Quy định thiếu chặt chẽ, dạy thêm vẫn tràn lan!

(Dân trí) - Chỉ thị 15/CT-BGD- ĐT của Bộ GD-ĐT được ban hành nghiêm cấm các hình thức dạy thêm đại trà có thu phí. Nhưng, với các “trường hợp đặc biệt” mà Chỉ thị để ngỏ như các trường hợp luyện thi học sinh giỏi... khiến qui đinh trở nên “mất thiêng”.

Đã thế, chỉ thị là cấm dạy thêm đại trà có thu phí nhưng trong đó lại có quy định về... điều kiện cơ sở vật chất của dạy thêm! Đó là: Cơ sở dạy thêm phải đảm bảo điều kiện vệ sinh, an toàn cháy nổ, thông thoáng, diện tích đầy đủ (ít nhất 1m/người+ 5m bục giảng), trang thiết bị đúng quy định và không được nhiều hơn 20 em... Không những thế, chỉ thị 15 còn cụ thể hơn về: các giờ dạy thêm không được muộn hơn 18h30 hàng ngày và không được xếp vào ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ...

 

Cùng đó, tuy luôn ra rả về việc cấm dạy thêm nhưng đã có không ít phòng giáo dục thu 5% số tiền từ...dạy thêm của các trường và nhiều trường THPT thì thành lập các quỹ...dạy thêm và thu từ 20-30% của quỹ này dành cho công tác quản lý!

 

5 đến 6 triệu đồng một tháng là con số ước tính “sơ sơ” về thu nhập của mỗi ông thầy khi tham gia dạy thêm: mỗi lớp học thêm trên dưới 20 học sinh, mỗi học sinh nộp trên dưới 300 nghìn mỗi tháng. Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, có khoảng trên 80% phụ huynh cho con em mình đi học thêm với mức chi từ 100 nghìn đến 500 nghìn mỗi tháng.

 

Giải thích về việc dạy thêm này, ông Nguyễn Việt Hoàng- Hiệu trưởng trường THPT Phú Nhuận- Quận Phú Nhuận-TPHCM nói: “Nếu không phải trường “xịn” thì năm sau học sinh không vào và như vậy không có phụ huynh đóng góp. Cơ sở vật chất một số trường có được phòng ốc đẹp một phần cũng do phụ huynh! Quận, huyện thì thấy trường nào “được một chút” mới quan tâm, đầu tư, nếu không 10 năm cũng không được quét vôi! Tất cả đều xoay quanh đồng tiền, lương giáo viên thấp kéo theo phải dạy thêm!”.

 

Tỏ ra thành tâm hơn, cô giáo H.P của một trường tiểu học thuộc quận Ba Đình cho hay: “Thực ra tôi không hề muốn dạy, nhưng giáo trình khá nặng, nhiều em học không theo được cùng các bạn trên lớp vì lớp học quá đông. Học thêm cũng là một cách giải quyết!”. Và cách giải quyết hợp lý nhất là dạy chui!

 

Cô H.P than thở: “Dạy học kiểu bí mật này, chúng tôi cũng nản lắm vì lúc nào cũng nơm nớp lo thanh tra ập đến”.

 

Việc dạy chui cũng thật là lắm gian nan. Kết quả thăm dò tại 10 trường tiểu học ở Hà Nội cho thấy, các cô giáo luôn sẵn sàng mọi lúc với mọi thủ tục hợp pháp để giải trình nếu bị thanh tra và các em học sinh được huấn luyện rất kỹ rằng phải trả lời thế nào khi có thanh tra!

 

 

Tỷ lệ học sinh học thêm của các bậc học:

Tiểu học: 96% HS học thêm Toán và Tiếng Việt.

THCS: 98,9% học thêm Toán, 92,2% học thêm Ngoại ngữ, 73,3% học thêm Văn- Tiếng Việt.

THPT: 98,8% học thêm Toán, 95,1% học thêm Lý, 95,1% học thêm Hoá.

Trong 86,4% HS học thêm, có rất nhiều em khá giỏi.

54,3%.  HS học thêm từ 6-15 giờ/tuần. Số học sinh học từ 16 giờ/tuần trở lên chiếm tỷ lệ 20,2%. Nếu tiếp tục học tập như vậy, chắc chắn HS sẽ bị một áp lực tâm lý rất lớn và sức khoẻ của các em sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là các chứng bệnh về cột sống và thị giác.

Theo Đề tài nghiên cứu “Hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm học thêm (DTHT) và đánh giá hiệu quả các giải pháp quản lý đối với các hiện tượng tiêu cực đó trong giáo dục phổ thông” của TS Nguyễn Thị Quy -  Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục TPHCM.

 

 

Mai Minh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm