Rút - nộp hồ sơ ĐKXT: Sẽ nảy sinh nhiều bất cập!
(Dân trí) - Quy định cho phép TS được rút - nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ năm 2011 mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành, nhiều trường đại học lo lắng cho rằng sẽ nảy sinh nhiều bất cập.
Trong thời hạn quy định xét tuyển 20 ngày, thí sinh (TS) được quyền rút hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) nếu thấy khả năng không trúng tuyển vào trường mình vừa nộp hồ sơ. Ngoài ra, các trường hàng ngày phải cập nhật thông tin hồ sơ ĐKXT lên trang web của trường và công khai cho các TS biết.
Việc rút hồ sơ này, theo ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, sẽ có thêm cơ hội vì các trường khác có thể chưa có nhiều hồ sơ, như vậy trường cũng thuận lợi đảm bảo đủ chỉ tiêu. TS có nhiều cơ hội xét tuyển và trúng tuyển hơn. Như vậy đều có lợi cho cả hai.
Tuy nhiên, không biết lợi cho cả hai hay không nhưng theo ông Nguyễn Thanh Nam, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách Khoa TPHCM, quy định, mới này của Bộ dễ khiến cả TS lẫn nhà trường đều mệt mỏi, căng thẳng mà hiệu quả thì chưa chắc được như mong đợi. TS sẽ chờ đến ngày cuối của đợt xét tuyển mới nộp hồ sơ. Như vậy trường lấy dữ liệu đâu để công khai và nếu trường vẫn thực hiện công khai vào thời điểm này thì con số sẽ là chưa đầy đủ. Và khi TS dựa vào “con số chưa đầy đủ” này để xin rút hoặc nạp hồ sơ thì sẽ dễ rơi vào tình trạng quá tải cho một số ngành hoặc ngược lại.
Đồng quan điểm trên, ông Lê Trọng Thắng, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Mỏ - Địa chất băn khoăn: “Việc cập nhật hồ sơ hàng ngày trên trang web, các trường đưa danh sách tên thí sinh lên hay đưa điểm của thí sinh lên? Nếu đưa điểm tự thống kê lên rất tốt nhưng có thể rơi vào vùng lấp lửng, thí sinh rút hồ sơ sẽ khó khăn cho việc chọn trường sau”.
Theo ý kiến từ Bộ GD-ĐT thì sẽ không giới hạn số lần rút hồ sơ, nhưng thí sinh chỉ được quyền rút và nộp hồ sơ trong thời gian quy định.
Trao đổi với Dân trí, ông Bùi Đức Hiền, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Điện lực cho hay: “Thực hiện rút hồ sơ xét tuyển như vậy thí sinh có lợi hơn 1 chút nhưng để thực hiện rất phức tạp. Thí sinh rút ra, rút vào nhiều lần. Bên cạnh đó, cán bộ tuyển sinh phải thường xuyên cập nhật các thông số hồ sơ rất vất vả. Chúng tôi dự kiến chỉ quy định cho thí sinh rút ra 1 lần và nộp vào 1 lần. Tuy nhiên, đây là quy định Bộ đưa ra thì phải thực hiện nhưng đến đâu chúng tôi hay đến đó, chưa nói trước được điều gì”.
Theo lãnh đạo của nhiều trường đại học, việc nộp hồ sơ xét tuyển, tâm lý của thí sinh thường nghe ngóng chờ gần đến ngày cuối cùng mới nộp hồ sơ nên ngày cuối của đợt xét tuyển dễ xảy ra tình trạng ùn tắc, quá tải…các trường không kịp cập nhật thông tin nên việc công khai thông tin của các trường không xác thực, không có lợi cho thí sinh. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có quy định đơn vị nào giám sát việc công bố thông tin của từng trường. Trong khi đó, Bộ cho mỗi trường có quyền tự quyết định và làm theo cách của riêng mình dễ nảy sinh bất cập. Đặc biệt, những TS ở xa trường, việc phải đến để xin rút - nộp hồ sơ sẽ gây tốn kém không ít.
Hồng Hạnh