Lâm Đồng:

Quá nhiều sai sót ở một đề thi

Vừa qua, rất nhiều học sinh, phụ huynh và thầy cô TP Đà Lạt phản ánh về đề thi môn ngữ văn trong kỳ thi kiểm tra chất lượng học kỳ II lớp 9 năm học 2005-2006 do Phòng GD-ĐT ra đề có quá nhiều sai sót.

Trước hết là một đề thi trắc nghiệm, nhưng không hề yêu cầu học sinh làm bài trên đề hay làm vào giấy làm bài, đề cũng không yêu cầu hình thức làm bài nào cả (khoanh tròn, đánh chéo hay gạch chân...). Chính vì điều này mà nhiều học sinh sau khi nhận đề, lúng túng không biết phải làm như thế nào. Giám thị thì mỗi người sẽ hướng dẫn cho học sinh một cách. Với 14 câu trắc nghiệm, hầu như câu nào cũng có sai sót. Chúng tôi xin dẫn ra đây một vài ví dụ (ở mã đề 002):

 

Câu 5 đề ra: Câu "trời ơi, chỉ còn 5 phút" (lặng lẽ Sa Pa) bộc lộ tâm lý gì của người nói? Sau đó đề đưa ra 4 phương án (đều diễn tả tâm trạng chứ không có từ nào diễn tả tâm lý như đề ra): a. Ngạc nhiên, b. Thất vọng, c. Giận dữ, d. Buồn chán.

 

Câu 8 đề ra: Thành phần phụ chú trong đoạn thơ sau có ý nghĩa gì?:     

                                                                                  

Cô bé nhà bên (có ai ngờ)

 

Cũng vào du kích

 

Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích

 

Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi)

 

Và cũng có 4 phương án để lựa chọn, nhưng vấn đề ở đây là đoạn thơ có cả 2 thành phần phụ chú với ý nghĩa khác nhau, không biết học sinh sẽ lấy thành phần nào để chọn cách trả lời?

 

Câu 10 đề ra: Dòng nào sau đây nêu cách hiểu đúng nhất về 2 câu thơ "Con dù lớn vẫn là con của mẹ. Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con", và đưa ra 4 "cách hiểu" để học sinh lựa chọn: a. Tình cảm của người mẹ mãi dạt dào và có ý nghĩa lớn lao đối với cuộc đời mỗi người; b. Tình mẹ yêu con mãi mãi không bao giờ thay đổi; c. Bổn phận làm con phải luôn luôn ghi nhớ và biết công lao của cha mẹ; d. Ca ngợi người mẹ luôn yêu thương con ngay cả khi con đã lớn khôn. Không biết với các phương án này học sinh sẽ chọn phương án nào? (theo đúng đáp án phải chọn câu a). Chúng tôi thử đưa cho một giáo viên đang dạy văn chọn câu trả lời đúng, nhưng cô này cũng đành "bó tay"!

 

Câu 11 đề ra: Chép lại theo trí nhớ 4 câu thơ có từ trăng trong các bài thơ đã học trong chương trình Ngữ văn lớp 9. Không biết đề thi như thế này thì giám thị chấm thi sẽ dựa vào đâu để chấm, vì học sinh có quyền chép lại 4 câu thơ bất kỳ mà mình nhớ (thậm chí nhớ sai - vì đề yêu cầu chép theo trí nhớ mà!).

 

Đấy là chưa kể tất cả các câu đều sai về nguyên tắc ra đề (như không trích dẫn rõ ràng: không có tên bài thơ, hoặc tên tác giả). Ngày 18/5, chúng tôi đã làm việc với ông Trần Quang Hữu - Trưởng phòng GD-ĐT Đà Lạt và được biết phòng cũng nhận được phản ảnh của giáo viên, nhưng "công việc không gấp, từ từ giải quyết cũng được" (kỳ thi diễn ra ngày 5/5/2006)! Vả lại đề này phòng giao cho cô T. - Hiệu phó trường P.C.T và là giáo viên ưu tú trong nhiều năm liền ra đề (chứ không lập hội đồng ra đề) và "trách nhiệm thuộc về giáo viên ra đề là chính".

 

Ông Hữu còn khẳng định "hạn chế của đề chỉ là "ngầm hiểu" chứ không sai gì nhiều lắm (?)". Dù  ông Hữu đồng ý những sai sót mà chúng tôi dẫn ra và "sẽ rút kinh nghiệm", còn về cơ bản vẫn chấp nhận đề thi và kết quả thi vừa rồi - liệu như vậy quyền lợi của các em học sinh có được bảo đảm?

 

Theo Lê Hân

Thanh Niên