Quyết định 281 đã thay đổi về chất trong phong trào học tập suốt đời

Hồng Hạnh Lệ Thu

(Dân trí) - Chiều ngày 30/11, Hội Khuyến học Việt Nam đã tổ chức hội nghị Tổng kết Đề án "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020" theo Quyết định 281/QĐ-TTg.

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và đại diện của tất cả các lãnh đạo Hội Khuyến học các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Quyết định 281 đã thay đổi về chất trong phong trào học tập suốt đời - 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tham dự hội nghị

Ngày 20/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 281/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020" và giao cho Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì (gọi tắt là Đề án 281).

Đề án 281 của Chính phủ có mục tiêu chung là triển khai đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng thông qua việc xây dựng và triển khai các mô hình: Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập và Đơn vị học tập góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.

Đề án thực hiện thí điểm các mô hình học tập trong năm 2014 - 2015, triển khai nhân rộng các địa bàn trong toàn quốc từ năm 2016.

Đề án đề ra 5 nhiệm vụ và giải pháp là đẩy mạnh tuyên truyền về xã hội học tập, các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng; Xây dựng và thí điểm các mô hình Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập và Đơn vị học tập; Phát động phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng; Duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả của Trung tâm học tập cộng đồng, góp phần đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng; Tổ chức đánh giá, công nhận các danh hiệu học tập hàng năm và kết thúc giai đoạn thực hiện Đề án phải tổ chức Đại hội thi đua, biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc.

Quyết định 281 đã thay đổi về chất trong phong trào học tập suốt đời - 2

Chủ tịch Hội Khuyến học Nguyễn Thị Doan

21 triệu hội viên khuyến học tham gia xây dựng phong trào học tập suốt đời

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cho biết, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã triển khai Đề án 281 ở giai đoạn thí điểm đảm bảo tiến độ và thận trọng.

Bộ tiêu chí được xây dựng bước đầu đã đáp ứng yêu cầu thực tế. Tuy nhiên, một số địa phương còn lúng túng trong đánh giá theo các tiêu chí của từng mô hình. Kinh phí triển khai rất ít hoặc không có. Sự quan tâm của lãnh đạo của một số địa phương đối với triển khai Quyết định 281/QĐ-TTg chưa nhiều, chưa đồng đều.

Đến giai đoạn triển khai đại trà 2016 - 2020, Hội đã nhận thức rõ các vấn đề tồn tại ở giai đoạn thí điểm để khắc phục. Kết thúc thực hiện Đề án (giai đoạn 2016 - 2020) tổ chức hội và hội viên cả nước đã tăng dần qua các năm, vượt chỉ tiêu đề ra. Đến nay tổng số hội viên hội khuyến học là trên 21 triệu người.

Tuy nhiên, khó khăn lớn trong việc thực hiện Đề án giai đoạn này là, có địa phương, cấp ủy đã có nghị quyết sáp nhập hội khuyến học với hội cựu giáo chức gây tâm tư cho cán bộ hội, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện Đề án 281.

Về kinh phí thực hiện Đề án, ở nhiều nơi, tổ chức hội không được công nhận Hội đặc thù, cán bộ hội là những người về hưu, không có thù lao hoạt động. Khi triển khai đề án, kinh phí rất eo hẹp hoặc không được cấp nên khó khăn trong triển khai nhiệm vụ.

Ngày 24/1/2018, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 07/2018/TT-BTC về  Hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020". Dựa vào văn bản này, việc cấp kinh phí cho Đề án 281 đã được thực hiện ở nhiều tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số tỉnh việc thực hiện Thông tư 07 nêu trên còn rất khó khăn. Đây là khó khăn lớn nhất trong triển khai nhiệm của Đề án 281.

Về hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng, các Trung tâm học tập cộng đồng là một thiết chế trong giáo dục thường xuyên, do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.

Hệ thống Trung tâm học tập cộng đồng ngày càng phát triển phủ kín gần 100% xã, phường, số lượt người đến tham gia học ngày càng nhiều. Đến nay trong cả nước đã có trên 11.000 Trung tâm, bình quân mỗi năm có gần 20.000.000 lượt người đến tham gia học tập. Trên 90% người dân hài lòng với Trung tâm học tập cộng đồng vì nhờ nó mà họ học được thêm một nghề hoặc thêm việc làm, từ đó thoát nghèo.

Quyết định 281 đã thay đổi về chất trong phong trào học tập suốt đời - 3

Các đại biểu tham dự hội nghị

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ GD&ĐT tích cực vào cuộc

Thực hiện Quyết định 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", Hội Khuyến học Việt Nam xây dựng chương trình phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và xã hội triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; cụ thể đã phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tổ chức hội nghị "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn của các Trung tâm học tập cộng đồng gắn với việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập" tại 3 khu vực phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

Đặc biệt, đã thành lập các đoàn công tác giữa Hội Khuyến học Việt Nam và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để giám sát công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với việc học tập suốt đời của người lớn tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng.

