Phụ huynh lao vào trường đánh học sinh: Bênh con bằng nắm đấm đúng hay sai?
(Dân trí) - Từ nhận thức sai lệch về cách bảo vệ con cái, nhiều phụ huynh xông vào trường giải quyết uất ức của con bằng nắm đấm mà không ngờ đang tiếp tay cho bạo lực.
Vì dè bỉu bạn bị thua trong trận đá bóng ở trường, em B., nam sinh Trường THCS Nguyễn Du (Tam Kỳ, Quảng Nam) vừa bị 2 bạn cùng khối đánh thâm tím mặt.
Sau khi đưa con đến cơ sở y tế kiểm tra vết đánh ở mặt, bố em B. quay lại lớp đánh hai học sinh hành hung con ông.
Mặc dù ba bên đã viết tường trình và nhận sai nhưng nhiều người cho rằng, cách phụ huynh dùng nắm đấm để giải quyết uất ức của con hoàn toàn lệch lạc.
Theo độc giả Minh Châu (Hà Nội), các cơ quan chức năng cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất cho những trường hợp phụ huynh xông vào trường học bạo lực học sinh.
"Bệnh viện, trường học là nơi mà ngay cả chiến tranh cũng không được phép chủ động tấn công, đó là nơi gìn giữ các giá trị đạo đức và nhân văn nhưng lại là nơi yếu thế, rất dễ bị tổn thương và tổn thương sâu rộng.
Vậy nên người dân trong xã hội cần hiểu được giới hạn đỏ về hành động của mình, dù có bức xúc đến mấy cũng không được phép sử dụng bạo lực tại những nơi này", độc giả này chia sẻ.
Chị Nguyễn Thương (TPHCM) cũng bức xúc cho rằng, khi phụ huynh đánh hai đứa trẻ bằng tuổi con mình, liệu ông bố này muốn giáo dục điều gì?
"Ông bố này tính giáo dục con mình bằng bạo lực sao? Tôi cho rằng với cách giải quyết như vậy, phụ huynh đó không thể nhận bài học tốt trong việc dạy trẻ.
Nếu các con có sai trong trường, gia đình hãy báo thầy cô, nhà trường giải quyết. Tự mình giải quyết bằng hành vi côn đồ ngay trong lớp học hoàn toàn phản giáo dục", chị Thương bày tỏ.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng, trong đó đáng buồn nhiều vụ việc có sự tham gia của phụ huynh.
Việc phụ huynh tham gia hành hung bạn của con để giải quyết uất ức, phản ánh nhận thức sai lệch của phụ huynh về cách làm cha mẹ, cách bảo vệ con cái.
TS Trần Thành Nam rất thông cảm bởi nhiều phụ huynh xót xa khi con mình bị bắt nạt và họ tìm cách bảo vệ con.
Tuy nhiên ông cho rằng, cha mẹ dùng nắm đấm để giải quyết uất ức của con, không những không giải quyết được tận gốc vấn đề mà còn đẩy con vào nguy cơ đối diện với những vụ bắt nạt và bạo lực nghiêm trọng hơn trong tương lai.
"Hành vi người lớn tiếp tay, tham gia bạo hành học sinh có hành vi không đúng với con mình là vi phạm quyền trẻ em và cũng là hành vi vi phạm pháp luật nên sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật", TS Thành Nam khẳng định.
Cũng theo chuyên gia này, cha mẹ dạy con hằng ngày bằng tấm gương của bản thân nhưng chính phụ huynh trả đũa bằng bạo lực, khiến trẻ sau này cũng có nguy cơ bạo lực với chính bố mẹ.
Vậy nên giải pháp mà chuyên gia này đề cập, cha mẹ cần giúp con xây dựng kỹ năng giải quyết xung đột một cách thân thiện.
Bản thân cha mẹ cũng phải tự cập nhật những kiến thức và kỹ năng nuôi dạy con cái, sử dụng kỷ luật tích cực nêu gương cho con. Cha mẹ cần được trang bị kiến thức để nhận diện sớm các dấu hiệu con cái bị bạo lực hoặc có thể trở thành thủ phạm của bạo lực để có quy trình xử lý, sơ cứu tâm lý khi cần thiết.
Ngoài ra, nhà trường cũng phải triển khai các khóa huấn luyện kỹ năng giải quyết xung đột và chương trình giảng dạy phòng chống bạo lực cho học sinh và giáo viên trong toàn trường; tăng cường năng lực quản lý lớp học tích cực cho giáo viên; xử lý khủng hoảng truyền thông khi có bạo lực nghiêm trọng xảy ra.
Trước đó, ngày 25/3, tại Hải Dương xảy ra một vụ việc nữ sinh lớp 7 bị nam thanh niên hành hung, tát nhiều lần vào đầu, mặt. Theo lãnh đạo UBND xã An Thượng (TP Hải Dương), trước đó nữ sinh này có xích mích nhỏ với một học sinh lớp 9 cùng trường. Thấy vậy, người chú của học sinh lớp 9 đã ra tay đánh nữ sinh lớp 7.
Tại Hà Nội, một vụ bạo lực đau lòng mới đây khiến nam sinh lớp 8 bị chấn thương sọ não dẫn đến tử vong sau nhiều ngày hôn mê sâu.