Phụ huynh đăng thư ngỏ đề nghị cấm người xúc phạm Đại tướng được dạy tiếp
(Dân trí) - Trước bình luận mang tính khiếm nhã của Daniel Hauer (hay gọi tắt là Dan) với bạn bè trên mạng, trong đó có “đá xéo” U23 và xúc phạm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sáng 26/1, anh Trần Trọng An, phụ huynh học sinh ở Hà Nội đã đăng tải lá đơn đề nghị cấm người xúc phạm Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tiếp tục dạy học tại Việt Nam.
Trong lá đơn đăng trên trang thông tin cá nhân, anh Trần Trọng An viết:
“Kính gửi: Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Trong mấy ngày qua, trên trang Facebook cá nhân của mình, một người ngoại quốc có tên là Daniel Hauer đã đăng các lời lẽ thô tục, xúc phạm đến đại tướng Võ Nguyên Giáp, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, đội tuyển U23 Việt Nam và nhiều người dân thủ đô (hình ảnh chụp màn hình kèm theo).
Anh ta đã đến Việt Nam sinh sống, làm việc, lấy vợ, sinh con nhưng đã thể hiện thái độ vô ơn, xúc phạm cả người đã khuất là anh hùng dân tộc, miệt thị đất nước đã cho anh ta cơ hội mưu sinh.
Được biết, hiện Daniel Haier đang dạy tiếng Anh trực tuyến cho nhiều người Việt Nam và dạy tiếng Anh tại 1 số lớp, trung tâm tại Hà Nội.
Cá nhân tôi cho rằng, Daniel Hauer không đủ tư cách để đứng lớp dạy tiếng Anh cho học sinh Việt Nam.
Bằng thư này, tôi kính đề nghị quý cơ quan phối hợp kiểm tra làm rõ và có biện pháp cấm Daniel Hauer đứng lớp dạy học sinh tại Hà Nội.
Xin trân trọng cảm ơn.
Hà Nội, ngày 26 tháng 1 năm 2018”.
Cùng với đó, anh An cũng giải nghĩa bình luận có lời lẽ thô tục của Dan và đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp làm rõ và có biện pháp cấm Daniel Hauer dạy học sinh tại Hà Nội.
Chia sẻ với PV Dân trí, anh Trọng An cho biết, hiện anh chỉ mới đăng tải lá đơn này trên trang thông tin cá nhân. Anh đang xem xét, cần thiết có thể sẽ gửi đường bưu điện đến Sở GD&ĐT Hà Nội.
“Dù anh ta đã lên tiếng xin lỗi nhưng đó là thái độ xin lỗi lưu manh, thậm chí có thể theo một kịch bản để nổi tiếng được chuẩn bị trước.
Một mặt nói lời xin lỗi, nhưng mặt khác anh ta vẫn bày tỏ quan điểm trong group về đất nước, con người Việt Nam, nơi đã cho anh ta công việc, vợ con và đất sống.
Tại sao các nhà quản lý giáo dục có thể để một người vô văn hóa như vậy đứng lớp dạy tiếng Anh ở Việt Nam”?, anh Trọng An bức xúc.
Trao đổi với PV Dân trí, anh Đặng Ngọc Toàn, Đại học Western Sydney – Úc cho nhận xét, bình luận trên của Dan là cố ý, không phải đùa thông thường.
“Tôi đã từng ở nước ngoài một số năm thì thấy, cho dù ở quốc gia nào, không có văn hóa nào dạy người ta xúc phạm một danh nhân văn hóa, nhất là người đã khuất. Đó là sự kém cỏi trong ứng xử văn hóa.
Theo cách nhìn của tôi, những bình luận của người gọi là “thầy” này, phản ánh sự khiếm khuyết đạo đức nghiêm trọng của chính ông ấy. Ông Dan không chỉ xúc phạm một con người đã khuất, mà xúc phạm một danh nhân văn hoá thế giới.
Người Việt Nam ai cũng rõ một điều rằng, việc nói về người đã khuất cần phải rất thận trọng, uốn lưỡi nhiều lần, vì dù thế nào, họ cũng đã không còn và cần được yên nghỉ và rằng họ xứng đáng điều đó.
Thậm chí ở Úc, Học viện Hàn lâm Quân sự còn dạy về Đại tướng. Các cuốn sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Hồ Chí Minh rất nhiều, được nhiều người ưa chuộng.
Câu nói: 'Nghĩa tử là nghĩa tận' cũng có thể được dùng để mô tả điều này. Đó là đạo đức tối thiểu. Cá nhân tôi tin rằng ai cũng hiểu điều đó, bất kể nền văn hoá nào. Nhưng nếu một ông 'thầy' không hiểu được cái tối thiểu ấy, tôi sẽ rất hoang mang.
Theo sự hiểu biết của tôi, tôi chưa hề và không tin rằng có một nền văn hoá nào trên thế giới này dạy người khác đùa giỡ thô lỗ với một người đã khuất bao giờ. Nếu thật sự có một nền 'văn hoá' như vậy, đó ắt sẽ là một thứ hủ tục đi ngược lại tính nhân phẩm và tiêu chuẩn làm người tối thiểu: quyền được tôn trọng.
Tôi sẽ không bao giờ gửi con mình hay giới thiệu bất kỳ ai vào nơi ông 'thầy' này dạy. Tôi cũng muốn có cơ hội trực tiếp trao đổi trực tiếp với ông ấy về những bình luận của ông ấy về Đại tướng. Với tư cách là một người Việt Nam, tôi có quyền yêu cầu ông ấy một lời xin lỗi chân thành”, anh Đặng Ngọc Toàn nói.
Ông Khúc Trung Kiên, Giám đốc Chương trình Fast Track SE, ĐH FPT cũng cho hay, mình không biết đến giáo viên này cho đến khi nhìn thấy các chia sẻ về câu bình luận của anh ấy.
“Tôi không biết về cậu cho đến khi đọc được các bài chia sẻ về cậu. Tôi cũng đã cố gắng kiềm chế để không viết ngay mà tìm hiểu kỹ thêm về cậu trước khi có bất kỳ phát biểu gì.
Cái tôi tìm được là: cậu ở Việ Nam khá lâu, lấy vợ Việt Nam và đây là nơi cậu đang sống. Nhưng cậu đã coi thường và có thái độ miệt thị đối với Việt Nam. Cái comment mới đây chỉ là giọt nước tràn ly…
Những phê phán thẳng thắn, chân thành với những cái xấu, cái dở của chúng tôi (tôi phải nói là còn nhiều lắm) có thể bị ai đó phản ứng thái quá nhưng nhiều người khác sẽ trọng thị và bảo vệ. Thái độ của cậu không thuộc số này”, anh Kiên bức xúc.
Mỹ Hà