Phương pháp ôn luyện đạt điểm cao môn Sinh học kỳ thi THPT quốc gia 2016

(Dân trí) - Kì thi THPT Quốc gia năm 2016 đang đến gần, do đó kế hoạch ôn tập, củng cố, rèn luyện những kiến thức đã học nhằm đạt được kết quả cao nhất trong kì thi sắp tới là một khâu hết sức quan trọng. Việc luyện đề thi thử của học sinh là một công việc then chốt có thể giải quyết tốt các vấn đề trên.

Nhà giáo Phan Tấn Thiện cho biết, thông qua việc giải các đề thi thử môn Sinh học, học sinh có thể ôn tập, khắc sâu các kiến thức đã được học, đồng thời rèn luyện cho học sinh kĩ năng tính toán để giải các bài tập trắc nghiệm một cách nhanh nhất, chính xác nhất.

Ngoài ra, việc giải đề thi thử còn giúp các em bổ sung các kiến thức còn thiếu trong quá trình học tập của mình, cách phân bố thời gian làm bài thi một cách hợp lí. Từ đó, các em có thể đạt được sự tự tin nhất trước khi bước vào kì thi chính thức – tự tin là một nhân tố quan trọng quyết định sự thành công.

Phương pháp ôn luyện đạt điểm cao môn Sinh học kỳ thi THPT quốc gia 2016 - 1

Để đạt được hiệu quả tối ưu từ việc luyện đề thi thử môn Sinh học, các em cần phải thực hiện các bước sau:

Bước 1: Trước khi làm đề

Để có được sự tập trung cao độ trong quá trình luyện đề các em cần chú ý đến những công việc cần chuẩn bị trước khi làm đề như sau

+ Không gian: dọn dẹp ngăn nắp, sạch sẽ, đặc biệt là bàn học; khu vực luyện đề phải yên tĩnh, đủ ánh sáng.

+ Thời gian: Chuẩn bị đồng hồi để canh giờ thời gian làm bài, khoảng 5 đề thi thử đầu tiên các em nên làm mỗi đề trong thời gian 90' (đúng với thời gian của đề thi chính thức), những đề sau đó các em phải đặt mục tiêu cao hơn bằng cách rút ngắn thời gian làm bài cho 1 đề thi thử (thời gian làm mỗi đề tỉ lệ nghịch với số thứ tự đề).

+ Dụng cụ: bút mực, bút chì, máy tính, phiếu trả lời trắc nghiệm, ngoài ra các em nên chuẩn bị thêm nước uống. Tuyệt đối trong thời gian làm đề các em không nên loay hoay tìm những vật này vì vấn đề sẽ ảnh hưởng đến mức độ tập trung của các em, đồng thời ảnh hưởng đến kế hoạch về thời gian mà chúng ta đã định sẵn.

Bước 2: Đang làm đề

Trong đề thi THPT Quốc gia năm 2015 gồm có 50 câu, trong đó có khoảng 25 câu dễ và 25 câu khó; các câu hỏi dễ rơi vào 25 câu đầu, các câu hỏi ở mức độ khó sẽ rơi vào phần còn lại của đề thi; số điểm mỗi câu hỏi của đề thi là 0,2 đ (dù dễ hoặc khó).

Do đó các em cần chọn những đề thi thử vào các năm 2015 và 2016 (vì trong các đề thi này cấu trúc như đã nêu ở trên), trong quá trình giải đề thi thử các em phải làm những câu hỏi dễ trước (đặc biệt những câu hỏi kiếm tra kiến thức lí thuyết).

Khi làm những câu dễ này các em cần phải có thái độ nhất khoát, để giải quyết các câu này một cách nhanh nhất, nếu quá cầu toàn sẽ ảnh hưởng đến lượng thời gian của những câu khó hơn còn lại.

Khi làm những câu khó thuộc phần sau của đề thi, các em vừa đọc đề vừa tập trung suy nghĩ nhưng không nên đọc quá chậm, cũng không nên đọc quá nhanh (vì nếu đọc quá nhanh các em sẽ phải mất công đọc lại đề một lẫn nữa); những bài tập dạng lạ, khó, phức tạp các em phải thực hiện sau cùng của thời gian làm bài.

Nếu cảm thấy không thể giải quyết được những câu khó nhất trong đề thi thì các em nên tạm gác lại để dò lại những câu đã làm được, đặc biệt là những câu có tính toán.

Cuối cùng các em tổng kết lại số lượng các phương án lựa chọn đã tìm được ở các câu mình đã làm, phương án nào có số lần chọn thấp nhất thì trong những câu không thể làm được các em nên chọn đồng loạt phương án này. Ví dụ: các em đã làm được 40 câu, 10 câu không thể giải quyết được, trong 40 câu đã làm được có 12 câu chọn phương án A, 10 câu chọn phương án B, 13 câu chọn phương án C và 5 câu chọn phương án D thì tất cả 10 câu không thể giải quyết được các em phải chọn phương án D.

Thực hiện cách này, xác suất các em chọn được phương án đúng sẽ cao nhất. Lưu ý, trong lúc làm đề thi thử thì 10 câu chọn phương án theo kiểu này các em phải đánh dấu để biết được những câu này là những câu mình không thể làm được để chuẩn bị cho công việc ở bước 3.

Bước 3: Sau khi làm đề

Kiểm tra đáp án để biết số điểm mình đã làm được (nếu đề thi có đáp án), đồng thời đánh dấu những câu những không làm không làm được (trong đó có 10 câu như ví dụ ở bước 2). Những câu không làm được các em cần tìm những tài liệu như sách giáo khoa, sách tham khảo để bổ sung kịp thời những kiến thức đã “hỏng”, đồng thời xem lại những kiến thức liên quan (trong phạm vi hẹp) đến kiến thức hỏng để hoàn thiện kiến thức một cách trọn vẹn.

Ví dụ: các em “hỏng” kiến thức liên quan đến nhân tố tiến hóa là chọn lọc tự nhiên thì ngoài ôn tập lại kiến thức nhân tố tiến hóa chọn lọc tự nhiên thì các em phải ôn tập lại toàn bộ 4 nhân tố tiến hóa còn lại là đột biến, giao phối không ngẫu nhiên, di – nhập gen, các yếu tố ngẫu nhiên.

Nếu trong những tài liệu này các em vẫn không tìm những được kiến thức đến câu hỏi của đề thi thì các em nên tiếp tục hỏi bạn bè của mình hoặc các Thầy cô giáo.

Đối với những đề không có đáp án thì bắt buộc các em phải rà soát lại kiến thức của từng câu hỏi trong đề thi để tìm kết quả đúng cho từng câu hỏi.

Chúc các em đạt được kết quả cao nhất trong kì thi sắp tới!

Phan Tấn Thiện

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm