“Ráo riết” tìm người xây dựng chương trình, sách giáo khoa

(Dân trí) - Trao đổi với báo chí chiều 10/12, TS Nguyễn Anh Dũng, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, thành viên Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK phổ thông (Bộ GD-ĐT) cho biết: “Bộ đang xây dựng tiêu chí lựa chọn tác giả xây dựng chương trình, sách giáo khoa”.

Ông Dũng cho biết thêm, tuần tới bộ phận thường trực và các Vụ, Cục có liên quan phải hình dung ra một “kịch bản” từ sau khi Quốc hội ký quyết định Nghị quyết cho đến khi viết xong sách giáo khoa (SGK). Nghĩa là phải đưa ra lộ trình xây dựng văn bản gì, các bước đi ra sao.

Ở lần đổi mới này, mục tiêu giáo dục phổ thông là tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống văn hóa, lịch sử, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời.

“Ráo riết” tìm người xây dựng chương trình, sách giáo khoa
TS Nguyễn Anh Dũng - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, thành viên Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK phổ thông (Bộ GD-ĐT).

Giáo dục phổ thông 12 năm, gồm hai giai đoạn giáo dục: Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp trung học cơ sở 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông 3 năm). Giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở. Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng.

Đổi mới nội dung giáo dục phổ thông theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và định hướng nghề nghiệp; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học trên. Ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học. Ở cấp trung học phổ thông yêu cầu học sinh học một số môn học bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập theo hình thức tích lũy tín chỉ.

Chương trình giáo dục phổ thông phải phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, kỹ thuật nhà trường và khả năng tiếp thu của học sinh.

Với những nội dung hết sức cụ thể như vậy nên việc tìm người xây dựng chương trình không phải công việc dễ dàng.

“Quan điểm là những tác giả xây dựng chương trình, SGK phải có người trẻ, ít kinh nghiệm nhưng có điều kiện phát triển kết hợp với người đã từng làm chương trình nhưng có thể tuổi cao và dứt khoát phải có giáo viên” - ông Dũng tiết lộ về tiêu chí chọn các tác giả xây dựng chương trình, SGK phổ thông.

Cũng theo ông Dũng, Bộ GD-ĐT cũng đã gửi các công văn xuống các đơn vị tiềm năng giới thiệu.

Giải thích thêm về khâu “tìm kiếm” quan trọng này, ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết: “Trên thực tế thì có rất nhiều kênh và nguồn giới thiệu. Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi các trường ĐH Sư phạm, các Trường ĐH tổng hợp... Ngoài ra, Bộ GD-ĐT còn có một kênh đó chính là Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật. Bộ đã ký kết văn bản hợp tác với Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam từ nay đến 2020 về việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ khoa học kỹ thuật và trong đó có việc giới thiệu các tác giả tham gia viết SGK. Các hội như Hội Cựu giáo chức, Bộ cũng đã xin ý kiến về các chính sách giáo dục”.

“Lần trước Bộ cũng gửi công văn xuống cơ quan có tiềm năng để ứng cử người. Sau đó một Hội đồng có uy tín sẽ chọn lựa, quyết định ứng viên đủ khả năng. Nhược điểm những lần trước là chúng ta quá coi trọng các nhà khoa học cơ bản, số lượng nhiều cho nên có những người đánh giá chương trình mang nặng tính hàn lâm. Trong xây dựng chương trình chỉ có hai thành phần đó là các nhà khoa học cơ bản, các nhà khoa học sư phạm, không có giáo viên. Giáo viên chỉ thẩm định chương trình đã hoàn thành chứ không được trực tiếp xây dựng chương trình.

Lần này sẽ có tổng chủ biên chịu trách nhiệm trước Hội đồng quốc gia giáo dục chương trình môn học từ lớp 1 đến lớp 12, mỗi cấp học có chủ biên thực hiện nhiệm vụ, báo cáo trước tổng chủ biên và đặc biệt nhấn mạnh đến sự tham gia của các giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tại các trường phổ thông” - TS Nguyễn Anh Dũng nói về sự thay đổi lớn trong việc chọn người xây dựng chương trình, SGK mới.

Nguyễn Hùng

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!