Một điểm nổi bật trong quá trình thực hiện Đề án 281 là nhận thức rõ vai trò quan trọng có tính quyết định của các trường Đại học đối với việc học tập của người lớn, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức 7 cuộc Hội thảo khoa học ở cả 2 miền Nam , Bắc để thảo luận về các vấn đề: Vai trò các trường Đại học với việc học tập suốt đời của người lớn, việc đào tạo theo hướng mở và xây dựng tài nguyên giáo dục mở thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về "Đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục và Đào tạo".

Quyết định 281 đã thay đổi về chất trong phong trào học tập suốt đời - 4

Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức 7 cuộc Hội thảo khoa học về xây dựng Xã hội học tập

Qua các cuộc Hội thảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo cụ thể các trường thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng mở, trên cơ sở nguồn tài nguyên giáo dục mở được nhà trường xây dựng.

Theo đó, vai trò của các trường đại học với xây dựng xã hội học tập đã được nâng lên. Các trường Đại học không chỉ phục vụ cho đối tượng như trước đây mà phạm vi, đối tượng phục vụ là toàn thể nhân dân theo hướng "cần gì học nấy", học không cần chứng chỉ, bằng cấp.

GS Nguyễn Thị Doan cho biết, sau 5 năm thực hiện đại trà Quyết định 281/QĐ-TTg chỉ tiêu phấn đấu về các mô hình học tập của các địa phương đều đạt và vượt so với mục tiêu đề ra.

Thông qua Đề án 281, công tác khuyến học, khuyến tài đã lan tỏa đến từng người dân, gia đình, thôn bản, cơ quan, đơn vị... Người dân đã thấy được lợi ích, vai trò, tầm quan trọng của học tập suốt đời. Khi mọi người dân cùng chăm lo cho việc học thì sẽ giảm đáng kể các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, trộm cắp…

Do đó, cần phải coi việc xây dựng các mô hình học tập như một "chiến lược phát triển bền vững" góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững trật tự an toàn khu dân cư.

Thiếu kinh phí, nhiều địa phương chưa đạt chỉ tiêu đề ra

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cho rằng, chất lượng của các mô hình học tập còn hạn chế so với yêu cầu của tiêu chí; trong đó, tiêu chí phấn đấu về gia đình học tập trong toàn quốc thì đạt song một số địa phương chưa đạt chỉ tiêu đề ra.

Ở một số tỉnh, cấp ủy và UBND chưa thực sự quan tâm đến xây dựng xã hội học tập triển khai Đề án 281 và hoạt động của Hội Khuyến học.

Những năm gần đây, một số địa phương có ý định sáp nhập hội khuyến học với một tổ chức khác; việc thay đổi nhân sự của tổ chức khuyến học; việc giao cho tổ chức khác quản lý công tác khuyến học, đã làm ảnh hưởng đến tư tưởng cán bộ khuyến học. Cá biệt có địa phương hội khuyến học (cấp huyện, xã) hầu như không hoạt động được.

Việc giải thể Ban chỉ đạo quốc gia xây dựng xã hội học tập đã làm ảnh hưởng đến sự chỉ đạo triển khai nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập ở địa phương. Tại tỉnh và thành phố hiện có Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập, công việc triển khai các đề án hoàn toàn do cấp tỉnh chủ động tiến hành, thiếu sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương.

Một số huyện, xã, phường không được cấp kinh phí, một số quận/huyện tuy có kinh phí nhưng không đủ chi trả cho việc kiểm tra, hướng dẫn, sơ kết, tổng kết trong từng giai đoạn triển khai Đề án. Nhiều cán bộ khuyến học, nhất là ở cấp xã, hoàn toàn làm đề án bằng tiền lương hưu của mình. Nhiều nơi Hội chưa được công nhận là Hội đặc thù nên không có kinh phí hỗ trợ cho cán bộ khuyến học theo quy định.

Do đó, TƯ Hội Khuyến học Việt Nam đưa ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp thực hiện Đề án 281 giai đoạn 2021 - 2025 là tiếp tục triển khai có chất lượng Đề án 281 theo Quyết định 489/QĐ-TTg ngày 08/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Góp phần đổi mới sự nghiệp giáo dục đào tạo, xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước giai đoạn mới.

Phấn đấu đến năm 2025, tỉ lệ các gia đình, dòng họ, thôn bản, tổ dân phố, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, trường học đạt các danh hiệu học tập với chất lượng cao hơn, đều tăng từ 10% đến 20% so với năm 2020.

