Quỹ Khuyến học của các tỉnh, thành đạt 450 tỷ đồng

(Dân trí) - Sáng nay 26/2, TƯ Hội Khuyến học Việt Nam đã tổ chức họp báo về Nghị quyết Ban Chấp hành TƯ Hội khoá III về phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT 2008 và nhiệm vụ 2009. Theo đó, năm qua Quỹ Khuyến học các tỉnh đạt 450 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Trung ương Hội, cả nước hiện đã có trên 230.000 chi hội với trên 6 triệu hội viên, chiếm khoảng 8% dân số. Về trung tâm học tập cộng đồng hiện cả nước có 9010 trung tâm, nhiều trung tâm đã mở các lớp học tại các thôn, bản. Ở một vào nơi đã xuất hiện Trung tâm cộng đồng ở thôn, làng. Tính đến nay, cả nước có 24/63 tỉnh, thành phố đạt 100% số xã có Trung tâm học tập cộng đồng. Trong số đó chỉ có 30% Trung tâm hoạt động tốt.

Phong trào gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học đã khơi dậy mạnh mẽ truyền thống hiếu học trong nhân dân. Số gia đình đăng ký đạt danh hiệu gia đình hiếu học đã xấp xỉ 6 triệu gia đình và 50% số gia đình này đã được công nhận. Dòng họ đăng ký đạt danh hiệu dòng họ khuyến học cũng lên tới 250.000 và số dòng họ được công nhận lên tới trên 60.000.

Đặc biệt trong năm 2008, Quỹ Khuyến học thu hút được hơn 14 tỷ đồng. Quỹ Khuyến học của các tỉnh/thành hội đạt khoảng 450 tỷ, trong đó đã chi để làm học bổng và phần  thưởng cho học sinh nghèo và hỗ trợ giáo viên có hoàn cảnh khó khăn là 250 tỷ với 2 triệu suất học bổng.

Nhiều tỉnh, thành trong năm 2008 có sự tăng nhanh quỹ khuyến học như Thanh Hoá: 40 tỷ, Nghệ An: 25 tỷ, Quảng trị: 12 tỷ, Quảng Bình: 8 tỷ…

Do trong năm 2008, nhiều vùng bị lũ lụt nên nhiều địa phương đã trích quỹ khuyến học để cứu trợ những gia đình khó khăn sau bão lụt, sửa chữa nhiều trường lớp, mua sắm sách vở và một số trang thiết bị trường học, xây dựng công trình phụ cho trường học…

Ngoài việc vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các tổ chức tôn giáo… hỗ trợ bằng tiền, quỹ khuyến học các địa phương còn  được hỗ trợ bằng hiện vật. Một số nơi nhân dân còn hiến đất xây dựng trường học hoặc trung tâm học tập cộng đồng. Riêng tỉnh Kiên Giang và Hậu Giang, năm 2008 nhân dân đã hiến 46.790m2 đất để xây dựng trường học.

Năm 2009, toàn Hội Khuyến học tập trung triển khai tốt Chỉ thị 11-CT/TW cho cán bộ, hội viên và nhân dân. Các cấp hội xây dựng kế hoạch hành động và những biện pháp nâng cao năng lực hoạt động của cán bộ và hội viên để làm tốt nhiệm vụ thực hiện vai trò nòng cốt trong các cuộc vận động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Tổ chức đại hội thi đua khuyến học toàn quốc lần thứ II. Theo đó, từng cấp hội xây dựng kế hoạch tuyên truyền và tôn vinh các cá nhân và tổ chức có thành tích xuất sắc trong phong trào khuyến học, khuyến tài trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kế hoạch tuyên truyền sâu rộng về Ngày Khuyến học Việt Nam như một ngày hội lớn của nhân dân.

Đặc biệt, đẩy mạnh các hoạt động phối hợp với Bộ GD&ĐT; Hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu mô hình Xã hội học tập. Phấn đấu để quỹ khuyến học ở các địa phương đạt mức bình quân 10.000đ/người dân. Phát triển đa dạng các hình thức hỗ trợ tài chính và các nguồn lực khác cho quỹ của Hội từ phía các doanh nghiệp, các tổ chức nhân đạo và từ thiện, các quỹ của các tổ chức quốc tế và cá nhân, các nhà hảo tâm. Tổ chức kỷ niệm 10 năm hoạt động của Quỹ Khuyến học VN và 5 năm cuộc thi “Nhân tài đất Việt”.

Tiếp tục phát triển hội viên, đồng thời xây dựng kế hoạch củng cố các tổ chức của Hội; chú trọng xây dựng các chi hội, các phân hội hay tổ hội trong từng cộng đồng dân cư, trong các doanh nghiệp, cơ quan, trường học, rút ra kinh nghiệm để phổ biến rộng rãi trong toàn Hội.

Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cán bộ hội các cấp sau các đại hội nhiệm kỳ và hàng năm. Kiện toàn các cơ quan chức năng và củng cố, tiếp tục phát triển các đơn vị trực thuộc TƯ Hội. 

Hồng Hạnh