Quyết định mức kỷ luật với cô giáo dùng bút đâm chảy máu đầu HS

(Dân trí) - Chiều 3/1, Hội đồng kỷ luật Trường tiểu học A Thị trấn Văn Điển (Hà Nội) đã tiến hành họp bàn xem xét vụ việc cô giáo H. dùng bút đâm vào đầu học sinh. Sau khi đánh giá, Hội đồng đã quyết định khiển trách toàn trường đối với cô H.

Ngoài mức xử lý trên, cô H. chịu các hình thức xử lý như không được nhận lớp trong vòng 2 năm, không xét nâng lương trong đợt tới và cắt thi đua trong năm học 2012-2013. Bên cạnh đó, cô H. còn bị xem xét xử lý kỷ luật về mặt Đảng viên.

Mắc hai lỗi vi phạm

Trong buổi họp Hội đồng kỷ luật, cô Trịnh Thủy Bích Thủy - Hiệu trưởng nhà trường, Chủ tịch Hội đồng cho biết: Vào ngày 24/12/2012, phụ huynh có lên nhà trường phản ánh việc cô H. dùng bút đâm vào đầu học sinh (HS) khiến đầu em bị chảy máu. Sự việc diễn ra tại lớp học thêm do cô H. giảng dạy được đặt tại một trường mầm non tư thục, đây cũng là nhà một HS của trường.
 
Khuôn viên Trường Tiểu học A Thị trấn Văn Điển.

Khuôn viên Trường Tiểu học A Thị trấn Văn Điển.
 
Ngay sau khi biết sự việc, nhà trường đã ngay lập tức đình chỉ việc dạy học của cô H. và yêu cầu làm bản tường trình. Mặt khác, do sự việc diễn ra ở ngoài nhà trường nên Ban giám hiệu cũng làm báo cáo lên ban ngành liên quan. Sau đó, nhà trường cũng tiến hành xác minh để đối chiếu với bản tường trình của giáo viên và phụ huynh.

Qua xác minh có thể khẳng định cô H. tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường. Đối với việc dùng bút đâm vào đầu HS thì sau khi hỏi các HS tham gia lớp học có thể nói đó chỉ là hành động vô tình của cô giáo và không cố ý.

“Vào thời điểm đó cô giáo đang cầm bút chấm bài của HS thấy cháu C.L làm bài chậm, cô có xuống dùng tay rõ nhẹ lên đầu. Do lúc đó tay cô đang cầm bút nên đầu nhọn đã chọc vào đầu của cháu. Bản thân lúc đó cô cũng không phát hiện được là đầu HS bị chảy máu. Chỉ khi các bạn cùng lớp thấy máu chảy rơi xuống vở và nói lại cô mới biết. Ngay lập tức, cô đã xuống xin lỗi trò và thấy trang vở bị dính máu cô đã chủ động xé để lau tay cho HS. Ngoài ra cô cũng có nói với HS của lớp là không nói sự việc này đến với phụ huynh mà để cô trực tiếp nói lại sự việc với gia đình em C.L.” - cô Bích Thủy cho hay.

Tán đồng với ý kiến này, chị V. - mẹ của em C.L. xác nhận: “Sau sự việc cô H. có đến nhà thông báo và xin lỗi gia đình. Bản thân gia đình đánh giá vết thương của cháu không nghiêm trọng và cô giáo cũng vô tình nên cũng không muốn đẩy sự việc đi quá xa. Không hiểu vi lý do gì mà có những phụ huynh bức xúc phản ánh vụ việc này lên báo chí”.

Trong bản kiểm điểm đọc trước Hội đồng kỷ luật, cô H. thẳng thắn nhìn nhận: “Nhà trường đã quán triệt việc không tổ chức dạy thêm, không vi phạm đạo đức nhà giáo và giáo viên cũng đã đồng ý ký bản cam kết. Tuy nhiên, do một số phụ huynh có con học chưa thật tốt nên có đến gặp tôi nhờ dạy kèm cặp. Vì cả nể nên tôi đã nhận lời nên đã vi pham quy định về dạy thêm, học thêm. Còn việc đầu HS bị chảy máu là do tôi hoàn toàn vô tình và không cố ý”. Cũng trong bản kiểm điểm này, cô H. tự nhận hình thức xử lý kỷ luật ở mức khiển trách.

Bài học cho các giáo viên

Các thành viên của Hội đồng kỷ luật đánh giá, sự việc diễn ra là câu chuyện buồn của nhà trường. Tuy nhiên do cô H. đã nhận khuyết điểm nên cũng xem xét hình thức xử lý chỉ nên ở mức độ là nhắc nhở, phê bình.

“Tôi cũng mong muốn nhà trường tạo điều kiện cho cô H. được tiếp tục với công việc của mình. Sự việc không có gì mà lại xử lý kỷ luật cô giáo thì nặng quá” - phụ huynh của em C.L. đề xuất.

Với tư cách là Phó trưởng phòng GD-ĐT phụ trách về khối tiểu học, ông Đào Tân Lý nhấn mạnh: “Ở đây cần phải xem xét hai hành vi. Một là dạy thêm, học thêm. Hai là gây thương tích cho HS. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận một điều là cô H. đã công tác lâu năm và có nhiều tích trong giảng dạy nên cần phải xem xét hình thức kỷ luật phù hợp”.

Ông Lý cũng khẳng định, có thể châm trước và thông cảm với việc gây thương tích cho HS. Nhưng với việc dạy thêm, học thêm sai quy định là cần phải có hình thức xử lý kỷ luật.

“Kỷ luật vừa có tính răn đe nhưng lại vừa tạo cơ hội cho giáo viên sửa sai và khắc phục khuyết điểm” - ông Lý nêu quan điểm.

Sau khi tiến hành bỏ phiếu Hội đồng kỷ luật đồng ý phê bình, nhắc nhở với hành vi vô tình gây thương tích cho HS. Riêng đối với việc dạy thêm, học thêm sai quy định, đối chiếu với các quy định xử lý viên chức thì áp dụng mức khiển trách toàn trường, ghi vào lý lịch hồ sơ.

Bên cạnh đó do giáo viên đã ký cam kết không vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm, vi phạm đạo đức nhà giáo nên Ban giám hiệu nhà trường quyết định không giao lớp trong vòng 2 năm (do ở cấp tiểu học thì điều này đồng nghĩa là làm giáo viên dự phòng trong 2 năm - PV), không xét nâng lương trong đợt tới và cắt thi đua trong năm học 2012-2013.

Ông Đào Tân Lý cũng cho biết thêm: Ngoài xử lý kỷ luật viên chức thì cô H. còn bị xử lý về mặt Đảng viên. Theo quy định mức xử lý Đảng viên không thấp hơn mức kỷ luật đối với viên chức. Ngoài ra, Phòng GD-ĐT sẽ thông báo hình thức xử lý của cô H. đối với toàn trường trong Huyện.

Theo thông tin chúng tôi được biết, ngay sau khi biết sự việc, Sở GD-ĐT Hà Nội đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT huyện Thanh Trì tiến hành rà soát việc tổ chức dạy thêm, học thêm sai quy định. Nếu phát hiện yêu cầu xử lý nghiêm.

Qua sự việc của cô H. có thể nhận thấy, ngành giáo dục Thủ đô rất cương quyết trong việc xử lý đối với những giáo viên tổ chức dạy thêm, học thêm sai quy định, nhất là với bậc tiểu học. Đây cũng là bài học để cảnh tỉnh những giáo viên làm sai quy định của ngành.

S.H.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm