Sáng đèn dạy thêm
Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu giáo viên không đánh giá học sinh bằng điểm số, cuối năm không còn danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến và trước đó đã cấm dạy thêm đối với trường dạy 2 buổi/ngày nhưng việc dạy thêm, học thêm không hề giảm.
Hơn 20 giờ, khảo sát tại nhiều trường tiểu học, THCS khu vực quận 1, quận 3, TPHCM, chúng tôi nhận thấy hầu như trường nào cũng sáng đèn dạy thêm. Chờ con trước cổng Trường Tiểu học Trần Quang Diệu (quận 3), một phụ huynh tên Minh cho biết con chị đang học một trường THCS tại quận 1 nhưng thầy giáo dạy thêm thuê địa điểm tại trường này để dạy nên chị sắp xếp cho con theo học.
Có cầu ắt có cung
Cách đó không xa, trong một con hẻm tại đường Lê Văn Sỹ, nhiều học sinh tập trung học thêm tại nhà riêng của một thầy giáo dạy toán có tiếng của Trường THCS D. (quận 1). Trà My, học sinh Trường THCS Trần Văn Ơn, cho biết: “Em đang học với khoảng 15 bạn ở các trường khác. Thầy giáo này rất nổi tiếng và không phải ai thầy cũng nhận. Trước khi em xin học, phải làm một bài kiểm tra xem trình độ đến đâu thầy mới đồng ý”.
Trong khi đó, tại Nhà Thiếu nhi quận 4 - nơi được khá nhiều giáo viên (GV) thuê làm địa điểm dạy thêm - tại nhiều lớp, cô trò vẫn miệt mài dạy và học cho dù ngoài sân, nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao rất ồn ào, náo nhiệt.
Cô T., GV một trường tiểu học ở quận Gò Vấp, bày tỏ: “Lớp tôi dạy thêm khoảng 15 em, chủ yếu là con, cháu của người quen gửi, không có học sinh trong trường. Rõ ràng phụ huynh có nhu cầu gửi con mà GV dạy thêm thì cứ lén lút, nơm nớp lo sợ”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy học thêm một phần xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh khi họ kỳ vọng ở con mình và sợ con thua kém bạn bè. Hơn nữa, trong khoảng thời gian từ 16 giờ 30 phút, rất ít phụ huynh có thể đón con nên rõ ràng là nhu cầu học thì ít mà nhờ cô trông con thì nhiều.
Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, cho biết học sinh tiểu học, ở lứa tuổi còn nhỏ, tinh thần tự học rất kém, có khi không sợ cha mẹ nhưng nghe lời thầy cô. Nhiều gia đình không có điều kiện kèm con học thì con sẽ dán mắt vào tivi. Vì thế cho con đi học thêm còn là nhu cầu thực sự của phụ huynh chứ không hẳn do GV gợi ý, bắt ép.
Đồng quan điểm, ThS Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM, cho rằng ở các huyện ngoại thành, tình trạng học thêm ít hơn hẳn do phụ huynh có điều kiện đón con. Học thêm chủ yếu ở các quận nội thành, nơi nhiều gia đình bị áp lực về thời gian đến mức không thể đón con.
Trường học 2 buổi/ngày vẫn dạy thêm
Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT cấm dạy thêm đối với các trường dạy 2 buổi/ngày, tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi, tại rất nhiều trường có dạy bán trú (2 buổi/ngày), các lớp học vẫn sáng đèn và nườm nượp cảnh đón con sau 20 giờ.
Lý giải điều này, bà Võ Ngọc Thu, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 5, cho rằng cần phải hiểu kỹ về chương trình 2 buổi. Thật ra, buổi thứ hai là dành để dạy tiếp, ôn luyện kiến thức buổi sáng. Một số môn như tiếng Việt, GV dạy buổi sáng không hết thì buổi chiều dạy tiếp. Thời khóa biểu sắp xếp là cho chương trình 2 buổi chứ không phải buổi thứ hai là dạy thêm.
“Bộ GD-ĐT quy định các địa phương phấn đấu đến năm 2015, các trường tiểu học đều tổ chức dạy 2 buổi/ngày nhưng Thông tư 17 của bộ lại cấm dạy thêm đối với các trường hợp dạy 2 buổi/ngày, chủ yếu ở bậc tiểu học thì rõ ràng không công bằng với GV tiểu học” - bà Thu nói. Theo bà Thu, trước khi UBND TPHCM có Quyết định 21 về dạy thêm, học thêm, GV bậc tiểu học thiệt thòi rất nhiều so với bậc THCS và THPT. Thu nhập của GV THPT từ dạy thêm có thể lên đến hàng trăm triệu đồng/tháng trong khi GV tiểu học thì rất bọt bèo, mà theo Thông tư 17 của bộ, dạy thêm bị cấm dẫn đến tình trạng phải dạy lén lút.
“GV nên đăng ký dạy nhiều ca nhưng số lượng mỗi ca cần phải đúng như cam kết. Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT không còn đánh giá học sinh bằng điểm số, cuối năm không còn danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến. Vì vậy, phụ huynh không nên cho con đi học thêm chỉ vì điểm số. Chỉ khi phụ huynh nghĩ thông thoáng thì chuyện dạy thêm, học thêm mới đỡ nặng nề” - bà Thu nói.
Hiệu trưởng quản không xuể
UBND TPHCM đã ra Quyết định 21 quy định về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn TPHCM. Theo đó, đối với hoạt động dạy kèm cho học sinh theo yêu cầu của cha mẹ học sinh được miễn cấp giấy phép dạy thêm nhưng phải báo cáo bằng văn bản với thủ trưởng cơ quan quản lý GV đó; đồng thời phải báo cáo và cam kết với UBND xã, phường, thị trấn nơi đặt điểm dạy kèm, thực hiện các quy định về dạy thêm ngoài nhà trường và có trách nhiệm giữ gìn trật tự, an ninh, bảo đảm vệ sinh môi trường nơi tổ chức dạy kèm.
Quy định này được xem là thoáng cho GV nhưng làm khó cho hiệu trưởng vì không thể quản lý xuể. Bà Phạm Thúy Hà phân tích chẳng hạn khi đăng ký dạy thêm với hiệu trưởng, GV đăng ký 10 học sinh nhưng dạy 15 hoặc 20 thì hiệu trưởng không biết được. |
Theo Đặng Trinh
Người Lao Động