Đắk Lắk:

Phụ huynh tố trường cắt xén các môn chính khóa để dạy tăng tiết thu tiền

(Dân trí) - Nhiều phụ huynh có con em học tại trường THPT Chu Văn An (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) bức xúc khi trường tự ý cắt bỏ nhiều môn học chính khóa để tăng tiết các môn Toán, Văn, tiếng Anh rồi thu tiền.

Phụ huynh: Trường cắt nhiều môn học chính khóa để dạy tăng tiết

Theo đơn phản ánh của phụ huynh có con em theo học tại trường THPT Chu Văn An, sau khi quay trở lại học tập sau kỳ nghỉ do dịch Covid-19, lãnh đạo trường đã cắt bỏ nhiều môn học chính khóa, tự ý tăng tiết môn Toán, Văn, tiếng Anh (Anh) trong giờ học chính rồi bắt 100% học sinh phải đóng tiền thêm.

Phụ huynh tố trường cắt xén các môn chính khóa để dạy tăng tiết thu tiền - 1

Trường THPT Chu Văn An (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) bị phản ánh đã tự ý cắt xén môn học chính và tăng tiết để thu tiền học sinh

Cụ thể, với khối lớp 10 và 11, nhà trường tăng tiết môn Toán, Văn, Anh (2 tiết/tuần) và cắt bỏ nhiều tiết của các môn học; riêng môn Tin học, Công nghệ bị cắt hoàn toàn, không còn được học trên lớp.

Đối với khối lớp 12, các lớp Khoa học tự nhiên bị cắt các môn Sử, Địa, Giáo dục công dân, Tin học, Công nghệ để tăng tiết Toán, Hóa, Sinh, Văn, Anh; lớp Khoa học Xã hội bị cắt môn Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ để tăng tiết Toán, Văn, Sử, Địa, Anh và khi tăng tiết nhà trường đều tiến hành thu tiền.

Theo một học sinh đang học lớp 10 tại trường THPT Chu Văn An, từ khi các em quay lại trường học tập sau dịch Covid-19, trường đã giảm bớt số tiết của nhiều môn học để thay vào đó là dạy tăng tiết môn Toán, Văn, Anh và các học sinh sẽ phải đóng tiền tăng tiết cho giáo viên chủ nhiệm. Được biết, lớp em này phải đóng tiền với mức trên 140.000 đồng/em.

“Thời gian đi học sau dịch, lớp chúng em không còn được học môn Tin học và Công nghệ nữa, khi có thắc mắc thì thầy cô bảo để dành tiết này học các môn chính”, em học sinh này cho hay.

Còn một nữ sinh lớp 12 tại trường này cho biết, do em học lớp xã hội nên trường đã cắt hoàn toàn không còn được học các môn Hóa, Lý, Sinh, Tin học, Công nghệ để thay vào đó tăng tiết các môn còn lại.

“Hiện tại lớp em thông báo đóng tiền tăng tiết là 710.000 đồng/học sinh dù em không có nhu cầu nhưng đây là tiền bắt buộc cả lớp đều phải đóng. Trong khi đó các môn chính khóa chúng em không hề được học nữa nên thấy rất bất cập”, nữ sinh này quả quyết.

Một phụ huynh học sinh bức xúc: “Chúng tôi không hề được nhà trường thông báo việc tăng tiết cho con em mình nhưng vẫn thấy yêu cầu đóng tiền là rất vô lý. Con em chúng tôi nghỉ dịch một thời gian dài sao không được hoàn tiền học mà vừa quay lại trường thì bị thu tiền ngay”.

Học sinh khẳng định các môn bị cắt xén không được dạy trên internet

Ông Đặng Minh Tâm - Phó Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An cho rằng, quá trình nghỉ dịch Covid-19, nhà trường thực hiện tốt việc dạy học qua internet trước chương trình, do vậy khi học sinh đi học trở lại, nhà trường đã họp các tổ chuyên môn để nắm tiến độ. Qua đó, nhà trường chủ động giảm số tiết xuống và tăng các tiết chính lên.

Cũng theo ông Tâm, việc giảm số tiết dạy trực tiếp trên lớp nhưng giáo viên vẫn tiếp tục duy trì dạy qua internet bắt buộc, dạy song song để đảm bảo chương trình.

“Trường tăng tiết ba môn trọng tâm Toán, Văn, Anh đồng loạt 3 khối để đảm bảo nâng cao chất lượng, tránh hổng kiến thức với mỗi môn 2 tiết/tuần. Riêng khối 12 sẽ tăng tiết theo tổ hợp các em đã đăng ký xét tốt nghiệp và đại học để đạt được kết quả tốt”, ông Tâm lý giải.

Ông Tâm cho rằng trường ông chỉ có thu tiền phụ đạo của học sinh với số tiền 6.000 đồng/tiết và những em nào đăng ký thì mới học. Riêng việc tăng tiết học có đóng tiền hay không, do cá nhân ông phụ trách về chuyên môn nên những khoản này ông không biết rõ nên đề nghị PV liên hệ với bà Huỳnh Thị Kim Huệ là Hiệu trưởng nhà trường để nắm thêm.

Tuy nhiên, khi PV chủ động liên hệ với bà Huệ thì vị Hiệu trưởng này đều báo bận hoặc không nghe máy.

Bên cạnh đó, qua trao đổi với nhiều học sinh các khối lớp của trường THPT Chu Văn An thì các em đều khẳng định các tiết học chính khóa bị cắt, nhà trường không hề tổ chức dạy trên internet mà chỉ lâu lâu giáo viên đăng tải một bài tập trên ứng dụng Viettel Study mà thôi. Đồng thời, với việc dạy như vậy, các em không tiếp thu được bài mà chỉ học... cho có.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, cho biết, Sở đã nhận được phản ánh của phụ huynh về các vấn đề xảy ra tại trường THPT Chu Văn An và đã có chỉ đạo Phòng Giáo dục Trung học xác minh thông tin để làm rõ thực tế có như vậy hay không nhằm sớm trả lời báo chí.

“Nhà trường không được tự ý cắt các môn học chính khóa, vừa rồi Bộ GD&ĐT đã tinh giản nội dung cho phù hợp với tình hình nghỉ dịch Covid-19. Tuy nhiên, các trường vẫn phải dạy hết tất cả các môn, không được cắt xén”, ông Khoa nhấn mạnh.

Thúy Diễm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm