1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hàn Quốc quyết ngăn chặn hội chứng thích sống ẩn dật ở thanh niên

Thanh Thành

(Dân trí) - Chính phủ Hàn Quốc đã có những chính sách mới, trong đó có các khoản trợ cấp hàng tháng, để khuyến khích những thanh thiếu niên sống ẩn dật ra khỏi nhà, trở lại cuộc sống xã hội.

Hàn Quốc quyết ngăn chặn hội chứng thích sống ẩn dật ở thanh niên - 1

Căn phòng của Yoo Seung-gyu khi anh từng tự cô lập mình trong phòng (Ảnh: BBC).

Năm 2019, anh Yoo Seung-gyu lần đầu tiên bước ra khỏi căn hộ studio của mình sau 5 năm sống ẩn dật trong đó. Yoo bắt đầu dọn dẹp căn hộ bừa bộn cùng anh trai. Và sau đó anh đi câu cá cùng với những người bạn cũng từng sống ẩn dật như mình, mà anh gặp thông qua một tổ chức phi lợi nhuận.

"Thật là một cảm giác kỳ lạ khi được ở trên biển nhưng cũng rất sảng khoái sau thời gian ẩn dật. Nó như thể không phải là sự thật, nhưng chắc chắn tôi đã ở đó. Tôi đang tồn tại", anh Yoo nói.

Ngày càng nhiều thanh niên Hàn Quốc chọn cách sống cô lập bản thân như Yoo trong quá khứ, sống cách ly hoàn toàn với một xã hội không như những kỳ vọng của họ.

Những người sống ẩn dật này được gọi là "hikikomori", thuật ngữ lần đầu được nêu ra tại Nhật Bản vào những năm 1990 để mô tả tình trạng xa lánh xã hội nghiêm trọng của thanh thiếu niên.

Tại Hàn Quốc, nơi đang phải đối mặt với tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và năng suất giảm, điều đó đã trở thành mối lo ngại nghiêm trọng. Vấn đề đáng lo ngại đến mức các nhà chức trách đang trợ cấp số tiền hàng tháng cho những người trẻ sống ẩn dật để "dụ" họ ra khỏi nhà.

Những người trong độ tuổi 9-24 ở các gia đình có thu nhập thấp hơn có thể nhận được đến 650.000 won (khoảng 500 USD), dưới dạng trợ cấp sinh hoạt hàng tháng. Họ cũng có thể nộp đơn xin trợ cấp cho một loạt dịch vụ, bao gồm y tế, giáo dục, tư vấn, dịch vụ pháp lý, hoạt động văn hóa và thậm chí cả "chỉnh sửa ngoại hình và vết sẹo".

Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc cho biết, những chính sách ưu đãi này được đưa ra là nhằm "tạo điều kiện cho thanh niên sống ẩn dật trở lại cuộc sống hàng ngày và tái hòa nhập xã hội".

Họ định nghĩa thanh niên sống ẩn dật là những người "sống ở không gian hạn chế trong thời gian dài, cách ly với thế giới bên ngoài và gặp khó khăn đáng kể trong cuộc sống bình thường".

Nhưng việc chi tiền cho họ không thể giúp giải quyết triệt để vấn đề này, những người trẻ tuổi đã tự cô lập cho biết.

Anh Yoo hiện điều hành một công ty hỗ trợ những thanh niên sống ẩn dật có tên là "Not Scary". Việc làm này khác xa với những ngày anh không rời khỏi phòng, thậm chí để sử dụng nhà vệ sinh.

Nhưng hành trình thoát khỏi ẩn dật của anh ấy đầy thăng trầm. Lần đầu tiên anh cách ly với thế giới bên ngoài là khi mới 19 tuổi. Anh sau đó tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong 2 năm rồi khi trở về lại tự cô lập mình trong 2 năm sau đó.

Hàn Quốc quyết ngăn chặn hội chứng thích sống ẩn dật ở thanh niên - 2

Anh Park Tae Hong, một người từng sống ẩn dật, cho biết khó khăn tài chính không phải là lý do khiến người trẻ muốn khép kín (Ảnh: BBC).

Park Tae Hong, người cũng từng sống ẩn dật, cho biết việc tự cô lập có thể giúp một số người có cảm giác thoải mái. "Việc thử sức với những điều mới mẻ thật thú vị nhưng đồng thời bạn cũng phải chịu đựng sự mệt mỏi và lo lắng ở mức nào đó. Còn khi chỉ ở trong phòng, bạn không phải cảm thấy điều đó. Tuy nhiên, điều đó sẽ không tốt nếu diễn ra trong thời gian dài", anh Park, hiện 34 tuổi, nói.

Khoảng 340.000 người trong độ tuổi 19-39 ở nước này, hay 3% nhóm tuổi này, được coi là cô đơn hoặc bị cô lập, theo Viện Y tế và các vấn đề xã hội Hàn Quốc.

Nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ hộ gia đình một thành viên ở Hàn Quốc ngày càng tăng, chiếm khoảng 1/3 tổng số đơn vị gia đình vào năm 2022. Đồng thời, số người tử vong vì "cái chết cô đơn" ở nước này cũng tăng lên.

Tiền không phải là vấn đề

Nhưng vấn đề tiền bạc hay khó khăn về tiền bạc không phải là yếu tố thúc đẩy người trẻ sống ẩn dật.

Theo anh Park, những người trẻ sống ẩn dật xuất thân từ nhiều hoàn cảnh khác nhau. "Họ đến từ nhiều thành phần khác nhau. Tôi tự hỏi tại sao chính phủ lại liên kết cuộc sống ẩn dật với tình trạng tài chính. Không phải thanh niên sống ẩn dật nào cũng gặp khó khăn về tài chính", anh nói, và lấy ví dụ minh chứng là bản thân anh và người bạn Yoo đều được cha mẹ hỗ trợ tài chính khi họ sống ẩn dật.

