Ra mắt phần mềm đánh giá trình độ tiếng Việt của người nước ngoài

(Dân trí) - ĐH Quốc gia Hà Nội vừa ra mắt phần mềm bộ tiêu chuẩn và bộ đề thi đánh giá trình độ tiếng Việt của học viên quốc tế. Đây là bộ tiêu chuẩn đánh giá đầu tiên tại Việt Nam về năng lực tiếng Việt của người nước ngoài.

Để thử nghiệm bộ phần mềm mới này , vừa qua, Trường ĐHKHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội đã tổ chức cuộc thi sát hạch trình độ Tiếng Việt cho sinh viên nước ngoài với sự tham gia của 10 thí sinh đến từ những quốc gia khác nhau như: Nga, Czech, Mozambique…

Thích thú với phương pháp thi mới,  sinh viên Maria (quốc tịch Nga) chia sẻ: “Tôi thấy đây là hình thức thi hiện đại, thuận tiện hơn cho thí sinh. Tôi thích cách thi mới này hơn cách thi truyền thống”. Còn sinh viên Lada (quốc tịch Czech) cho hay: “Cấu trúc bài thi tương đối hợp lý. Kết quả thi của tôi là 70/100 điểm và tôi hài lòng với kết quả đó. Hình thức thi này đánh giá đúng năng lực người học”.

Các học viên nước ngoài  tham gia thi tiếng Việt trên máy tính

Các học viên nước ngoài  tham gia thi tiếng Việt trên máy tính.

GS.TS Vũ Đức Nghiệu, Trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội, chủ nhiệm nhóm nghiên cứu đề tài “Xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá trình độ tiếng Việt của học viên quốc tế” cho biết: “Nếu như những kì thi kiểm tra trình độ Tiếng Việt trước đây chỉ được sử dụng bằng giấy bút thông thường với cấu trúc đề bài truyền thống thì nay lại được thực hiện trên mạng Internet với tổ hợp đề thi, bộ câu hỏi khác nhau. Không chỉ vậy, cách làm này có thể bao quát được hết các lĩnh vực cần kiểm tra, từ trình độ đầu tiên (elementary) đến trình độ cuối cùng (intermediate). Và đặc biệt hơn nữa, chỉ với một lần kiểm tra, thí sinh có thể biết được mình đang ở trình độ Tiếng Việt nào. Việc thay đổi phương pháp đánh giá trình độ Tiếng Việt bằng hình thức thi trực tuyến là sự nâng cao từ phương pháp kiểm tra thông thường, bài thi sẽ được đánh giá bao quát trên diện rộng, cách khai thác thông tin để đánh giá năng lực chính xác hơn với thang điểm đánh giá chi tiết”.

Nói về những ưu điểm và tiện ích của phương thức thi này, ông Đào Kiến Quốc - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin (ĐHQGHN) cho biết: “Hình thức kiểm tra trình độ Tiếng Việt Online giúp thí sinh không phải đến địa điểm thi, có thể thực hiện kỳ thi trên toàn thế giới ở cùng một thời điểm, điều đó làm cho chi phí của kỳ thi giảm đến mức tối đa. Đồng thời, hình thức thi này cũng mềm dẻo, linh hoạt hơn trong khâu làm đề thi, phân tích kết quả thi. “Hệ thống có khả năng hoán vị các câu hỏi trong đề thi để hạn chế tình trạng gian lận trong thi cử”.

Theo GS.TS Vũ Đức Nghiệu, Bộ tiêu chuẩn đánh giá năng lực tiếng Việt được thiết kế dựa trên cơ sở lý luận hiện đại và thực tiễn giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài tại Việt Nam. Kèm theo bộ tiêu chuẩn là 24 bộ đề gốc có dung lượng từ 60 - 70 trang mỗi bộ, cùng với văn bản hướng dẫn sử dụng đánh giá năng lực tiếng Việt của học viên quốc tế.

Nhóm nghiên cứu đề tài đã xây dựng được cơ sở lý luận và thực tiễn về kiểm tra đánh giá năng lực ngôn ngữ, nói chung và tiếng Việt, nói riêng; Xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá năng lực tiếng Việt gồm 10 tiêu chuẩn và 51 tiêu chí tương ứng với 6 cấp độ A1, A1, B1, B2, C1, C2; Xây dựng 24 bộ đề thi với 3600 câu hỏi thi khác nhau. Có thể sử dụng bộ đề thi để đánh giá năng lực tiếng Việt của học viên quốc tế trên phạm vi toàn cầu thống qua mạng Internet.

Hệ thống kiểm tra trình độ Tiếng Việt này là thành quả từ sự ấp ủ ý tưởng và tâm huyết của 11 nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia ngôn ngữ của ĐHQGHN.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm