Phụ huynh muốn lập tổ kiểm tra, đột xuất ghé thăm bếp ăn bán trú
(Dân trí) - Sau sự việc các học sinh tại Nha Trang bị ngộ độc sau bữa ăn, nhiều phụ huynh thấp thỏm lo bữa ăn của con ở trường.
Một số người muốn đóng thêm tiền để con được ăn uống an toàn, có người không dám cho con ăn ở trường nữa.
Dúi đồ ăn dự phòng vào ba lô cho con
Từ đầu tuần trước, sáng nào chị Nguyễn Thị Hồng (Hà Nội) cũng chuẩn bị đồ ăn dự phòng cho con mang đi học. Thực đơn dự phòng của con bao gồm các món ăn nhẹ như bánh mì, xúc xích ăn liền, sữa tươi, ngũ cốc ăn liền, các loại bánh ngọt… do con tự lựa chọn.
"Sau khi nghe tin nhiều học sinh ở Nha Trang bị ngộ độc thực phẩm, tôi nghĩ ngay đến con gái mình. Tôi đành phải dúi vào ba lô của con một số đồ ăn vặt mang đến lớp.
Tôi dặn con nếu thấy đồ ăn ở trường có mùi ôi thiu thì không được ăn nữa, hoặc ăn không đủ no thì ăn đồ dự phòng", chị Hồng cho biết.
Theo chị Hồng, trường tiểu học của con gái chị không tổ chức nấu ăn, toàn bộ suất ăn của các con đều do một công ty cung cấp hàng ngày. Với 30 nghìn đồng/ngày, các con được ăn bữa chính buổi trưa và bữa nhẹ vào buổi chiều. Thực đơn bao gồm cơm, món mặn, món xào, món canh và món tráng miệng.
Thực đơn được thay đổi hàng ngày nên cha mẹ không nắm được mỗi bữa các con ăn những món gì.
Đầu năm học, thỉnh thoảng giáo viên chủ nhiệm lại gửi thông tin suất ăn trong ngày của con. Chị Hồng nhớ có ngày con được ăn cơm trắng, thịt kho, cà chua nấu với thịt băm, canh bí xanh và chuối, buổi chiều con được ăn sữa chua.
Chị Hồng đánh giá, thực đơn như vậy đảm bảo con ăn đủ no và đủ dinh dưỡng. Tuy nhiên, vấn đề là con thường xuyên chê đồ ăn nguội, những món ăn mặn thường chỉ có ít, con ăn không đủ, còn các món canh, rau lại quá nhiều, ngày nào con cũng để thừa, cơm không dẻo như cơm nhà.
Con cũng chê khay đựng thức ăn không được sạch sẽ mà khi sờ vào có cảm giác trơn vì dầu mỡ.
"Ngày nào đi học về con cũng kêu đói vì cơm ở trường không ngon, con không ăn hết suất. Có hôm con sờ vào thìa và khay ăn thấy còn trơn dầu mỡ và có mùi nước rửa bát nên sợ bẩn, chỉ dám ăn những miếng nằm bên trên, còn bỏ lại những miếng ở đáy khay", chị Hồng nói.
Chị Hồng cho biết, chị đã nhiều lần nói với giáo viên chủ nhiệm những gì con phản ánh về bữa ăn bán trú. Tuy nhiên, giáo viên cũng bối rối và chỉ nói rằng việc chính của mình là đi dạy nên không kiểm soát được các con ăn uống ra sao.
"Mặc dù thực đơn rất đầy đủ nhưng tôi nghĩ chỉ với 30 nghìn đồng/ngày thì bữa ăn của các con không thể chất lượng. Rất khó để các con được phục vụ rau sạch, thịt sạch hoàn toàn với giá tiền đó, chưa kể còn chi phí nhân công phục vụ, nấu nướng, vận chuyển. Tôi mua một hộp cháo dinh dưỡng ở ngoài đã có giá 20-25 nghìn đồng.
Tuy chưa có sự cố đáng tiếc nào xảy ra nhưng tôi mong muốn nhà trường điều chỉnh chất lượng bữa ăn của các con. Đồng thời, nhà trường cần có các biện pháp để kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi cho học sinh ăn.
Tôi chấp nhận đóng thêm tiền ăn để con được ăn uống ngon miệng, an toàn", chị Hồng nói.
Chung nỗi lo với chị Hồng, anh Nguyễn Văn Tú (Hà Nội) vừa phải xin cho con thôi ăn bán trú tại trường. Anh nhờ ông bà nội đón cháu về mỗi buổi trưa, cho cháu ăn rồi lại đưa cháu đi học. Vợ chồng anh không có thời gian về nhà ăn trưa với gia đình.
"Sau khi nghe tin nhiều học sinh bị ngộ độc thực phẩm, bố mẹ tôi nằng nặc đòi đón cháu về nhà ăn trưa, đầu giờ chiều lại đưa cháu đi học. Ông bà nội vất vả hơn vì phải nấu nướng cho cháu, chiều theo sở thích ăn uống của cháu nhưng đổi lại là sự yên tâm của cả nhà", anh Tú nói.
Anh Tú cho biết, con trai anh học tại một trường tiểu học tư thục gần nhà. Mỗi ngày, gia đình anh đóng 60 nghìn đồng tiền ăn bán trú cho con. Các món phổ biến trong thực đơn là các loại thịt lợn, bò, gà, cá và các món rau.
Thực đơn được thay đổi hàng ngày, cách chế biến đa dạng. Các món ăn có điểm chung là được chế biến mềm, nhỏ để các con dễ trộn với cơm. Ở bữa chiều, các con được ăn cháo, các loại bánh hoặc sữa chua.
Đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm của con thường gửi thực đơn hàng tuần vào nhóm chat cho phụ huynh biết. Cô chỉ liệt kê các món ăn chứ không có ảnh từng bữa ăn nên phụ huynh cũng chỉ biết con được ăn gì, chứ không biết chất lượng ra sao. Sau vài tuần, anh Tú không thấy cô giáo gửi thực đơn nữa.
Tuy nhiên, anh Tú kể, có hôm con được nghỉ, vì bận công việc nên anh không nấu nướng ở nhà, cho con đi ăn cùng với suất cơm 30 nghìn đồng. Anh bất ngờ khi con trai anh so sánh suất cơm ở trường còn không ngon bằng cơm ngoài quán.
Thằng bé cũng thường xuyên kêu với bố rằng, có những hôm cơm bán trú dở, đồ ăn nhiều dầu mỡ con không thể ăn nhưng cô giáo ép ăn. Con sợ cô nên đành phải ăn hết.
Theo thực đơn, sau bữa ăn, các con được uống nước ép trái cây nhưng thỉnh thoảng, anh Tú lại nghe con kể hôm nay cô giáo pha nước chanh, nước tắc (quất) đường cho các con.
"Tôi đã nhiều lần phản ánh với giáo viên chủ nhiệm của con về bữa ăn bán trú không chất lượng. Tuy nhiên, câu trả lời nhận lại luôn là lời xin lỗi và hứa sẽ báo cáo với nhà trường", anh Tú nói.
Phụ huynh muốn lập tổ kiểm tra, đột xuất ghé thăm bếp ăn bán trú
Anh Tú cho rằng, nhà trường phải nghiêm túc quản lý bữa ăn bán trú của học sinh. Không chỉ đảm bảo dinh dưỡng mà hơn cả, các con cần được an toàn.
"Nhà trường phải phối hợp với các chuyên gia y tế, dinh dưỡng để thường xuyên kiểm tra chất lượng bữa ăn của các con. Các yếu tố về dinh dưỡng, cách chế biến và sở thích của học sinh phải được cân bằng.
Phụ huynh cũng cần có trách nhiệm với bữa ăn của con mình. Đã đến lúc ban đại diện cha mẹ học sinh thể hiện vai trò. Các anh chị cần bàn bạc, tổ chức thực hiện giám sát bữa ăn bán trú của con. Việc này khó nhưng rất cần thiết", anh Tú nói.
Chị Phạm Thị Hà - Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh tại một trường THCS ở Hà Nội cho biết, chị đang xin ý kiến giáo viên chủ nhiệm và các cha mẹ khác về việc thành lập tổ kiểm tra bếp ăn bán trú của nhà trường.
Nếu được thông qua, chị Hà dự kiến sẽ tổ chức đến trường kiểm tra đột xuất vài lần trong tuần. Các nội dung kiểm tra bao gồm nguồn gốc thực phẩm, tình trạng vệ sinh nhà bếp và nhà ăn, nơi bảo quản thực phẩm, quá trình nấu nướng, đối chiếu suất ăn với thực đơn của nhà trường, chất lượng món ăn.
"Việc kiểm tra sẽ phần nào giúp chúng tôi yên tâm về bữa ăn của con. Chúng tôi kiểm tra bất ngờ nên nếu nhà trường làm chưa tốt, mua thực phẩm không rõ nguồn gốc, vệ sinh bẩn, ăn bớt thực đơn thì sẽ phải tự động điều chỉnh.
Tuy nhiên, chúng tôi phải tính toán kỹ để tổ chức hoạt động này lâu dài và hiệu quả. Đa số các phụ huynh đều bận đi làm, nhiều người sợ mất lòng nhà trường nên không nhận việc.
Hơn nữa, chúng tôi cần sự giúp đỡ của những người có chuyên môn, chứ tự mình không thể kiểm tra được món ăn sạch hay bẩn", chị Hà cho biết.
*Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi