Quấy rối tình dục học đường: Cần dũng cảm và học cách lên tiếng!

Kiều Phương Nguyễn Phương Thảo

(Dân trí) - Đối diện với hành vi quấy rối tình dục học đường, thay vì im lặng và cam chịu, nạn nhân cần dũng cảm và học cách lên tiếng, mạnh dạn tìm kiếm sự giúp đỡ, hỗ trợ của người thân.

Sau nhiều vụ việc về quấy rối tình dục bị phát giác, tố cáo chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận, đối diện với vấn đề này một cách nghiêm túc hơn nữa. Phải đấu tranh để bài trừ vấn nạn này, đặc biệt là ở cấp trường học, để học sinh/ sinh viên đến trường đúng nghĩa "mỗi ngày đến trường là một ngày vui".

Quấy rối tình dục học đường: Cần dũng cảm và học cách lên tiếng! - 1

Theo nhà giáo Đặng Thu Trang, quấy rối tình dục học đường có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhận thức của học sinh, sinh viên về môi trường an toàn. (Ảnh: minh họa).

Những hậu quả đau đớn

Giảng dạy tại một trường THPT tại Hải Phòng, nhà giáo Đặng Thu Trang (giáo viên môn Ngữ Văn) chia sẻ, quấy rối tình dục đã âm thầm diễn ra tại các trường học, song nhiều năm trở lại đây mới bắt đầu nhận được sự chú ý xứng đáng. Một số sự cố xảy ra gần đây đã giúp nhiều học sinh, sinh viên, phụ huynh cũng như nhà trường và cộng đồng thấy rõ được cần làm gì để loại trừ vấn nạn quấy rối tình dục học đường từ gốc.

"Hình thức bị quấy rối phổ biến xảy ra tại trường học là chú ý, nhìn chằm chằm vào các bộ phận nhạy cảm, đưa ra lời bình luận, phán xét hoặc giả vờ vô tình đụng chạm. Nhiều thủ phạm khi thực hiện hành vi đồi bại thường đưa ra những lý do như "trêu cho vui" hay "bảo vệ "người yêu trong mộng" và thu hút sự chú ý từ nạn nhân".

Theo nhà giáo Đặng Thu Trang, quấy rối tình dục học đường có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhận thức của học sinh, sinh viên về môi trường an toàn.

Thậm chí, nạn nhân của hành vi quấy rối tình dục học đường sẽ bị rơi vào một loạt hệ quả tiêu cực như sợ hãi, lo âu, stress, cảm giác xấu hổ, tội lỗi, cảm thấy bản thân thấp kém, giảm giá trị, mất lòng tin vào người khác, thậm chí nảy sinh ý định tự tử.

"Cách đây 3 năm, tại cơ sở giáo dục mà tôi công tác đã xảy ra một sự việc vô cùng đáng buồn. Một nữ sinh lớp 12 đã nhảy cầu, kết thúc quãng đời thanh xuân tươi đẹp và để lại một bức thư, ghi lại chi tiết việc bản thân bị nhóm bạn nam cùng lớp chọc ghẹo, quấy rối và thực hiện hành vi tình dục đồi bại.

Trước đó, nữ sinh ấy được bạn bè đánh giá là mạnh mẽ, cá tính, thậm chí có phần cá biệt. Tuy nhiên, sự mạnh mẽ ấy cũng không cứu em khỏi "vết đen" khi trở thành nạn nhân của vấn nạn quấy rối học đường" - cô Trang bày tỏ.

Chia sẻ với PV Dân trí, Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Trọng Nhân, Giảng viên Kỹ năng mềm tại Trung tâm Đào tạo Ý Tưởng Việt cho biết, quấy rối tình dục là một hành vi cần được ngăn chặn và triệt tiêu vì nó để lại những hậu quả vô cùng đau đớn.

"Nếu quấy rối tình dục theo hình thức bạo lực thì nạn nhân có thể chịu tổn thương bộ phận sinh dục, cơ quan sinh sản… Một số trường hợp bị bạo hành sẽ để lại thương tích trên cơ thể, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng.

Không chỉ gây ra những tổn thương sinh lí trong cơ thể, quấy rối tình dục còn gây ra những khủng hoảng và sang chấn tâm lý nặng nề đối với nạn nhân, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và việc xây dựng mối quan hệ của nạn nhân về sau" - Thạc sĩ tâm lý phân tích.

Không thể im lặng và cam chịu

Theo nhà giáo Đặng Thu Trang, mặc dù nạn quấy rối tình dục học đường diễn ra ngày càng phổ biến, thậm chí "biến chất" thành những hành vi xâm hại tình dục đầy nguy hiểm, song thực tế, nhiều học sinh/sinh viên khi trở thành nạn nhân của hành vi quấy rối, lại chọn cách im lặng như một biện pháp đối phó, hoặc "tặc lưỡi" bỏ qua và suy nghĩ "đó chỉ là hành vi chọc ghẹo, tán tỉnh mà thôi".

"Nhiều nạn nhân vì lo sợ hình ảnh của mình sẽ bị xấu đi trong mắt mọi người, lo sẽ bị mọi người chỉ trích nên đã im lặng, tìm cách giữ kín nỗi đau trong tim, từ đó nảy sinh cảm xúc tiêu cực và xảy ra những hậu quả mà chẳng ai mong muốn.

Bên cạnh đó, nhiều người - dù là nạn nhân của hành vi sàm sỡ, quấy rối, nhưng họ lại chưa đủ nhận thức để phân biệt đâu là quấy rối, đâu là trêu đùa thông thường. Điều này thường xảy ra ở các bạn học sinh, do chưa được giáo dục, nhận thức về các hành vi liên quan đến vấn đề này. Do không biết nên họ đã thờ ơ và im lặng".

Cũng theo giáo viên này, đối diện với các hành vi quấy rối tình dục học đường, nhiều nhà trường, thầy cô, thậm chí phụ huynh còn tìm cách "lờ đi" ngay cả khi nạn nhân đang "kêu gào", lên tiếng. "Điều này một phần xuất phát từ tâm lý, sợ vụ việc "vỡ lở" sẽ ảnh hưởng tới danh tiếng của nhà trường, nên họ đã chọn cách im lặng và chôn giấu, coi như chưa có chuyện gì xảy ra".

Trước vấn nạn quấy rối tình dục học đường ngày một gia tăng, Thạc sĩ Tâm lý Đinh Văn Thịnh - Giảng viên kỹ năng mềm; PGĐ kỹ năng và truyền thông Hệ thống Trung tâm ATC khẳng định, im lặng trước vấn nạn này không phải là một giải pháp tốt.

Theo đó, sự im lặng sẽ làm đối tượng quấy rối tình dục lấn lướt và tiếp tục duy trì những hành vi quấy rối trước đó và có thể sẽ có những hành vi nghiêm trọng hơn là sờ mó, quan hệ xác thịt và bắt ép, bạo lực tình dục, uy hiếp nạn nhân khi đối tượng quay lại hình ảnh…

Giống với anh Đinh Văn Thịnh, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Trọng Nhân cho rằng "Im lặng sẽ không giải quyết được nạn quấy rối tình dục".

"Nạn nhân càng im lặng thì kẻ xấu càng "được nước lấn tới". Im lặng không chấm dứt được quấy rối, nó thể hiện sự yếu thế của nạn nhân và cho thấy nạn nhân không có khả năng chống cự. Điều đó lại càng nguy hiểm hơn".

Anh Nguyễn Trọng Nhân cho hay, đối diện với hành vi quấy rối tình dục học đường, thay vì im lặng và cam chịu, nạn nhân cần dũng cảm và học cách lên tiếng, mạnh dạn tìm kiếm sự giúp đỡ, hỗ trợ của người thân. Sự giúp đỡ đúng lúc, đúng cách sẽ phá tan mọi "nguồn cơn", giúp nạn nhân tránh sa vào "hố đen" tâm lý do chịu tác động từ việc bị quấy rối tình dục.

Xây dựng "lá chắn" để bảo vệ chính mình

Để phòng tránh nạn quấy rối tình dục, Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Trọng Nhân cho rằng mỗi học sinh/sinh viên cần tự trang bị kiến thức cho bản thân, đặc biệt là sự hiểu biết về vấn đề giáo dục giới tính. Có nhận thức và hiểu biết đúng đắn để làm chủ hành động của bản thân, tránh việc thực hiện những hành vi xấu, không phù hợp với đạo đức và chuẩn mực.

"Rèn luyện ý chí mạnh mẽ và quyết liệt phản ánh, tố giác người thực hiện những hành vi quấy rối. Không im lặng mà hãy lên tiếng để tự bảo vệ chính mình" - Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Trọng Nhân nhấn mạnh.

Cùng với đó, Thạc sĩ Tâm lý Đinh Văn Thịnh cũng chỉ ra; học sinh/sinh viên cần làm rõ vai trò của mình trong các mối quan hệ, đặc biệt trong tình yêu cần có một quá trình tìm hiểu rõ ràng.

"Chú ý cách ăn mặc đừng quá gợi cảm và trong trò chuyện tránh cởi mở quá mức trong việc sử dụng từ ngữ gợi dục, mang tính kích thích nhau, hay thả thính bằng những trạng thái trên mạng xã hội…Tránh kết bạn và giao tiếp với những người lạ mà mình không biết trước đó thông qua mạng xã hội, để thông tin cá nhân ở chế độ riêng tư.

Cần lên tiếng và nói không với những mối quan hệ không rõ ràng, chỉ vài ngày là bắt đầu sexting…gợi dục bằng cách gửi hình ảnh sex, video clip…"

Đồng thời anh Đinh Văn Thịnh thấy tầm quan trọng của nhà trường trong việc triển khai các lớp học kỹ năng sống về nhận diện, phòng tránh xâm hại tình dục, mạng xã hội, giáo dục giới tính, tình yêu… Và phụ huynh cần trò chuyện và chia sẻ với con, để có thể biết được những tâm tư, những câu chuyện thầm kín, từ đó nắm bắt kịp thời vấn đề, đồng hành và chia sẻ.

"Xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc tác động đến nhận thức, dư luận và hành động của các cấp quản lý nhà nước. Vì vậy, xã hội mà cụ thể là người dân hãy mạnh mẽ và dùng đồng lòng thể hiện sức mạnh tinh thần, từ đó tạo ra tiếng nói giúp đem lại sự công bằng, minh bạch để bảo vệ những nạn nhân bị quấy rối và giảm thiểu vấn nạn quấy rối tình dục học đường", Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Trọng Nhân chỉ ra.