Phụ huynh yêu cầu gắn camera, chụp hình lại từng bữa ăn, trường từ chối
(Dân trí) - Lo lắng về bữa ăn của con, phụ huynh một số trường rậm rịch lên tiếng việc lắp camera ở bếp ăn, yêu cầu trường chụp lại hình ảnh bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, nhiều trường không mặn mà với điều này.
Đề xuất gắn camera, chụp ảnh bữa ăn
Một trong những hướng giải quyết sự việc "bữa ăn gây sốc" tại Trường tiểu học Nguyễn Thị Bưởi gần đây, UBND Q.9, TPHCM đề xuất phương án thực hiện gắn camera trong khu vực nhà bếp, nhà ăn, giám sát từ khâu nhập liệu đến khâu chế biến, phân chia khẩu phần ăn cho học sinh. Kinh phí từ nguồn xã hội hóa.
Phía Phòng GD&ĐT Q.9, TPHCM cũng thông tin, sau sự việc, họ đã tổ chức họp với hiệu trưởng các trường tiểu học, yêu cầu các trường phải phối hợp chặt chẽ với phụ huynh trong vấn đề bữa ăn bán trú. Cụ thể cung cấp thông tin rõ ràng, thực đơn bữa ăn của học sinh, chụp hình lại bữa ăn để phụ huynh nắm rõ.
Lo lắng về bữa ăn của con, phụ huynh một số trường cũng rậm rịch lên tiếng việc lắp camera ở bếp ăn, yêu cầu trường chụp lại hình ảnh bữa ăn hàng ngày của con. Đây chỉ mới là ý kiến, đề xuất mang tính cá nhân, không phải là chính thức. Tuy nhiên, nhiều trường không mặn mà với điều này.
Một phụ huynh có con học tiểu học ở Thủ Đức cho biết, sau sự việc bữa ăn ở Trường tiểu học Trần Thị Bưởi, chị và một nhóm phụ huynh có nêu ra ý kiến với về việc lắp camera ở khu vực bếp ăn, phòng ăn của học sinh.
Tuy nhiên, trường không phản hồi, chỉ giáo viên chủ nhiệm có trao đổi lại bằng lời là nhà trường chưa bàn đến vấn đề này.
Giải thích, hợp tác thay vì đối đầu
Trong buổi chia sẻ mới đây về giáo dục, ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục ICS cho biết, sau sự việc bữa ăn bán trú gây xức xúc ở Trường tiểu học Trần Thị Bưởi, Q.9, một số phụ huynh ở trường cũng đề nghị chụp từng bữa ăn trưa của các con gửi cho phụ huynh.
Trường từ chối yêu cầu này của phụ huynh, nhưng cạnh đó cũng giải thích cho phụ huynh hiểu vì sao mình làm như vậy.
Việc chụp từng bữa ăn gửi cho phụ huynh, theo bà Phương là việc có thể làm được nhưng trường không làm.
"Nếu trường đã có ý gian dối thì có chụp từng bữa ăn cũng không giải quyết được vấn đề gì. Nếu trường làm nghiêm túc mà phải đi chụp từng bữa ăn thì không còn năng lượng để làm những công việc khác", bà Phương nói.
Trong khi, giáo dục trẻ, theo bà Phương có rất nhiều mục tiêu, nhiều việc để làm, mỗi người ở trường học phải dành thời gian và công sức thì mới có kết quả.
Cần tích cực chia sẻ với phụ huynh
ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương bày tỏ, các trường học cần dành thời gian để tư vấn, trao đổi, truyền thông đến phụ huynh.
Giả thích để họ hiểu tại sao chúng ta áp dụng cách này, lựa chọn điều này để phụ huynh hiểu và chia sẻ những gì mình làm. Khi được giải thích rõ ràng, phụ huynh sẽ tăng sự hợp tác lên rất nhiều.
Bà Uyên Phương cũng chia sẻ thêm, một số trường mầm non bà làm việc cũng không gắn camera ở lớp học.
Trao đổi với phụ huynh, họ biết nhu cầu của bố mẹ xem camera là để thấy con không bị bạo hành, vui vẻ ở trường học. Nhu cầu này là rất chính đáng.
Nhưng trường giải thích cho phụ huynh, việc lắp camera hoàn toàn không đáp ứng được nhu cầu đó.
Cô giáo nếu đã bạo hành, họ có trăm phương ngàn kế để che dấu hành động của mình, không camera nào theo dõi được.
Thậm chí camera còn tăng thêm sự căng thẳng cho giáo viên, từ đó có thể tăng nguy cơ bạo hành trẻ.
"Chúng ta đi làm, tất cả mọi hành vi của chúng ta đều có camera với nhiều ánh mắt theo dõi, chúng ta thoải mái? Có chịu đựng nổi không?", bà Phương hỏi.
Đồng thời, cho phụ huynh thấy trường có những quy định, nguyên tắc, những cách giảm áp lực cho giáo viên, nhiều việc khác để làm cho môi trường giáo dục của trường... để họ tin tưởng.
Theo một chuyên gia giáo dục, việc gắn camera ở trường học để giám sát có thể nói là sự đổ vỡ của niềm tin, khi mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh chuyển sang đối đầu thì không thể nào tốt đẹp.
Thay vì hai bên cùng hợp tác, trao đổi, góp ý cần làm gì để tốt cho đứa trẻ thì mục tiêu quan trọng nhất của hai bên bây giờ là làm sao "bắt lỗi" bên kia, làm sao để "qua mặt" bên kia.
Về đề bữa ăn ở trường học, chia sẻ với phụ huynh Trường tiểu học Trần Thị Bưởi trong buổi làm việc mới đây, bác sĩ Lê Minh Hải, Phó Trưởng ban, Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM nhấn mạnh, việc kiểm tra ATTP có những quy định của kiểm tra. Không thể một lần kiểm tra đạt an toàn là chắc chắn những ngày khác cũng sẽ duy trì như vậy.
Việc giám sát vấn đề ATTP trong trường học rất cần thiết. Nhà trường cần tạo điều kiện cho phụ huynh tham gia giám sát, phụ huynh cần biết cách giám sát để đạt hiệu quả.
Việc giám sát cần trên tinh thần hợp tác và điều quan trọng nhất chính là trách nhiệm của những người có trách nhiệm đối với suất ăn của trẻ.