Phụ huynh, học sinh “căng não” khi cánh cửa xét tuyển đợt 1 sắp khép
(Dân trí) - Áp lực về thời gian, gánh nặng về tâm lý đang khiến cho cả thí sinh lẫn phụ huynh bị căng thẳng khi hạn chót rút hồ sơ sắp đến và cánh cổng xét tuyển đợt 1 đang khép dần.
Như một cuộc chơi may rủi
Theo kế hoạch, vào 17h ngày 20/8, các trường đại học sẽ khóa sổ nộp hồ sơ, kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng 1. Các thí sinh chỉ còn một ngày để thực hiện việc đăng ký xét tuyển vào đại học chính quy đợt 1 kết thúc.
Áp lực về thời gian, gánh nặng về tâm lý đang khiến cho cả thí sinh lẫn phụ huynh bị căng thẳng khi hạn chót rút hồ sơ sắp đến và cánh cổng xét tuyển đợt 1 đang khép dần.
Một điều dễ dàng nhận thấy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo gộp 2 kỳ thi thành một đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho thí sinh, thế nhưng khi đã có điểm trong tay, các thí sinh lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc nộp hồ sơ đăng kí nguyện vọng vào các trường đại học. Điều này càng thể hiện rõ hơn trong những ngày cuối xét tuyển đợt 1.
Nhiều thí sinh có số điểm ở mức cao nhưng với tâm lý muốn “chắc ăn” nên các thí sinh này muốn dành thời gian để cân nhắc, nghiên cứu tình hình trước khi quyết định nộp hồ sơ vào trường có khả năng trúng tuyển cao.
Điều này khiến cho số điểm dự kiến có xu hướng tăng dần, vô hình trung đã gây khó khăn cho những thí sinh có điểm nằm ở tốp giữa. Nhiều thí sinh phải cuống cuồng rút hồ sơ vào những ngày chót dù có số điểm được đánh giá là ở mức an toàn. Cuộc đăng ký xét tuyển vào đại học năm nay bỗng nhiên biến thành một cuộc chơi đầy tính may rủi.
Càng tới những ngày cuối điểm chuẩn của các trường càng dao động bất thường. Các thí sinh cũng khó lòng mà ngồi yên ở nhà chờ, nếu như chỉ đạt mức điểm hiện tại gọi là “đủ để đỗ” vào một ngành nào đó.
Bởi lẽ, vào những ngày cuối ngành đã đăng ký lại có nhiều hồ sơ nộp vào, khả năng trượt rất lớn dù có đạt điểm cao. Điều lo lắng hơn nữa, đó là một số trường ở tốp trên đa số đều khẳng định rằng sẽ chỉ tuyển sinh ở đợt 1 như Học viện Ngân hàng, ĐH Bách khoa, ĐH Ngoại thương...
Những trường này hoặc lấy đủ chỉ tiêu trong đợt 1, hoặc lấy tới 70-80%. Như thế cũng có khả năng, các thí sinh điểm cao chẳng may bị trượt ở nguyện vọng 1 sẽ không được học ở những trường tốp đầu. Bởi thế, những ngày cuối là những ngày vô cùng căng thẳng với các thí sinh. Đa số các thí sinh lẫn người thân đều cố gắng trụ lại ở gần trường để vừa nghe ngóng vừa kịp thời tới rút hồ sơ để nộp trường khác, tránh bị trượt đại học.
Thí sinh, phụ huynh căng thẳng rút, nộp hồ sơ
Ghi nhận của phóng viên trong những ngày cuối của hạn rút nộp hồ sơ, tại các trường như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Y Hà Nội, ĐH Công đoàn có hàng trăm thí sính lũ lượt kéo tới để rút hồ sơ hoặc đăng ký thay đổi nguyện vọng vào ngành có điểm số thấp hơn vì lo bị trượt.
Đứng mướt mát mồ hôi tại trường ĐH Y Hà Nội dưới trời nắng như đổ lửa, thí sinh Phạm Quang Tùng ở Hà Nam cho biết số điểm mình đạt được trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua là 27 điểm cho 3 môn Toán, Hoá, Sinh. Với số điểm này, Hằng tự tin nộp hồ sơ vào ngành Bác sĩ Răng hàm mặt của trường ĐH Y Hà Nội.
Tuy nhiên, đến chiều 18/8, Phạm Quang Tùng đã phải tức tốc quay lại xin rút hồ sơ. Tùng tâm sự: “Mấy ngày nay em đều phải theo dõi danh sách các thí sinh đăng ký cùng ngành học với mình. Đến sáng nay em đã thấy vị trí của em đứng là 70 trong khi chỉ tiêu lấy là 80 nên em thấy không an toàn vì vẫn còn nhiều thí sinh đang tiếp tục nộp hồ sơ”.
Cùng trong hoàn cảnh tương tự, 11h trưa ngày 18/8, hai bố con thí sinh Nguyễn Thị Hoài ở Vĩnh Phúc vẫn chôn chân tại sảnh của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ông Nguyễn Văn Cần, bố của thí sinh Hoài chia sẻ: “Gần 20 ngày qua, tôi liên tục phải nghe ngóng diễn biến xét tuyển, lúc đầu cả nhà đều phấn khởi vì điểm thi của con khá cao nhưng càng về sau mặt bằng điểm càng cao nên rất lo lắng”.
Cho đến ngày 18/8, mức điểm của con gái ông Cần đã chạm ngưỡng không an toàn. Lo lỡ cơ hội, cha con ông Cần phân công nhau, người cập nhật điểm thi trên web của trường, người cha trực tiếp đến trường quan sát, nhận định tình hình số thí sinh nộp vào nhiều hay ít, điểm cao hay thấp để tính đường rút hồ sơ.
Thí sinh Nguyễn Ngọc Dân đến tìm hiểu thông tin để nộp hồ sơ vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Dù được 26,5 điểm và muốn nộp vào ngành kế toán của trường nhưng nhiều ngày qua Dân chỉ dám theo dõi thông tin điểm số của trường. “Em lo nộp hồ sơ sớm lại bị trượt vì nhiều bạn điểm cao hơn, lúc đó sẽ mất công rút ra, nộp vào. Để khi nào chắc chắn thì em nộp, hồ sơ em đã hoàn thành. Dự kiến sáng 19/8 em sẽ nộp hồ sơ vào trường”, Dân cho hay.
Một thực tế chung nhận thấy đó là, nhiều thí sinh đang lo lắng không biết sẽ phải nộp tiếp vào đâu khi đã trượt khỏi ngành mình yêu thích. Một số khác lại hoang mang liệu có nên nộp vào những ngành thấp hơn để “chắc ăn” hay lại tiếp tục chạy xô chen lấn vào những ngôi trường tốp trên.
Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết đã tính toán đến khả năng thí sinh rút hồ sơ nhiều. Tuy nhiên, việc rút hồ sơ nhiều chỉ diễn ra ở một số trường đại học lớn có sức thu hút thí sinh mạnh. Hiện nay, nhiều trường có chỉ tiêu nộp vào chưa đầy đủ, các em nên liệu sức mình để nộp vào trường phù hợp để khỏi phải nộp - rút nhiều lần.
"Dù các em đã được tư vấn, định hình nghề nghiệp trong tương lai, nhưng vẫn còn một số em chọn nghề theo số đông. Những em này khi đỗ vào trường học sẽ rất vất vả, dẫn đến nản chí và bỏ học giữa chừng" - ông Ga chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết rất chia sẻ với thí sinh về những băn khoăn trong việc xét tuyển vừa qua. “Công tác tuyển sinh năm nay nhằm tạo cơ hội và cung cấp cho các cháu các kênh thông tin để có thêm căn cứ lựa chọn đăng ký xét tuyển nhằm giảm thiểu tình trạng người có điểm cao vẫn trượt đại học nhưng người có điểm thấp lại đỗ như những năm trước đây”, Bộ trưởng Luận lý giải.
Bộ trưởng Luận cho rằng các thí sinh có thể không sử dụng các cơ hội hỗ trợ nói trên, chỉ đăng ký xét tuyển vào một trường và chờ công bố kết quả như những năm trước. Việc này vào quyền lựa chọn của thí sinh.
“Bộ khuyến khích thí sinh cân nhắc thông tin, tận dụng cơ hội để có quyết định phù hợp với nguyện vọng, đam mê của mình. Để tận dụng lợi thế đó, các cháu sẽ phải vất vả hơn”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lưu ý.
Lê Tú
(Email: lengoctu@dantri.com.vn)