Rớt đại học vì hạnh kiểm: ĐH Huế nên cho các em chuyển sang ngành học khác

(Dân trí) - Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Bộ GD& ĐT về sự việc nhiều thí sinh có kết quả thi đỗ vào Trường ĐH Sư phạm Huế nhưng khi xét hạnh kiểm trong học bạ thì các em không đủ điều kiện 3 năm đạt loại khá trở lên nên nhà trường hủy kết quả trúng tuyển.

Rớt đại học vì hạnh kiểm: ĐH Huế nên cho các em chuyển sang ngành học khác - 1

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, QuyềnVụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Bộ GD&ĐT

Sự việc làm nhiều thí sinh khóc dở, mếu dở trong ngày làm thủ tục nhập học vào trường ĐH Sư phạm Huế đã bị nhà trường thông báo hủy kết quả vì khi xét hạnh kiểm trong học bạ các em không đủ điều kiện 3 năm đạt loại khá trở lên. Vậy lỗi do nhà trường hay thí sinh?, Dân trí đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Bộ GD& ĐT về vấn đề này.

Thưa bà, trường ĐH Sư phạm Huế vừa hủy kết quả trúng tuyển của 15 thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 vào trường với lý do hạnh kiểm trong học bạ không đủ điều kiện (3 năm phải đạt hạnh kiểm khá), như vậy đúng hay sai?

Quy chế tuyển sinh quy định: “Căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GDĐT quy định, các trường công bố điều kiện xét tuyển vào các ngành của trường và tổ chức xét tuyển theo lịch của Bộ GDĐT“.

Ngày 25/4/2015 của Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn: Điều kiện tham gia xét tuyển đối với thí sinh đăng ký vào trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển là phải đủ các điều kiện chung và “Đáp ứng các yêu cầu khác về điều kiện xét tuyển do trường quy định và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường”.

Thực hiện các quy định và hướng dẫn trên, Trường Đại học Sư phạm - ĐH Huế đã quy định điều kiện về hạnh kiểm và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Đại học Huế và của Trường Đại học Sư phạm thuộc ĐH Huế.

ĐH Huế đã báo cáo Bộ GD&ĐT từ tháng 3/2015 với thông tin như sau: "Điều kiện xét tuyển vào tất cả các ngành đào tạo của Trường Đại học Sư phạm là điểm hạnh kiểm của 3 năm học lớp 10, 11, 12 phải đạt từ loại khá trở lên (căn cứ theo học bạ THPT)”. Nội dung trên đã được Bộ GD&ĐT đưa vào “Thông tin tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2015”.

Như vậy, Trường Đại học Sư phạm - ĐH Huế đã thực hiện đúng các quy định chung và thực hiện quyền tự chủ trong việc quy định điều kiện tuyển sinh riêng.

Nhiều ý kiến cho rằng, trường ĐH Sư phạm Huế làm việc như vậy là thiếu trách nhiệm. Tại sao nhà trường không rà soát trước hồ sơ để có thông báo kịp thời giúp cho thí sinh trúng tuyển có cơ hội lựa chọn sang trường khác?

Kỳ tuyển sinh đang thực hiện cơ chế “tiền đăng, hậu kiểm” (thí sinh tự đăng ký dự thi qua Phiếu ĐKDT trước. Chỉ những thí sinh trúng tuyển, trường ĐH, CĐ mới yêu cầu nộp hồ sơ và kiểm tra lại sự chính xác của các điều kiện, đối tượng tuyển sinh theo đăng ký). Cơ chế này tạo tiền đề để tiến tới việc đăng ký trực tuyến ở những năm sau khi điều kiện cho phép.

Với cơ chế này, thí sinh chỉ gửi Phiếu ĐKXT, không phải nộp hồ sơ trước đến trường CĐ, ĐH nên không thể có thủ tục nhà trường rà soát hồ sơ của tất cả các thí sinh đăng ký xét tuyển.

Phù hợp với cơ chế này, Quy chế tuyển sinh đã quy định: Quy chế: “Thí sinh chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ ĐKXT và hồ sơ đăng ký dự thi. Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin trong hồ sơ ĐKXT và hồ sơ đăng ký dự thi với hồ sơ gốc... Cũng vì thực tế thí sinh thường có sai sót nên quy chế thi và tuyển sinh còn quy định việc cấp tài khoản cho thí sinh kiểm tra thông tin, đề nghị chỉnh sửa và quy định nhiều bước trong quy trình thi, tuyển sinh thí sinh có quyền kiểm tra, chỉnh sửa nội dung ĐKDT; Bộ GD&ĐT, các trường và các phương tiện truyền thông cũng mở ra nhiều kênh tư vấn, trợ giúp thí sinh...

Rất tiếc là các em ĐKXT vào ĐH Sư phạm thuộc ĐH Huế đã không nghiên cứu kỹ quy định của Quy chế và điều kiện xét tuyển của Trường mà mình ĐKXT để mất cơ hội rút hồ sơ, đăng ký vào học trường khác.

Để đảm bảo quyền lợi cho học sinh, Bộ sẽ chỉ đạo trường ĐH Sư phạm Huế xử lý vấn đề này như thế nào, thưa bà?

Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo Trường ĐH Sư phạm Huế và Đại học Huế xử lý như đối với thí sinh nhầm lẫn khi ĐKDT như sau: Bộ khuyến khích Đại học Huế xem xét nếu thí sinh vẫn đủ điều kiện trúng tuyển một ngành nào đó của Đại học Huế và các em cũng có nguyện vọng thì cơ sở đào tạo có thể xem xét quyết định việc giải quyết cho các em vào học theo thẩm quyền.

Theo bà, hạnh kiểm có phải là một tiêu chí quan trọng để được vào học đại học không?

Vấn đề này hiện nay còn có nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng ngành sư phạm thì nên có yêu cầu khắt khe hơn các ngành khác về hạnh kiểm để đảm bảo rằng các thầy cô tương lai sẽ đảm nhiệm tốt sứ mệnh “trồng người”; còn các thí sinh không đủ điều kiện này vẫn có quyền vào học nhiều ngành khác.

Có ý kiến cho rằng không nên đánh giá thí sinh bằng những thời điểm đã thuộc về quá khứ… Mỗi quan điểm đều có những cơ sở riêng.

Tôi cho rằng các trường sư phạm đưa ra tiêu chí trên cũng là để tuyển được những lớp giáo viên thực sự mô phạm, thực hiện trách nhiệm đối với nhân dân, đối với xã hội và đặc biệt là đối với thế hệ trẻ…

Vì vậy, không thể trả lời đơn giản là “có” hay “không” đối với câu hỏi “hạnh kiểm có phải là một tiêu chí quan trọng để vào được vào học đại học”, đặc biệt là học ĐH sư phạm.

Xin trân trọng cám ơn bà!

Hồng Hạnh (thực hiện)

(Email: vuhonghanh@dantri.com.vn)

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm