Quảng Trị: Niềm vui, nỗi lo trước ngày khai giảng năm học mới
(Dân trí) - Huyện Đakrông và Hướng Hóa là 2 địa phương thuộc vùng núi khó khăn của tỉnh Quảng Trị, hiện còn nhu cầu gần 180 phòng học nhưng chưa được bố trí vốn đầu tư. Một số đơn vị không có phòng học nên phải mượn cơ sở của hợp tác xã, TTHTCĐ; nhiều trường học được xây dựng lâu năm, đã hư hỏng xuống cấp trầm trọng.
Ngày 30/8, tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị đã thông báo một số kết quả đạt được của năm học 2016-2017, phương hướng, nhiệm vụ trong năm học mới 2017-2018.
Nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi trong nước, quốc tế
Trong năm học 2016-2017, ngành GD&ĐT Quảng Trị đã tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2016 - 2017 với tinh thần chủ động, sáng tạo.
Quy mô mạng lưới trường, lớp học trong toàn tỉnh đã được tổ chức, sắp xếp lại từng bước hợp lý, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu học tập của con em nhân dân. Sở GD&ĐT đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Bên cạnh việc tăng cường quản lý đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; việc tổ chức bồi dưỡng giáo viên, công tác xây dựng nếp sống văn hóa học đường và an toàn trường học cũng được ngành tập trung chỉ đạo và đạt được kết quả đáng khích lệ.
Chất lượng giáo dục đại trà được duy trì ổn định. Chất lượng mũi nhọn phát triển khởi sắc, tỉnh đã có 1 học sinh đạt giải Ba Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật quốc tế Intel - ISEF và 1 học sinh đạt huy chương Bạc tại Kỳ thi Olympic Toán học Singapore và Châu Á - SASMO 2017. Đặc biệt, gần đây em Phan Đăng Nhật Minh (học sinh lớp 12A3, trường THPT Hải Lăng vừa trở thành quán quân cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia 2017.
Trước thực trạng học sinh bỏ học còn cao ở một số địa phương, ngành GD&ĐT xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo để hạn chế tối đa việc học sinh bỏ học. Các cơ sở giáo dục đã thực hiện nhiều giải pháp để duy trì số lượng, phân công giáo viên bộ môn kèm cặp, giúp đỡ, phụ đạo cho học sinh có học lực yếu, kém, bám địa bàn, phối hợp với chính quyền, đoàn thể, phụ huynh để quản lý, giáo dục học sinh, huy động các nguồn lực để hỗ trợ học sinh nghèo vượt qua khó khăn để được đến trường, đồng thời tuyên truyền vận động học sinh bỏ học trở lại lớp. Tỷ lệ học sinh bỏ học trong năm học 2016 - 2017 giảm mạnh so với cùng kỳ năm học trước.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 105/154 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỉ lệ: 68,2%, cấp THCS có 56/130 trường được công nhận đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 43,1% và 9/31 trường THPT đạt chuẩn, tỷ lệ 29,03%. Tổng số các trường được công nhận đạt chuẩn trên toàn tỉnh là 252/493 trường, chiếm tỷ lệ 51,12%. Việc duy trì và xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh có tác dụng tích cực là động lực góp phần chỉnh trang cơ sở vật chất trường lớp học, nâng cao chất lượng đội ngũ và chất lượng giáo dục.
Nâng cao chất lượng dạy học, khắc phục tình trạng “ngồi nhầm lớp”
Những mặt yếu kém, tồn tại trong việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục như tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”, lạm thu trong một số cơ sở giáo dục, bạo lực học đường đã được ngành tập trung chỉ đạo, xử lý kịp thời với các giải pháp đồng bộ, quyết tâm cao.
Mặc dù được sự quan tâm đầu tư của trung ương, của tỉnh, các tổ chức xã hội... nhưng nhu cầu về phòng học, về nhà công vụ, nhà vệ sinh cho giáo viên, nhân viên vẫn còn thiếu, đặc biệt là ở 2 huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, hiện nay tại huyện Đakrông và Hướng Hóa ước tính còn thiếu 352 phòng học, trong đó đã có chủ trương phê duyệt đầu tư xây dựng mới 179 phòng học, còn nhu cầu 173 phòng học nhưng chưa được bố trí vốn đầu tư. Cá biệt, một số đơn vị không có phòng học nên phải mượn cơ sở của hợp tác xã, hay trung tâm học tập cộng đồng để học; nhiều trường học được xây dựng lâu năm, đã hư hỏng xuống cấp trầm trọng; ở một số trường vùng sâu, vùng xa, nhà công vụ hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu của giáo viên.
Nhận diện hiện tượng dạy thêm, học thêm chưa đúng quy định vẫn còn diễn ra ở một số giáo viên ở các địa bàn. Công tác kiểm tra nội bộ; công tác chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn ở một số trường chưa thường xuyên và chưa chặt chẽ. Sở GD-ĐT sẽ tập trung thanh tra có chiều sâu các hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành theo quy định; tăng cường thanh tra đột xuất, thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong các cơ sở giáo dục; thanh tra chuyên đề công tác dạy thêm, học thêm, công tác thu chi và sử dụng các nguồn ngoài ngân sách, các khoản đóng góp của người học; công tác bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ.
Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, năm học 2017-2018, ngành GD-ĐT xác định nhiệm vụ trọng tâm cần tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; xây dựng môi trường trường học an toàn. Rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục. Tăng cường công tác xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Tăng cường công tác thanh tra, khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục. Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo. Nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ và đẩy mạnh các hoạt động xây dựng xã hội học tập. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục ở các cấp học, ngành học.
Đăng Đức