Sóc Trăng:

Phụ huynh “lo sốt vó” với nhiều khoản tiền trường

(Dân trí) - Năm học mới đến cũng là lúc nhiều phụ huynh ở Sóc Trăng “lo sốt vó” với nhiều khoản tiền trường cho con, trong đó có nỗi lo từ việc nhà trường quy định học sinh mặc đồng phục đến trường…

Tại thành phố Sóc Trăng, dự kiến năm học mới này có khoảng 20 trường được đổi tên. Việc đổi tên trường sẽ kéo theo việc thay đổi cả đồng phục cho học sinh (vì đa số đều in tên trường trên áo), như vậy sẽ gây lãng phí và tốn kém cho phụ huynh, nhất là những gia đình khó khăn. 

Chị N.T.Th (phường 3, TP Sóc Trăng) cho biết: “Tôi có 2 con đang học tại một trường THCS ở phường. Năm ngoái các cháu mặc đồng phục rồi, năm nay dự kiến lấy quần áo cháu lớn cho cháu nhỏ mặc nhưng không ngờ nhà trường đổi mẫu đồng phục nên phải mua kiểu mới. Như vậy lại thêm tốn kém cho phụ huynh, nhất là với những người lao động làm thuê làm mướn như chúng tôi, kiếm bữa nào ăn bữa đó”.

Đồng phục đẹp nhưng đừng để nó trở thành nỗi lo của phụ huynh
Đồng phục đẹp nhưng đừng để nó trở thành nỗi lo của phụ huynh.

Một phụ huynh có con học lớp 6 tại Trường THCS phường 1 (TP Sóc Trăng) cũng than: “Năm học trước nhà trường thay đổi màu đồng phục nên tôi có ý định tận dụng quần áo cũ của anh cho em không thành, phải mua đồng phục mới. Năm học này trường lại thay đổi mấu đồng phục ở khối lớp 7 nên phụ huynh lại phải cất đồng phục năm ngoái làm kỷ niệm để mua bộ đồng phục mới của nhà trường.

Vị phụ huynh này nó thêm: “Qua sông phải lụy đò, con đi học thì phải “cắn răng” mua đồng phục theo qui định của nhà trường. Việc nhà trường thay đổi đồng phục liên tục như vậy gây khó khăn cho phụ huynh chúng tôi khi phải lo bao nhiêu khoản đóng góp đầu năm cho con nữa. Một bộ đồng phục bán trong trường giá thường cao hơn bên ngoài nhưng chất lượng vải không tốt, may cẩu thả. Có cháu nhận về mặc không vừa phải đưa ra tiệm sửa lại, như vậy phải tốn thêm tiền nữa”.

Theo lý giải của một số cán bộ quản lý, thực hiện đồng phục trong nhà trường là tạo sự bình đẳng giữa các học sinh với nhau. Học sinh nhà giàu hay nhà nghèo khi vào trường đều mặc quần áo như nhau. Đồng thời, đồng phục cũng thể hiện tính văn hóa, văn minh trong nhà trường, mang “thương hiệu”, “dấu ấn” của nhà trường không lẫn với các trường khác được.

Đồng phục nữ học sinh nông thôn Sóc Trăng
Đồng phục nữ học sinh nông thôn Sóc Trăng.
 
Theo ghi nhận của chúng tôi, cũng vì “dấu ấn”, “thương hiệu” của trường nên lãnh đạo các trường luôn “sáng tạo” với đồng phục học sinh. Cũng là chiếc áo trắng truyền thống nhưng có trường sáng tạo bằng cách thêm vào phần bâu (cổ áo) đường viền màu xanh, màu đỏ, màu nâu… Hoặc có trường thêm vào chiếc nơ (với học sinh nữ), cà vạt (với học sinh nam). Quần thì có trường qui định màu xanh dương, có trường qui định màu xanh đem, có trường thêm vào đường nẹp theo dọc ống quần màu sắc để tạo “dấu ấn” cho trường mình…

Một phụ huynh ở xã Trường Khánh (huyện Long Phú, Sóc Trăng) cho chúng tôi biết: Năm học này, Trường Tiểu học Trường Khánh A và trường THCS Dương Kỳ Hiệp của xã cũng thực hiện việc cho học sinh mặc đồng phục. Nhiều phụ huynh rất lo lắng khi hoàn cảnh gia đình họ rất khó khăn, phải chạy ăn từng bữa nên việc mua đồng phục cho con em là điều không đơn giản chút nào. Thậm chí, phụ huynh này còn cho biết thêm là việc bán đồng phục cho học sinh ở 2 trường này mang tính chất thương mại, kinh doanh nhiều hơn.

Trao đổi với PV, ông Diệp Đồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trường Khánh A, nhìn nhận: “Những năm qua, chúng tôi không qui định học sinh phải mặc đồng phục đến trường nhưng năm nay nhà trường chuẩn bị đón đoàn kiểm tra của cấp trên về kiểm tra tái công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia nên chúng tôi có họp và thống nhất cho học sinh mặc đồng phục tới trường. Chủ trương này được sự đồng ý của chính quyền địa phương và có thông qua cho phụ huynh. Đồng phục do một cơ sở may theo mẫu mã của nhà trường đưa ra, bán thông qua giáo viên chủ nhiệm với giá một bộ quần áo là 140.000 đồng, nếu em nào mua thêm cà vạt hay nơ thì thêm 5.000 đồng. Bên cạnh đó, cơ sở cung cấp cũng chi hoa hồng cho nhà trường mỗi bộ quần áo là 10.000 đồng và tặng một số quần áo cho học sinh nghèo. Số tiền hoa hồng đó chúng tôi giao cho giáo viên chủ nhiệm toàn quyền quyết định chứ nhà trường không quản lý. Hơn nữa, chúng tôi cũng chỉ qui định mặc vào ngày thứ 2 đầu tuần và đang ở mức vận động chứ không bắt buộc mua”.

Theo phản ánh của phụ huynh, Trường Tiểu học Trường Khánh A còn bán tài liệu cho học sinh với giá cao. Về việc này, ông Diệp Đồng cho biết: “Chúng tôi chỉ đặt in cuốn vở bài tập 2 môn Văn và Toán theo tài liệu của Bộ GD-ĐT thuộc chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục  trường học (SEQAP) để bán cho học sinh với giá 13.000 đồng/cuốn. Lý do phải đặt vì tài liệu này không có bán ở các nhà sách. Năm ngoái chúng tôi in cả môn Văn và Toán thành một cuốn nhỏ bằng ½ tờ giấy A4, bán với giá 15.000 đồng, còn năm nay in thành 2 cuốn nên phụ huynh cho rằng bán giá đó là cao so với bên ngoài”. Tài liệu nhà trường bán cho học sinh thuộc dạng photocopy có 64 trang loại giấy khổ A4 cùng 2 tờ bìa cứng màu xanh và hai bìa kính bên ngoài.

Đồng phục mới của học sinh Trường THCS Dương Kỳ Hiệp (huyện Long Phú, Sóc Trăng)
Đồng phục mới của học sinh Trường THCS Dương Kỳ Hiệp (huyện Long Phú, Sóc Trăng).
 
Còn ông Huỳnh Thái - Hiệu trưởng Trường THCS Dương Kỳ Hiệp (huyện Long Phú, Sóc Trăng) cho hay: “Năm nay trường chúng tôi cũng bắt đầu thí điểm qui định học sinh mặc đồng phục tới trường một tuần 2-3 ngày. Đồng phục của học sinh là áo trắng quần tây do một cơ sở may mặc cung cấp với giá 175.000 đồng/bộ, còn quần thể dục thì giá 70.000 đồng/cái. Nhà cung cấp cũng chi hoa hồng cho trường 10.000 đồng/bộ đồng phục, 5.000 đồng/quần thể dục. Nhà trường dùng số tiền này để mua đồng phục tặng hco5 sinh nghèo chứ không sử dụng vào mục đích khác”.
 
Hiệu trưởng Thái cũng cho biết: “Nhà trường chỉ vận động mua đồng phục chứ không bắt buộc phải mua. Quan điểm của chúng tôi là không vì đồng phục mà phải để học sinh bỏ học”.

Đồng phục cho học sinh là việc khuyến khích nhưng cũng đừng vì “màu cờ sắc áo” của trường mà làm khó cho phụ huynh khi họ còn phải lo biết bao thứ cần thiết khác trong cuộc sống…

 
PV
 
 
Dòng sự kiện: Khoản thu đầu năm