"Những cá nhân rất cần tiền có thể buộc phải thích nghi với xã hội. Thực sự có rất nhiều trường hợp khác nhau", ông nói thêm.

Điểm chung ở những người trẻ sống ẩn dật là họ tin mình không sống theo tiêu chuẩn thành công của xã hội hoặc gia đình. Một số người cảm thấy không thể phù hợp với xã hội vì họ không theo đuổi con đường sự nghiệp thông thường, trong khi những người khác có thể bị chỉ trích vì điểm học tập kém.

Anh Yoo cho biết mình thi đậu đại học vì mong muốn của người cha nhưng rồi đã bỏ học sau một tháng. "Đi học khiến tôi cảm thấy xấu hổ. Tại sao tôi không được tự do lựa chọn ngành học của mình? Tôi cảm thấy rất khổ sở", anh tâm sự. Anh cũng chưa bao giờ có thể nói chuyện với cha mẹ về điều này.

"Văn hóa xấu hổ ở Hàn Quốc khiến những người sống ẩn dật khó nói ra vấn đề của họ hơn", anh Yoo nói. "Một ngày nọ, tôi mới thấy rõ cuộc sống của mình là sai lầm và bắt đầu tự cô lập". Khi sống cách ly, anh ấy thậm chí hạn chế việc đi vệ sinh vì không muốn gặp gia đình.

Đối với anh Park, áp lực xã hội càng trở nên tồi tệ hơn bởi mối quan hệ căng thẳng với gia đình. "Cha mẹ tôi thường xuyên đánh nhau từ khi tôi còn nhỏ. Điều đó cũng ảnh hưởng đến cuộc sống ở trường của tôi. Trường học ở Hàn Quốc đôi khi rất khó khăn và tôi cảm thấy không thở nổi. Tôi không thể tự chăm sóc bản thân", anh Park nói.

Anh Park bắt đầu điều trị chứng bệnh của mình vào năm 2018 khi 28 tuổi và hiện đang dần trở lại cuộc sống.

Hàn Quốc quyết ngăn chặn hội chứng thích sống ẩn dật ở thanh niên - 3

Các thành viên tham gia vào một hoạt động tại trung tâm Seed:s (Ảnh: BBC).

Bà Kim Soo Jin, quản lý cấp cao của Seed:s, tổ chức chuyên về các chương trình dành cho hikikomori, cho biết những người trẻ tuổi ở Hàn Quốc cảm thấy áp lực vì xã hội kỳ vọng mọi người trở thành một con người nhất định ở một độ tuổi nhất định.

Theo bà Kim, một xã hội nơi người trẻ có thể tìm được nhiều công việc và cơ hội giáo dục hơn có thể thuận lợi hơn cho những người sống ẩn dật. "Khi họ không thể đáp ứng được những kỳ vọng này, họ nghĩ rằng "tôi đã thất bại", "đã quá muộn rồi". Bầu không khí xã hội này làm suy giảm lòng tự trọng của họ và cuối cùng có thể khiến họ muốn tách khỏi xã hội", bà nói thêm.

"Đường hầm chuột chũi"

Seed:s điều hành một không gian được gọi là "đường hầm chuột chũi", nơi những người ẩn dật có thể nghỉ ngơi, tận hưởng quãng thời gian yên bình và tìm kiếm lời khuyên. Các chương trình của họ dành cho mọi người, bất kể mức thu nhập.

Bà Kim cho biết, một xã hội nơi những người trẻ có thể tìm được nhiều công việc và cơ hội giáo dục hơn có thể thuận lợi hơn cho những người sống ẩn dật.

Bản thân anh Park cũng hy vọng rằng ngày nào đó xã hội Hàn Quốc có thể cởi mở hơn đối với những người trẻ tuổi có sở thích khác biệt. "Bây giờ chúng ta chỉ ép các em học. Nó quá đồng đều. Chúng ta cần cho những người trẻ tuổi tự do tìm kiếm những thứ họ thích và giỏi", anh nói.

Các khoản trợ cấp sinh hoạt có thể là "bước đầu tiên" để giải quyết vấn đề, nhưng những người lao động trẻ nói rằng số tiền này có thể được sử dụng hiệu quả hơn. Họ tin rằng tài trợ cho các tổ chức và chương trình hướng đến thanh niên sống ẩn dật bằng cách tư vấn hoặc đào tạo việc làm cho họ, sẽ tạo ra tác động lớn hơn.

"Bước tiếp theo là xây dựng các chương trình miễn phí và có chất lượng cao ở cấp quốc gia dành cho thanh niên ẩn dật. Hiện tại, có rất ít chương trình và trung tâm mà thanh niên ẩn dật có thể tham gia", Kim Hye Won, Giám đốc của PIE for Youth, tổ chức cung cấp các chương trình khác nhau cho thanh niên sống ẩn dật và người chăm sóc họ, nhận định.

Tuy nhiên, cô cũng cho biết rất phấn khởi khi chính phủ Hàn Quốc đang cố gắng giải quyết vấn đề ở lứa tuổi vị thành niên.

Anh Yoo cho hay anh dần dần thoát khỏi sự cô lập chỉ sau khi được gặp những người cũng từng sống ẩn dật thông qua tổ chức phục hồi chức năng hiện đã không còn tồn tại có tên là K2 International.

"Khi tôi nhận được sự giúp đỡ từ những người khác, tôi bắt đầu nhận ra rằng đây không chỉ là vấn đề của riêng tôi mà là vấn đề của xã hội", anh nói. "Và cuối cùng tôi đã có thể từ từ thoát ra khỏi bóng tối".

Theo Yahoo News, BBC