Quê lúa có “hai chàng trai vàng” Olympic Toán quốc tế
(Dân trí) -Trong số 3 nam sinh giành huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế 2014 thì hai em đều quê Thái Bình: em Trần Hồng Quân-học sinh Trường THPT chuyên Thái Bình và em Nguyễn Thế Hoàn-học sinh lớp 11 trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH KHTN-ĐHQGHN) là người Thái Bình lên Hà Nội học.
Trưa 14/7, đoàn học sinh dự thi Olympic quốc tế Toán học (IMO) 2014 tại Nam Phi đã về đến Hà Nội. Sau một chặng bay khá dài, các thành viên trong đoàn cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, khi chứng kiến sự chào đón nồng nhiệt của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, lãnh đạo các địa phương, tập thể thầy cô và bạn bè thì mọi sự mệt mỏi đều được xua tan.
Với kết quả IMO 2014 thì tỉnh Thái Bình là đơn vị “hào hứng” nhất. Em Trần Hồng Quân là học sinh đầu tiên mang tấm huy chương Vàng quốc tế về cho tỉnh Thái Bình. Chính vì thế từ Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến Giám đốc Sở GD-ĐT cùng thầy cô, bạn bè Trường THPT chuyên Thái Bình chẳng ngại đường xá xa xôi về Hà Nội để đón “chàng trai vàng”.
Niềm vui của Thái Bình được nhân đôi khi mà chủ nhân tấm huy chương Vàng thứ hai - em Nguyễn Thế Hoàn, học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng là người Thái Bình.
Ông Đặng Phương Bắc - Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình bày tỏ sự vui mừng vô bờ bến: “Qua nhiều năm cố gắng và phát triển hệ thống trường chuyên thì năm nay Thái Bình đã có huy chương Vàng quốc tế. Đặc biệt đó lại là tấm huy chương vàng môn Toán, đây là một niềm vui vô bờ bến của ngành giáo dục Thái Bình”.
Sự may mắn xen lẫn nỗi buồn
TS Lê Bá Khánh Trình - Trưởng đoàn đưa học sinh đi dự thi chia sẻ: Kết quả năm nay so với năm trước không chênh lệch là bao. Tuy nhiên đề thi năm nay không dễ hơn năm trước. Ngày đầu tiên chúng ta đã làm bài khá tốt khi có 2 em làm được hết cả 3 bài, các cháu còn lại làm được hai bài. Kết quả này khiến các cháu rất buồn vì các cháu muốn được làm nhiều hơn. Ngày thứ hai thì đề khó hơn nên chỉ có hai cháu làm trọn vẹn được 2 bài còn các cháu còn lại làm được hơn 1 bài.
Sau hai ngày thi thì đoàn cảm thấy rất là khó khăn bởi với kết quả làm bài như vậy thì thành tích sẽ như thế nào? Một điều khá may mắn đã xảy ra...
Khi chấm thi xong chúng tôi biết kết quả có 1 em đạt 34 điểm, 1 em đạt 32 điểm, 1 em đạt 29 điểm, 2 em đạt 22 điểm và 1 em đạt 18 điểm. Dự kiện xấu nhất là nếu trên 30 điểm mới đạt giải vàng thì chúng ta chỉ có hai em, 1 em giải bạc. Khi tổng kết thì đoàn rất là hồi hộp. Kết quả là giải vàng nằm giữa mức điểm 30 và 29, giải bạc nằm giữa mức điểm 23 và 22. Khi các trưởng đoàn chọn biểu quyết thì có một số ý kiến chọn đầu trên đối với giải vàng và bạc là 30 và 23. Tuy nhiên số người bầu chọn chặn dưới là 29 và 22 chiếm đa số.
“Khi biết kết quả bầu như vậy chúng tôi rất là mừng bởi vì thành tích vượt qua cả sự mong đợi, đây là sự là may mắn bởi chúng ta có 3 em rơi vào “lát cắt” vừa đủ để đạt giải. Quan đây cho thấy, ngoài sự cố gắng của vượt bậc của các em thì cùng cần yếu tố may mắn” - TS Lê Bá Khánh Trình thuật lại câu chuyện ly kỳ ở kì thi Olympic Toán quốc tế.
Cũng theo TS Trình, trước khi xuống sân bay Nội Bài thì những em làm bài chưa đúng với sức mình vẫn cảm thấy rất buồn nhưng khi nhận được sự quan tâm đón tiếp nồng nhiệt thì dường như mọi thứ đã tiêu tan.
Chia sẻ tại buổi lễ đón tiếp đoàn Olympic Toán học chiến thắng trở về, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: “Thành tích rất là đáng tự hào bởi nó đã nói lên được trí tuệ của con người Việt Nam không thua kém các nước phát triển trên thế giới. Trong nền kinh tế tri thức ngày nay thì nền kinh tế này hơn nền kinh tế khác ở chỗ trí tuệ, trong đó Toán học là trí tuệ rõ nét nhất. Khi chúng ta đã có trí tuệ rồi thì sẽ có phương pháp đào tạo tốt thì nhân lực của nước ta sẽ không thua kém gì các nước phát triển”.
Thứ trưởng Ga cũng bày tỏ mong muốn,với những thành tích mà học sinh đã đạt được ngày hôm nay thì các em sẽ tiếp tục phát huy để trở thành đỉnh cao trí tuệ của toán học của Việt Nam cũng như trên thế giới. Đây là những vinh quang mà các em mang lại cho đất nước cũng như nền giáo dục đào tạo Việt Nam.
Giấc mơ đi du học Mỹ
Với kết quả đã đoạt được huy chương Vàng ở kì thi IMO 2013, em Phạm Tuấn Huy đã chính thức nhận được học bổng toàn phần của ĐH Stanford (Hoa Kỳ) và tháng 9 này em sẽ lên đường đi du học.
Còn chàng trai Trần Hồng Quân đến từ lớp 12 Trường THPT chuyên Thái Bình cũng ấp ủ theo đuổi ước mơ được đi du học Mỹ. Quân dự định sẽ nỗ lực học thêm tiếng Anh để có thể giành được học bổng toàn phần của ĐH Stanford hoặc Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
Trước khi lên đường dự thi quốc tế Quân cũng đã nộp đơn xin xét tuyển thẳng vào khoa Toán - ĐH Sư phạm Hà Nội để trở thành một thầy giáo dạy toán trong tương lai. Điều khá đặc biệt là Quân cũng không phải là thành viên được kì vọng nhất nhưng kết quả cuối cùng em lại là người có kết quả tốt nhất (đạt 34 điểm, cao nhất trong số 6 thành viên dự thi). Với kết quả ngoài mong đợi, Quân đã mở rộng ước mơ của mình đó là được lên đường đi du học Mỹ.
"Cậu út" Nguyễn Thế Hoàn mặc dù năm nay mới chỉ học lớp 11 nhưng cũng đã lên kế hoạch tìm kiếm học bổng để đi du học. Hoàn cho biết là sẽ học thêm tiếng Anh để năm tới nộp hồ sơ vào ngành Toán của một trường ở Mỹ hoặc Canada và sẽ cố gắng kiếm càng nhiều học bổng càng tốt vì điều kiện gia đình khó khăn, không đủ lo chi phí nếu phải đóng quá nhiều.
6 học sinh giành huy chương Olympic Toán quốc tế 2014
Ba học sinh đoạt huy chương Vàng gồm: em Trần Hồng Quân - lớp 12 Trường THPT chuyên Thái Bình (tỉnh Thái Bình), em Nguyễn Thế Hoàn - học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Tự nhiên (ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN); em Phạm Tuấn Huy - lớp 12 Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TPHCM. Hai em đoạt được huy chương Bạc là em Vương Nguyễn Thùy Dương - lớp 12 THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Đà Nẵng và em Hồ Quốc Đăng Hưng - lớp 12 Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TPHCM. Học sinh đoạt huy chương Đồng là em Nguyễn Huy Tùng - lớp 12 Trường THPT chuyên Trần Phú, TP Hải Phòng. |
Nguyễn Hùng