Phát triển tổ chức hội và hội viên trong các doanh nghiệp, viện nghiên cứu; phát triển quỹ khuyến học ở tất cả các tổ chức hội. Phấn đấu thực hiện tốt xây dựng và phát triển mô hình "Công dân học tập" theo Quyết định 489/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định 281 đã thay đổi về chất trong phong trào học tập suốt đời - 5

Lãnh đạo Chính phủ và Hội Khuyến học Việt Nam lắng nghe ý kiến của các đại biểu về những khó khăn khi triển khai Đề án 281/QĐ-TTg

7 kiến nghị đối với Chính phủ và các tỉnh, thành phố

Tổng kết Đề án "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020" theo Quyết định 281/QĐ-TTg, Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị với Chính phủ 5 vấn đề:

Thứ nhất,  kiện toàn lại Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập ở Trung ương. Đối với những địa phương chưa kiện toàn ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập, đề nghị Chính phủ chỉ đạo để các địa phương này được kiện toàn.

Thứ hai, đưa vào chương trình hội nghị của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực vấn đề "Chính sách và giải pháp phát triển xã hội học tập trong giai đoạn 2021 - 2030".

Thứ ba, ổn định tổ chức hội và yêu cầu các địa phương cấp kinh phí cho tổ chức hội thực hiện Đề án.

Thứ tư, chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng các chính sách và cơ chế thực hiện đối với các trường đại học về:

- Cơ chế thực hiện các giấy phép mở đối với việc khai thác Nguồn tài nguyên giáo dục mở;

- Quy định lại yêu cầu học tập thường xuyên của các loại hình cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội chuyển đổi số;

Thứ năm, ban hành chỉ thị cho các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp thực hiện mô hình "Công dân học tập" mà mình phụ trách để chủ trương xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời được thực hiện nghiêm ở các cấp, các ngành, các địa phương (sau khi Thủ tướng ban hành Bộ tiêu chí đánh giá mô hình công dân học tập).

Đồng thời, Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị các tỉnh, thành phố, có văn bản chỉ đạo hệ thống tổ chức cơ sở Đảng từ tỉnh đến cơ sở thực hiện tốt Kết luận 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư và Quyết định 489/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 08/4/2020 (đối với những địa phương chưa chỉ đạo triển khai). Định kỳ kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm việc tổ chức thực hiện Quyết định đối với các tổ chức cơ sở Đảng.

Quan tâm hơn nữa đến hoạt động của hội khuyến học, củng cố, kiện toàn nhân sự và bộ máy khuyến học; nâng cao nhận thức và năng lực cho đội ngũ làm công tác khuyến học ở cơ sở để thực hiện tốt vai trò nòng cốt, tham mưu của mình.

Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo việc cấp kinh phí cho thực hiện Đề án theo Thông tư 07/2018/TT-BTC ngày 24/1/2018 của Bộ Tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hội khuyến học các cấp tiếp tục triển khai Đề án giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định 489/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Khảo sát tác dụng của các mô hình học tập của Hội Khuyến học Việt Nam như sau: 

- Có 98,6% người dân cho rằng: tại những địa phương phát triển mạnh phong trào xây dựng các mô hình học tập, nhân dân đoàn kết, hỗ trợ nhau trong học tập và đời sống, từ đó, mối quan hệ thân thiện giữa mọi người, trong cộng đồng phát triển tốt.

- Có 97,6% ý kiến cho rằng: Việc xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng thôn bản, tổ dân phố học tập và đơn vị học tập trên địa bàn là một động lực thúc đẩy sự nghiệp giáo dục đào tạo phát triển, góp phần đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nông thôn mới và khối phố văn minh, khu dân cư văn hóa.

Sự quan tâm của lãnh đạo địa phương và các lực lượng xã hội đối với việc triển khai Quyết định 281:

- Có 98% người dân được hỏi xác nhận cấp ủy và chính quyền có nghị quyết hoặc có kế hoạch xây dựng mô hình xã hội học tập ở địa phương.

- Có 88% người dân cho biết lãnh đạo địa phương có hỗ trợ về kinh phí để dân học tập.

- Về tính tích cực của các lực lượng xã hội tham gia vào việc vận động người dân học tập thường xuyên của nhân dân gồm: Hội khuyến học (82%); các trường học (80%); Mặt trận Tổ quốc (65%); Đoàn Thanh niên (60%); Hội Phụ nữ (55%); Hội Cựu giáo chức (55%); Hội Cựu chiến binh (53%); Hội Nông dân (47%); các doanh nghiệp (35%).

Từ sự đánh giá trên đây, nhân dân thể hiện sự hài lòng với Đề án 281 như sau:

- Hài lòng về sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền: 90,4%.

- Hài lòng về sự chung tay của các lực lượng xã hội: 91,9%.

- Hài lòng về sự hỗ trợ, giúp đỡ của Hội Khuyến học cấp xã: 91,1%

- Hài lòng về hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng      : 84,3%

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm