Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 39 (IPhO 2008):
Sân nhà - Việt Nam có thiệt thòi?
(Dân trí) - Sáng 21/7, Kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 39 chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). Để chuẩn bị cho lễ khai mạc hoành tráng này, Ban tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam đã phải trải qua nhiều đêm không ngủ...
“Vàng”: Liệu có bội thu?
Một trong những áp lực lớn nhất đối với nước chủ nhà Việt Nam là liệu khi bội thu số huy chương vàng tại kỳ thi Olympic Vật lý lần này thì có bị đặt dấu hỏi: “Phải chăng do thi ngay tại sân nhà và đề thi lại cũng do người trong nhà ra?”, mặc dù, “vàng” là điều mà tất cả thí sinh dự thi, ngành giáo dục và toàn xã hội đều muốn nhưng để vượt qua được “rào cản” này quả là điều không dễ dàng.
Tại IPhO 2008, các nhà vật lý Việt Nam chịu trách nhiệm xây dựng đề thi, sau đó các nhà vật lý quốc tế sẽ thẩm định và lựa chọn đề thi chính thức trong số các đề mà Việt Nam đưa ra. Ngoài phần thi lý thuyết còn có phần thi thực hành, nước chủ nhà Việt Nam cũng gánh trách nhiệm chế tạo hơn 300 thiết bị phục vụ các thí sinh quốc tế làm bài thi thực hành. Việc đảm bảo mỗi thí sinh có một bộ thiết bị tương đương nhau, độ chính xác đồng đều tuyệt đối là một áp lực đối với nước chủ nhà.
Tại kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 38, 5 học sinh đoàn Việt Nam đã đoạt 4 huy chương gồm 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 1 giải khuyến khích, đoàn đứng thứ 5 trong gần 70 nước tham dự. Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 37 kết quả có vẻ buồn hơn khi đoàn Việt Nam chỉ giành bốn tấm huy chương đồng. Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 36 đoàn Việt Nam giành 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 1 huy chương đồng.
Theo TS Trần Văn Nghĩa, Phó trưởng ban Tổ chức IPhO 2008, cho dù là nước chủ nhà, chịu trách nhiệm ra đề thi nhưng đoàn Việt Nam chỉ có lợi thế duy nhất là nếp sinh hoạt, ăn uống không thay đổi nhiều. Ngược lại, năm nay, đội tuyển Việt Nam còn chịu “thiệt thòi” khi những giáo sư, nhà khoa học đầu ngành Vật lý đều phải tập trung làm đề, không huấn luyện đội tuyển. Dù vậy, ngay trước kỳ thi, các thành viên đội tuyển tỏ ra khá thoải mái và tự tin.
Như vậy, không như các kỳ thi Olympic Toán Quốc tế, đoạt được những tấm huy chương vàng Vật lý đối với Việt Nam là một điều còn vô cùng gian nan.
IPhO 2008 là sự kiện đối ngoại lớn nhất của giáo dục Việt Nam năm 2008
Đề thi của IPhO 2008 được soạn thế nào?
Ông Trần Văn Nghĩa - Phó Trưởng ban tổ chức IPhO, Phó Cục trưởng cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD- ĐT cho biết: “Đề thi sẽ bao gồm lý thuyết và thực nghiệm, mỗi đề thi làm trong thời gian 300 phút. Đề thực nghiệm gồm một đề lớn, hai đề nhỏ.
Để xây dựng đề thi cho IPhO 2008, Ban tổ chức đã phải huy động các thầy giỏi, các chuyên gia về vật lý. Công việc làm đề đã phải tiến hành từ cách đây một năm, trong điều kiện bảo mật.
Tiêu chí đặt ra khi ra đề thi này phải tránh những phần dễ gây tranh cãi, đảm bảo tính chính xác khoa học, nội dung kiến thức đề cập phải nằm trong mảng kiến thức thí sinh các nước đều được học nhưng có khả năng phân hóa thí sinh.
Ban phản biện đề là các chuyên gia vật lý hàng đầu của VN, một số giáo sư nước ngoài, những cựu học sinh từng đoạt giải vàng trong các kỳ thi vật lý quốc tế trước đó. Sự có mặt của các cựu học sinh giỏi vào vị trí phản biện nhằm đảm bảo cho đề thi phù hợp với đối tượng thí sinh dự thi. Sau đó, Đề thi phải được thông qua hội đồng quốc tế.
Ngoài các Việt kiều được mời với tư cách khách mời, có ba chuyên gia Việt kiều sẽ được mời vào vị trí chấm thi. Đó là GS Đàm Thanh Sơn (Trường ĐH Washington-Seattle, Mỹ), GS Nguyễn Thị Quê Hương (ĐH Marshall, Mỹ) và GS Phan Lê Kim (ĐH Twente, Hà Lan). Ngoài các GS Việt kiều, ban chấm thi sẽ có các giáo viên giỏi của VN”.
Đoàn Trần