Samsung biến tư duy thiết kế trở thành văn hóa trong cải tiến

Trường Thịnh

(Dân trí) - Trong bối cảnh môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh, doanh nghiệp luôn tìm kiếm những phương pháp đổi mới sáng tạo và tạo ra giá trị đột phá. Một trong những giải pháp đang ngày càng được chú ý là Tư duy thiết kế (Design Thinking).

Các công ty đa quốc gia như Apple, Google, Samsung, IBM,… đều đang ứng dụng Design Thinking trong các hoạt động. Tại Việt Nam, phương pháp này cũng được Samsung đẩy mạnh với tôn chỉ "luôn hướng tới con người là trọng tâm trong cải tiến các vấn đề."

Thấu cảm với khách hàng - cảm hứng phát triển cho dự án Design Thinking

Tháng 11, chị Nguyễn Thị Tuyết Hường cùng 9 thành viên khác của nhà máy Samsung tại Thái Nguyên (SEVT) đã giành giải cao nhất trong cuộc thi đổi mới sáng tạo Samsung Design Thinking 2024 tại SEVT với dự án "Hiệu quả hóa công việc thông qua hệ sinh thái dữ liệu thông minh".

Dự án được triển khai từ tháng 8/2024. Sau khi lắng nghe nguyện vọng, thu thập ý kiến từ nhân viên xử lý dữ liệu, từ đó xây dựng và phát triển hệ thống nội bộ, tiến tới áp dụng trên quy mô nhỏ, theo dõi phản hồi và cải tiến, nhóm đã cơ bản hoàn thiện được giải pháp giúp hiệu quả hóa công việc cho các nhân viên xử lý dữ liệu lên 130%, tăng mức độ hài lòng của nhân viên trong công việc, tăng độ tin cậy của dữ liệu, tiết kiệm thời gian xử lý báo cáo.

Samsung biến tư duy thiết kế trở thành văn hóa trong cải tiến - 1

Cuộc thi Samsung Design Thinking 2024 (SEVT).

Dự án của nhóm chị Hường áp dụng phương pháp Design Thinking - là phương pháp tư duy giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, tập trung vào khách hàng thay vì các sản phẩm. Trong trường hợp này, khách hàng của nhóm là những đồng nghiệp phụ trách xử lý dữ liệu tại hiện trường sản xuất.

Việc được tiếp cận với Design Thinking tại Samsung đã giúp các thành viên trong nhóm thay đổi tư duy và đưa ra nhiều ý tưởng cải tiến mới. Thay đổi quan trọng nhất mà các thành viên nhận được chính là cách rèn luyện tư duy đúng khi giải quyết vấn đề. "Nếu như trước đây khi có vấn đề cần giải quyết chúng tôi sẽ suy nghĩ làm cách nào để nhanh chóng tháo gỡ, thì giờ đây sau khóa học chúng tôi đã biết cách áp dụng vòng lặp bao gồm 5 bước thấu hiểu, định nghĩa, sáng tạo, mô hình hóa và kiểm thử để đưa ra ý tưởng giải quyết vấn đề. Mỗi lần áp dụng vòng lặp này, chúng tôi lại thấy ý tưởng cải tiến được tối ưu hơn", chị Hường cho biết thêm.

Đẩy mạnh Design Thinking trong hoạt động cải tiến

Dự án của nhóm nằm trong hơn 400 dự án cải tiến áp dụng Design Thinking được triển khai tại hai nhà máy Samsung Electronics tại Bắc Ninh và Thái Nguyên trong năm 2024. Ước tính, những dự án này góp phần giúp hai nhà máy tiết kiệm được hàng chục triệu USD/năm.

Bên cạnh đó là các hiệu quả như: nâng cao mức độ hài lòng của nhân viên, cải thiện môi trường làm việc, thúc đẩy phong trào cải tiến, đổi mới, sáng tạo. Đáng chú ý, Samsung Việt Nam tiếp cận phương pháp này cách đây chỉ hơn 1 năm nhưng những hiệu quả hữu hình và vô hình mà nó mang lại đã chứng minh được sự đúng đắn của doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh Design Thinking.

Samsung biến tư duy thiết kế trở thành văn hóa trong cải tiến - 2

Hoạt động đào tạo về Design Thinking tại Samsung Việt Nam.

Lý giải cho quyết tâm triển khai Design Thinking tại Samsung Việt Nam, ông Ryu Il Gon, Phó tổng giám đốc Hành chính Nhân sự SEVT cho biết: "Sản xuất vốn là một lĩnh vực thiên về tính kỷ luật và quy trình, nhưng chúng tôi nhận ra rằng, để tạo ra sự khác biệt và bền vững, yếu tố sáng tạo và lấy khách hàng làm trung tâm cần được đặt lên hàng đầu.

Design Thinking, với trọng tâm là con người và tư duy đổi mới, đã mở ra cho chúng tôi một cách tiếp cận mới để giải quyết các vấn đề phức tạp trong sản xuất".

Samsung biến tư duy thiết kế trở thành văn hóa trong cải tiến - 3

Ông Ryu Il Gon cho rằng Design Thinking đã mở ra cách tiếp cận mới để giải quyết các vấn đề trong sản xuất.

Trên tinh thần đó, hai nhà máy SEV và SEVT liên tục tổ chức các chương trình tập huấn cùng chuyên gia từ công ty mẹ, mở các khóa đào tạo, hội thảo để chia sẻ kiến thức và đẩy mạnh thực hành áp dụng vào thực tế. Nhóm Design Thinking Facilitator gồm 29 thành viên giàu kinh nghiệm trong các lĩnh vực cải tiến hiện trường, đóng vai trò phát triển và lan tỏa Design Thinking tại công ty.

Cùng với đó, lực lượng giảng viên nội bộ, các cán bộ phụ trách cải tiến cũng giúp Design Thinking được phổ biến tới toàn bộ nhân viên công ty. Tổng giám đốc Samsung Electronics Việt Nam khuyến khích nhân viên của mình biến Design Thinking trở thành văn hóa trong hoạt động cải tiến tại Samsung.

Samsung biến tư duy thiết kế trở thành văn hóa trong cải tiến - 4

Design Thinking được áp dụng vào thực tế tại Samsung Việt Nam.

Tiên phong trong cải tiến - chìa khóa của thành công

Cùng với Design Thinking, Samsung đang áp dụng nhiều phương pháp cải tiến đa dạng khác. Trước đó, Samsung cũng là doanh nghiệp tiên phong trong việc áp dụng phương pháp cải tiến 6sigma hay Triz tại Việt Nam. Các phương pháp này vẫn đang cho thấy hiệu quả rõ rệt nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp này ngừng tìm kiếm những phương pháp mới để theo đuổi sự ưu việt.

Tinh thần cải tiến được lan tỏa tới mọi vị trí làm việc tại Samsung. Tính đến hết tháng 11, 8.718 nhân viên đã tham gia cải tiến tại SEV và SEVT với 99.061 cải tiến đăng ký trên hệ thống quản lý Samsung toàn cầu. Trong đó, 198 cải tiến xuất sắc đã được áp dụng ở các nhà máy khác của Samsung trên toàn cầu. Theo đại diện công ty, quá trình cải tiến liên tục là một trong những bí quyết giúp Samsung trở thành doanh nghiệp hàng đầu thế giới.