Ra Tết, 17 triệu học sinh trên cả nước trở lại trường học trực tiếp
(Dân trí) - Chiều 28/1, Bộ GD-ĐT có công văn về việc mở cửa trường học sau Tết Nguyên đán. Bộ chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể dạy học trực tiếp cho học sinh, sinh viên trước 14/2.
Khoảng 91% trường ĐH, CĐ sẽ mở cửa trường học sau Tết Nguyên đán
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến 17h00 ngày 25/1, cả nước có 14 tỉnh, thành phố cho học sinh trực tiếp đến trường; 30 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp, trực tuyến, qua truyền hình; 19 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.
Tổng số học sinh đến trường là trên 15 triệu em trên tổng số gần 23 triệu học sinh của cả nước.
Dự kiến đến ngày 7/2, tổng số học sinh trong cả nước được đến trường khoảng 17 triệu em, chiếm hơn 75%.
Trong đó, khối Mầm non có 51/63 tỉnh/thành phố; khối Tiểu học có 53/63 tỉnh/thành phố; khối THCS có 57/63 tỉnh/thành phố; khối THPT có 63/63 tỉnh/ thành phố.
Riêng khối Đại học, Cao đẳng: Khoảng 91% số trường có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp.
Yêu cầu cấp thiết mở cửa trường học sau Tết Nguyên đán
Theo Bộ GD-ĐT, thời gian vừa qua, đơn vị này đã có nhiều văn bản hướng dẫn tổ chức dạy học ứng phó với dịch Covid-19 cũng như yêu cầu bổ sung nguồn lực về y tế cho khối trường học.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xem xét mở cửa trường học trở lại, ngày 19/1, Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục.
Tại hội nghị này, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, đại diện Bộ Y tế, đại diện các địa phương đã phân tích các điều kiện cần thiết cho việc mở cửa trường học, đồng thời thống nhất việc mở cửa trường học là yêu cầu cấp thiết tại thời điểm hiện tại và phải được làm sớm nhất ngay sau Tết Nguyên đán.
Ngày 24/1, Bộ GD-ĐT đã ban hành Công văn số 283/BGDĐT-GDTC, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình dịch tại địa phương (tính đến địa bàn cấp xã/phường) chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh, sinh viên trước ngày 14/2.
Đơn vị này cũng chỉ đạo Sở GD-ĐT, Sở Y tế, các ban, ngành liên quan hướng dẫn các cơ sở giáo dục về phương án, kịch bản phù hợp xử lý tình huống xảy ra dịch trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp tại trường học; tổ chức tuyên truyền, tập huấn, diễn tập cho giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh để tạo sự đồng thuận cho trẻ em mầm non, học sinh đến trường, đảm bảo an toàn…
Khẩn trương bàn giao cơ sở vật chất trưng dụng cách ly
Được biết, trong các đợt dịch vừa qua, nhiều tình thành trưng dụng trường học làm khu cách ly y tế.
Để chuẩn bị cho việc mở cửa trường học trở lại, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các địa phương khẩn trương bàn giao lại cơ sở vật chất đã trưng dụng của các cơ sở giáo dục đóng trên địa bàn, sửa chữa hư hại nếu có; chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiến hành vệ sinh, khử khuẩn trường lớp trước khi cho học sinh đến trường.
Hỗ trợ, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trực thuộc và các trường đóng trên địa bàn trong việc đưa sinh viên trở lại trường học tập trực tiếp sau kỳ nghỉ tết âm lịch.
Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra thực hiện các quy định, tiêu chí đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT.
Mới đây, Bộ GD-ĐT tiếp tục có văn bản đề nghị các Sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục nắm bắt thông tin từ phía phụ huynh học sinh về việc cho trẻ em, học sinh (đặc biệt là trẻ mầm non, học sinh tiểu học) trở lại trường học trực tiếp.
Các đơn vị phối hợp với Sở Y tế, các cơ quan, tổ chức, cá nhân và phụ huynh học sinh để cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh; diễn biến tâm lý của trẻ em, học sinh nhằm kịp thời tư vấn, hỗ trợ học sinh, giúp các em có nhận thức, kỹ năng phòng chống dịch bệnh để sớm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19, đảm bảo ổn định việc học tập và rèn luyện...