năng phản ứng mọi việc một cách bình tĩnh và hiệu quả.

Khi cố gắng phá vỡ thói quen xấu này của con, điều quan trọng là bố mẹ nên tạm dừng, lùi lại một bước và tìm những cách phản ứng mới và khác biệt.

Thống nhất một kế hoạch mới với con trai của bạn

Điều đầu tiên cần làm là tìm một thời điểm cả bạn và con đều bình tĩnh, vui vẻ và nói với con về việc bạn muốn lập một kế hoạch.

Hãy thừa nhận với con rằng những trận chiến trước khi đi ngủ và vào buổi sáng là rất căng thẳng đối với con cũng như đối với bạn và vì thế, cả hai bên phải tìm ra cách giải quyết mọi việc tốt hơn. Lắng nghe cảm xúc, chia sẻ của con và khuyến khích con đưa ra một số giải pháp.

Điều quan trọng là hãy thực hiện một cuộc trò chuyện mang tính xây dựng với con và đừng cố gắng sắp xếp mọi thứ chỉ trong một lần trao đổi. Để giải quyết một vấn đề khó, bạn và con có thể sẽ phải nói chuyện thêm lần nữa.

Đi ngủ sớm hơn  

Khi trẻ nổi cáu và không muốn thức dậy vào buổi sáng, điều đó thường có nghĩa là giờ đi ngủ của chúng đã quá muộn. Có thể nói rằng, việc con trai bạn đi ngủ lúc 10 giờ tối là quá muộn, trẻ nhỏ nên đi ngủ lúc 8 rưỡi hoặc 9 giờ tối sẽ tốt hơn.

Vì việc đi ngủ sớm có thể là một cú sốc đối với cậu bé nên bạn hãy từng bước một, cho con đi ngủ sớm hơn mỗi ngày.

Ví dụ, bạn có thể nói: "Sáng nay bố/mẹ thấy con rất mệt. Vì vậy bố/mẹ cần cho con đi ngủ sớm hơn. Hôm nay con đi ngủ sớm hơn 10 phút nhé, dần dần, con sẽ thức dậy vui vẻ và dễ dàng vào buổi sáng".

Dần dần, khi bạn có thể điều chỉnh giờ đi ngủ của con vào 8 rưỡi hoặc 9 giờ tối, việc thức giấc của con sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Để động viên con, bạn nên đồng ý thưởng cho con khi con đi ngủ sớm. Bạn có thể nói: "Để giúp con tiến bộ, mỗi đêm, nếu con đi ngủ đúng giờ đã thỏa thuận, bố/mẹ sẽ cho con một điểm. Con có thể đổi điểm thành vé xem phim, món ăn ngon vào cuối tuần".

Thiết lập một hệ thống hậu quả  

Thay vì "đánh vật" với con mỗi ngày về việc đi ngủ và thức giấc. Tốt hơn là bạn nên thiết lập một hệ thống các hậu quả khi mọi thứ không theo kế hoạch. Chìa khóa để sử dụng các hậu quả là đảm bảo rằng bạn không bao giờ tước bỏ tất cả các đặc quyền của con cùng một lúc.

Ví dụ, nếu bạn lấy đi tất cả đồ chơi của con chỉ sau một lần con không thức dậy đúng giờ thì hậu quả đó sẽ không còn để sử dụng nữa. Tốt hơn là bạn chỉ tịch thu một vài món đồ chơi để trẻ tiếc nuối và có mục tiêu phấn đấu.

Ví dụ: Bạn có thể nói rằng: "Cứ mỗi phút con dậy muộn vào buổi sáng, ngày hôm đó con sẽ mất một phút xem TV hoặc chơi điện tử, xem máy vi tính".

Lập kế hoạch cho mỗi buổi sáng 

Là cha mẹ, bạn nên lên kế hoạch cho tất cả các việc phải làm vào buổi sáng từ tối hôm trước. Vậy thì khi bạn thức dậy, bạn có thể bình tĩnh giải quyết từng việc một và có thời gian cho con trải nghiệm hậu quả của việc dậy muộn.

Ví dụ, bạn có thể chỉ cần nhắc con dậy một lần và sau đó, nếu con đi học muộn, bạn hãy giữ bình tĩnh và để con chịu hậu quả do nhà trường đề ra.

Nếu bạn phải đi làm sớm và con vẫn thức dậy muộn, bạn có thể xin phép sếp cho bạn đến muộn ít phút trong những ngày bạn đang tập đưa con vào nề nếp. Khi bạn đi làm muộn vì con dậy muộn, bạn hãy cho con biết rằng việc con thức dậy muộn làm ảnh hưởng tới cả bạn và con. Vì thế con sẽ bị phạt là mất thời gian xem TV hoặc cắt tiền tiêu vặt trong tuần.

Khi bạn lên kế hoạch mỗi ngày, bạn sẽ có được sự bình tĩnh và kiểm soát vào buổi sáng, đồng thời đảm bảo rằng con bạn bắt đầu cảm nhận được hậu quả của hành động của mình.

Cả nhà có thời gian buổi tối thoải mái

Đảm bảo rằng gia đình bạn có một khoảng thời gian thư giãn vào buổi tối trước khi đi ngủ. Buổi tối nên là thời gian kết nối cho các thành viên trong gia đình. Ví dụ, bạn dành thời gian đọc sách hoặc trò chuyện với con trai mình trước khi con đi ngủ.

Ngoài ra, hãy khuyến khích con đọc những cuốn truyện vui vẻ hoặc nghe nhạc để có cảm giác thư thái trước giờ đi ngủ.

Theo Talk